Bạc Liêu:

“Dùng ly thủy tinh ném mẹ nhưng trúng con”: Luật sư kiến nghị đình chỉ vụ án!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Dùng ly thủy tinh ném mẹ nhưng trúng con” xảy ra tại huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), Luật sư Trần Bá Học cho rằng, hành vi của bị can Ngô Minh Tiến chỉ là “vô ý gây thương tích” và thương tật của bị hại dưới 31% nên không cấu thành tội phạm.

Cơ quan điều tra Công an huyện Vĩnh Lợi vừa có kết luận bổ sung vụ “Cố ý gây thương tích” xảy ra vào tháng 9/2016 tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; với bị can là Ngô Minh Tiến.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra cơ bản đã làm rõ những nội dung mà TAND huyện Vĩnh Lợi đã yêu cầu theo quyết định yêu cầu điều tra bổ sung. Trong đó, các nhân chứng như Võ Hồng Thu, Tạ Duy Khánh, Huỳnh Văn Ghê,… đều xác định có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, các nhân chứng cho rằng, thời điểm đó chủ yếu nghe tiếng ly thủy tinh bể, nhưng không xác định được có trúng bị hại Nguyễn Thị Kiều Oanh.

Bản kết luận điều tra bổ sung của CQĐT Công an huyện Vĩnh Lợi. Trong đó, một số nhân chứng xác định có mặt tại hiện trường, nhưng không xác định được ly thủy tinh có trúng bị hại.
Bản kết luận điều tra bổ sung của CQĐT Công an huyện Vĩnh Lợi. Trong đó, một số nhân chứng xác định có mặt tại hiện trường, nhưng không xác định được ly thủy tinh có trúng bị hại.

Luật sư Trần Bá Học (Hãng Luật Roma, Đoàn Luật sư TPHCM) thì cho rằng, qua tình tiết vụ việc cho thấy bị can Ngô Minh Tiến chỉ là ném bừa cái ly thủy tinh về hướng chị Đặng Thị Hiểu, nhằm ngăn cản cuộc cãi nhau giữa chị này và vợ Tiến, nhưng trúng cột hành lang rồi văng ra trúng cháu Oanh. Lúc đó, bị can Tiến hoàn toàn không biết cháu Oanh có mặt và không muốn gây thương tích cho cháu Oanh. Chính vì thế, lỗi của bị can Tiến chỉ là “Vô ý gây thương tích” cho cháu Oanh.

“Bị can Tiến nghĩ rằng khi ném bừa cái ly thủy tinh thì sẽ không trúng ai cả và không muốn có hậu quả gì xảy ra, cũng không nghĩ đến việc sẽ gây thương tích cho cháu Oanh. Do đó, có thể nói rằng, hành vi của bị can Tiến chỉ là lỗi vô ý mà thôi”, Luật sư Học nêu quan điểm.

Theo Luật sư Trần Bá Học, theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009, tại Điều 108 thì hành vi “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn tại cho sức khỏe của người khác”, hậu quả gây ra với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên mới bị khởi tố và xét xử tội danh này.

Còn theo kết quả giám định tỷ lệ thương tật đối với bị hại Nguyễn Thị Kiều Oanh trong vụ án này là 18%. Như vậy, không đủ cơ sở để khởi tố, truy tố đối với Ngô Minh Tiến về hành vi “Vô ý gây thương tích”.

“Tuy nhiên, hành vi của Ngô Minh Tiến cũng là hành vi vi phạm pháp luật, có thể xử phạt hành chính và tiến hành bồi thường các tổn thất theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết 03/2006 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Luật sư Học nhìn nhận.

Trước những phân tích trên, Luật sư Trần Bá Học cho rằng, hành vi của Ngô Minh Tiến không thỏa mãn dấu hiệu của 4 yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” (vì lỗ là vô ý) theo Điều 104 BKHS năm 1999.

Do đó, Luật sư Học kiến nghị cơ quan tố tụng có thẩm quyền căn cứ Khoản 2, Điều 107; Khoản 1, Điều 169 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Ngô Minh Tiến, vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Luật sư cho rằng, hành vi của bị can Ngô Minh Tiến không cấu thành tội phạm, nên kiến nghị cơ quan tố tụng có thẩm quyền xem xét đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.
Luật sư cho rằng, hành vi của bị can Ngô Minh Tiến không cấu thành tội phạm, nên kiến nghị cơ quan tố tụng có thẩm quyền xem xét đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Như Dân trí đã phản ánh, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Lợi, khoảng 20h ngày 10/9/2016, Ngô Minh Tiến (SN 1979) cùng với Nguyễn Văn Huân và một số người bạn ngồi chơi đánh bài, ai thua trả tiền cà phê tại nhà của Huỳnh Văn Ghê (ấp Giồng Bướm A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).

Trong lúc đang chơi bài thì chị Đặng Thị Hiểu (vợ Huân) từ nhà đi sang kêu Huân về không cho chơi nữa. Vừa lúc đó, chị Trịnh Thị Thảo (vợ Tiến) cũng đi sang rồi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã với chị Hiểu.

Do tức giận về việc chị Hiểu xúc phạm gia đình của mình nên Tiến cầm cái ly thủy tinh dùng để uống cà phê ném về phía chị Hiểu nhưng không trúng Hiểu, mà trúng vào đầu Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 2008) và gây thương tích cho cháu Oanh.

Sau khi sự việc xảy ra, cháu Kiều Oanh được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 14/9/2016 thì cháu Oanh xuất viện. Kết quả giám định thương tật cho thấy cháu Oanh bị tỷ lệ thương tật là 18%.

Cơ quan tố tụng huyện Vĩnh Lợi cáo buộc, xuất phát từ ý thức xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác, Ngô Minh Tiến đã dùng ly thủy tinh là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho cháu Kiều Oanh.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Lợi đã truy tố Ngô Minh Tiến về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104, khoản 2 của Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Trần Bá Học cho rằng, hành vi của Ngô Minh Tiến chỉ là Vô ý gây thương tích.
Luật sư Trần Bá Học cho rằng, hành vi của Ngô Minh Tiến chỉ là "Vô ý gây thương tích".

Nêu quan điểm về vụ án này, Luật sư Trần Bá Học (Hãng Luật Roma, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra kết luận điều tra và truy tố hành vi trên là chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan nội dung vụ án. Việc truy tố hành vi "Cố ý gây thương tích" là có dấu hiệu định sai tội danh cho bị can Ngô Minh Tiến.

Sau đó, TAND huyện Vĩnh Lợi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Qua xét xử, tòa án đã trả hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra bổ sung làm rõ một số tình tiết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm