Bạn đọc viết:

Đừng nửa vời trong đấu tranh chống tiêu cực thi cử!

(Dân trí) - Ngày thi sắp đến, các cô tú cậu tú miệt mài hơn với đèn sách để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, đại học và cao đẳng. Đây được coi là bước ngoặt vào đời nên không chỉ bản thân các em căng thẳng mà phụ huynh cũng thấp thỏm, lo âu.

Áp lực lớn nhất đối với các em trước tiên là kỳ thi tốt nghiệp, “12 năm đèn sách - lẽ nào tốt nghiệp không qua”. Tuy nhiên, sáu môn thi bao gồm các môn xã hội, tự nhiên và ngoại ngữ sẽ rất khó với các em học thiên lệch và các em học lực trung bình -yếu. 

 

Tỷ lệ đậu tốt nghiệp lại là vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đối với danh tiếng dạy và học của thầy và trò, vì thế kỳ thi này không chỉ có học sinh và phụ huynh lo lắng mà ngay chính nhà trường, các giáo viên có bộ môn phải thi tốt nghiệp cũng đứng ngồi không yên.

 

Do đó, vấn đề quay cóp và dở tài liệu là không tránh khỏi, sự “nương nhẹ” của giám thị chắc chắn sẽ có. 

Đừng nửa vời trong đấu tranh chống tiêu cực thi cử! - 1

Học sinh vứt bỏ tài liệu sau khi thi xong


Còn nhớ, năm 2009 Bộ Giáo dục ĐT đã tổ chức và giám sát kỳ thi tốt nghiệp một cách chặt chẽ và cực kỳ nghiêm ngặt. Đình chỉ thi các học sinh sử dụng tài liệu, quay cóp dù chỉ một lần; kỷ luật với các giám thị coi thi để hiện tượng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, kể cả khi chưa sử dụng; phía ngoài phòng thi, khu vực thi luôn luôn có thanh tra giám sát, theo dõi…

 

Kết quả cuối cùng cho thấy tỷ lệ đậu tốt nghiệp năm đó thấp hơn rất nhiều so với các kỳ thi trước. Chúng ta đã “chịu đau một lần” để nhìn thẳng vào thực trạng của ngành được coi là “quốc sách hàng đầu”. Thế nhưng, trước dư luận và vô số những câu hỏi đặt ra cho ngành giáo dục… năm tiếp theo tỷ lệ đậu tốt nghiệp lại trở về với ngưỡng vốn có của nó. Nên vui hay buồn, nỗi niềm này ai trăn trở với ai?

 

“Bệnh thành tích” vẫn là căn bệnh nguy hiểm, dai dẳng và khó chữa. Nhưng sự “nửa vời” thì lại càng không bao giờ đưa đến một thắng lợi huy hoàng. Vì thế ngành giáo dục nước nhà cần phải có thêm tính quyết liệt, sự triệt để trong "cuộc chiến" với chính mình.

 
Nguyễn Thị Hà Lam