Đường 52 tỷ đồng đầu tư xong "bỏ quên" suốt nhiều năm
(Dân trí) - 2,3 km đường rải thảm với tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng ở Hà Tĩnh nhưng không thể sử dụng như mục đích ban đầu. Suốt hơn 5 năm qua đoạn đường này như bị lãng quên.
Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 21 (nay là quốc lộ 8C) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt năm 2009. Dự án có tổng mức đầu tư 367 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và trái phiếu Chính phủ, do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư.
Dự án chia làm hai tuyến: Tuyến chính dài 17 km, nối từ ngã ba xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) đến Trạm Bù (xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) và tuyến nhánh dài 5,6 km, nối từ đường Hàm Nghi kéo dài (thành phố Hà Tĩnh) về xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà).
Mục tiêu của dự án nhằm kết nối thành phố Hà Tĩnh với hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc đang từng bước được nghiên cứu đầu tư và tuyến nhánh Quốc lộ 8C. Dự án đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã phía Tây Nam huyện Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Trong đó, tuyến chính dài 17 km đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Riêng tuyến nhánh dài 5,6 km bắt đầu thi công từ cuối năm 2014, đến tháng 6/2016 khi dự án mới chỉ thi công được 2,3/5,6 km với tổng kinh phí 52 tỷ đồng thì dừng lại. Đoạn đường này được thiết kế 4 làn, gồm 2 làn dành cho ô tô và 2 làn cho phương tiện thô sơ, rộng 12 m.
Đến nay, đã hơn 5 năm, đoạn đường dường như đã bị bỏ quên. Chỉ một ít người dân ở xã Thạch Xuân dùng để đi làm đồng ruộng, hay tận dụng làm mặt bằng phơi lúa, thậm chí trở thành con đường đi lại của trâu bò...
Theo ông Dương Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân, hiện địa phương cũng chưa có thông tin chính thức lúc nào sẽ triển khai tiếp 3,3 km đường còn lại.
"Vì con đường này bị cụt nên rất ít người qua lại. Vào ngày mùa nhiều người dân còn tận dụng để phơi lúa, phơi rơm", ông Dương Xuân Tùng cho biết thêm
Nguyên nhân khiến con đường bị "tắc" giữa chừng theo phía chủ đầu tư là do nguồn vốn "rót" về dự án chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến trượt giá. Mặt khác thời điểm thi công, Chính phủ có chỉ thị cắt giảm đầu tư công, xử lý nợ xây dựng cơ bản nên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cấp về dự án giảm, không đủ để thực hiện theo thiết kế được phê duyệt.
Cũng theo UBND huyện Thạch Hà, phần còn lại của dự án (3,3 km-PV) đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cắt, tách ra khỏi dự án và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh (trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PV Dân trí về kế hoạch triển khai dự án này, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện đang phải chờ kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh sắp tới.
"Dự án đang phải chờ kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh sắp tới để đưa cái này vào nguồn vốn trung hạn, từ đó xác định rõ nguồn vốn mới tiến hành các bước tiếp theo được. Đường được thiết kế 42 m, nếu có vốn thì cũng phải đến năm 2023 mới xong được", vị này cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, tổng số tiền để thực hiện 3,3 km đường còn lại khoảng hơn là 380 tỷ đồng bao gồm các chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư, thi công….