Dùng tâm linh- tín ngưỡng để kinh doanh là phạm pháp
(Dân trí) - “Việc kinh doanh tâm linh là không được phép, không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Những cá nhân, tổ chức nào lợi dụng các vấn đề về tâm linh để trục lợi cho mình là vi phạm pháp luật” - Luật sư khẳng định.
Hỏi: Hiện nay tại miền Bắc đang rất phát triển hình thức du lịch sinh thái kết hợp với khu tâm linh. Xin hỏi kinh doanh tâm linh, tĩn ngưỡng có hợp pháp không?
(Bạn đọc Trần Bình Minh – Hà Tây- Hà Nội)
Trả lời:
(TS, Luật sư Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng)
Tâm linh được coi là một nét văn hóa điển hình của người dân Việt Nam từ xa xưa. Khi đời sống người dân nâng cao thì nhu cầu về các vấn đề tâm linh linh ngày càng được chú trọng hơn.
Nắm bắt được nhu cầu này, hiện xã hội đang phát triển thêm nhiều dịch vụ ăn theo nhu cầu, thị hiếu của người dân như: Dịch vụ du lịch, ăn uống, nghỉ ngơi, vận tải, sản xuất đồ hàng mã, tượng phật, buôn bán hàng hóa…Tất cả những dịch vụ đi kèm đó chính là những hình thức kinh doanh dịch vụ. Nhiều người vẫn nghĩ đó là kinh doanh tâm linh. Thực tế không có hình thức “kinh doanh tâm linh” và pháp luật Việt Nam cũng không cho phép đem tín ngưỡng ra làm một lĩnh vực hay dịch vụ để kinh doanh.
Cụ thể, theo quy định của Pháp luật khu tâm linh như đình, chùa là di tích lịch sử văn hóa thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo thì việc người dân đến hành hương khấn lễ là quyền tự do đi lại, không một doanh nghiệp hay cá nhân nào được phép thu tiền vé vào hay nhận tiền cúng lễ của phật tử. Tâm linh cũng không phải là một ngành nghề được phép kinh doanh vì thế không có việc được phép thu lợi bất chính tại những nơi này.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là di tích lịch sử mang tính tâm linh này không cần quản lý. Thực tế luôn cần phải có một cơ quan quản lý riêng biệt với dự án, đây là cơ quan trung gian đứng ra quản lý giữ gìn cảnh quan, bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ quản lý tiền công đức quyên góp được của phật tử, sử dụng và nhận tiền công đức vào việc trùng tu tôn tạo cảnh chùa, không nhằm mục đích kinh doanh kiếm lợi.
Theo đó, những cá nhân, tổ chức nào lợi dụng các vấn đề về tâm linh để trục lợi là vi phạm pháp luật. Một số điều luật được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với hành vi thu vé bất hợp pháp vào các khu đề chùa mang tính tâm linh, tín ngưỡng của công dân chính là việc xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều 129 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.” Hành vi thu tiền hay bán vé mới được vào thắp hương, lễ phật chính là hành vi cản trở, tạo ra điều kiện ngăn cản công dân tiếp xúc với tôn giáo, tín ngưỡng mà mình vẫn tin theo từ trước. Đáng lý đây là những tài sản chung của động, người dân đều có quyền tự do ra vào dưới sự điều hành, quản lý của Nhà nước, hoặc Ban quản lý do dân tự thành lập nhưng lại bị cấm cản có điều kiện của các doanh nghiệp hay cá nhân không đủ thẩm quyền.
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Thu tiến vé vào chính là trục lợi cá nhân, lợi dung để thu tiền bất hợp pháp là vi phạm pháp luật.
Thứ hai, nếu có hành vi kinh doanh sai trái không đúng pháp luật, thì sẽ phải chịu sự truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sau tháng đến ba năm”. Vào cúng lễ thực chất là không mất tiền, nhưng vẫn lừa dối người dân thu vé vào, hay như sử dụng trái phép tiền công đức lễ phật dùng ngoài việc trùng tu, tôn tạo và bảo dưỡng đình chùa. Đây chính là những lành vi lừa dối công dân.
Luật Sư Nguyễn An khẳng định: Cá nhân, tổ chức nào lợi dụng các vấn đề về tâm linh để trục lợi là vi phạm pháp luật.
Thứ ba, kinh doanh tâm linh là không được phép. Như vậy, sẽ dịch vụ này không có đăng ký kinh doanh cũng như không có trong nội dung đã đăng ký kinh doanh. Các dự án khu du lịch không được cấp phép kinh doanh mà vẫn tiến hành quản lý và thu lợi trực tiếp các khu tâm linh, tín ngưỡng là sai trái. Đây chính là tội kinh doanh trái phép được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phái có giấy phép……” . Chủ đầu tư của dự án sẽ được cấp giấy phép đầu tư, được phép thực hiện các hoạt động dịch vụ, tôn tạo cảnh quan của công trình nhân tạo… trong đó không bao gồm việc kinh doanh đình chùa miếu mạo là các địa điểm tâm linh. Chủ dự án có quyền trợ giúp, hỗ trợ việc tu tạo di sản văn hóa, không được lợi dụng việc có công tu tạo để thu tiền của khách thập phương đến lễ phật. Thu tiền vé vào, thu phí với danh nghĩa của chủ dự án là đã vượt ngoài phạm vi được phép hoạt động của giấy chứng nhận đầu tư. Đây chính là hành vi kinh doanh trái phép.
Phạm Thanh