Bạn đọc viết:
Gia sư thật, chất lượng “rởm”
(Dân trí) - Xã hội hiện đại khiến nhiều người phải chạy theo guồng quay của công việc, không có nhiều thời gian. Vì vậy việc gia đình, con cái đành nhờ vào người giúp việc, học hành thì phó thác cho gia sư…
Sự thật chất lượng gia sư
Hiện nay vẫn có nhiều hình thức chiêu mộ gia sư như tìm gia sư qua trung tâm giới thiệu gia sư, tìm gia sư qua mạng internet… thậm chí cả tìm gia sư theo số điện thoại dán ở các dãy tường nơi công cộng. Nhưng thực chất, chất lượng gia sư thế nào thì còn phải bàn nhiều.
Là sinh viên ở quê ra Hà Nội học, Ngọc (sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền) muốn tìm một công việc để có thêm thu nhập đỡ cho gia đình. Và gia sư là công việc phù hợp với con gái nên cô đã lựa chọn. Nghe bạn bè giới thiệu Ngọc qua một trung tâm gia sư (trên đường Nguyễn Khánh Toàn) để nhờ giới thiệu. Sau khi thỏa thuận tiền lương, các môn học sẽ dạy cùng với khoản đặt cọc là 40% tiền lương tháng đầu (với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng), cô đồng ý và về nhà đợi điện thoại của trung tâm.
Hai ngày sau, Ngọc nhận được điện thoại, cô vội vàng đến để người của trung tâm dẫn tới nhà gia đình học sinh và kèm thêm một vài cam kết miệng khác: “khi em đến gặp gia đình học sinh, nếu họ hỏi học năm thứ mấy, học ở đâu thì phải nói là mình đang học năm thứ 3, Đại học Sư phạm Hà Nội nhé. Học sư phạm sẽ thuyết phục được họ hơn vì mình đã có kĩ năng dạy”. Thực sự Ngọc không muốn nói dối, song vì đã nộp tiền đặt cọc rồi, không thể rút ra được nên cô đành chấp nhận.
Không dễ “qua mặt” các bậc phụ huynh học sinh như Ngọc. Quỳnh, sinh viên Cao đẳng Du lịch (năm 2) cũng phải thỏa thuận với trung tâm gia sư với cái “mác” là sinh viên sư phạm đến dạy môn toán lớp 8. Nhưng không trót lọt như Ngọc, khi đến gặp mặt gia đình lần đầu, bố mẹ của học sinh đã khá cẩn thận trong việc tìm hiểu gia sư. Họ hỏi thăm đôi điều về các nhân vật kì cựu trong trường như thầy Hiệu trưởng tên gì, giảng viên bộ môn văn học thế giới là ai, các hoạt động thường niên của trường...
Với mức độ thông tin ngoài khả năng của cô được trang bị trước khi gặp mặt lần đầu, nên cuối cùng vì sợ lộ, vì không muốn nói dối, Quỳnh đành quay lại trung tâm “thương lượng” để không phải tiếp tục làm gia sư nữa. Nhưng lúc này trung tâm gia sư chỉ hoàn lại cho cô 2/3 số tiền đặt cọc, số còn lại gọi là “phí dịch vụ” (?)
Chất lượng “rởm” lên tiếng
Trên thực tế, hiện nay các hoạt động của trung tâm gia sư phần lớn còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến việc nhiều trung tâm gia sư vì lợi nhuận cá nhân mà không quan tâm tới chất lượng gia sư, không đảm bảo được các kĩ năng cần thiết cho những người làm công việc gia sư. Thậm chí dưới danh nghĩa là trung tâm gia sư, họ trở thành những kẻ lừa đảo.