Đua nhau vượt ẩu trên cao tốc vì cho rằng "tai nạn nó chừa mình ra"?

PV

(Dân trí) - "Phải chăng những người vượt ẩu nghĩ rằng "tai nạn sẽ chừa mình ra". Còn khi gặp nạn thì họ nghĩ đen thôi hoặc tại số?", độc giả Dân trí bình luận.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí vài ngày sau vụ tai nạn thảm khốc làm 3 người thiệt mạng tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tình trạng ô tô con, xe khách lấn làn, vượt ẩu diễn ra liên tục. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, hàng loạt trường hợp tài xế điều khiển phương tiện tốc độ cao, lấn làn, vượt xe sai quy định diễn ra liên tục và thậm chí xảy ra vào thời điểm trời chuyển tối, ở những vị trí đường dốc quanh co, tầm nhìn hạn chế.

Thực tế, nhiều đoạn trên tuyến đường quy định giới hạn tốc độ ở mức 60 km/h để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do các tài xế nóng vội, muốn đi nhanh nên xảy ra tình trạng vượt ẩu, bất chấp sự an nguy của bản thân và những người khác.

Đua nhau vượt ẩu trên cao tốc vì cho rằng tai nạn nó chừa mình ra? - 1

Chiếc xe khách màu trắng của nhà xe Huệ Thi lấn làn vượt lên một xe khác, bất chấp nguy hiểm (Ảnh: Vi Thảo).

Xe chạy như đàn ong vỡ tổ, vượt như tên bắn!

Bày tỏ sự quan ngại về sự an toàn của tuyến đường, độc giả Tuan Doan, người mới lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, bình luận: "Tôi mới đi từ Nghệ An vào Nha Trang mấy hôm trước, thấy rất nhiều tài xế phạm luật, vượt rất ẩu. Thậm chí có những đoạn tôi phải tránh bên lề cho 2 xe khác vượt nhau. Mấy anh xe khách thì khỏi nói, chả ai theo luật, vượt ẩu và cắt mặt xe khác thường xuyên".

Cũng nói lên cảm nhận của bản thân sau khi được trải nghiệm hành trình trên tuyến đường này, anh Lê Minh Tuấn viết: "Tôi từng đi trên cao tốc này, đường hẹp, làn khẩn cấp cũng hẹp, vượt rất nguy hiểm. Nhưng khi tôi đang chạy đúng tốc độ tối đa cho phép thì xe khách vượt lên như tên bắn. Không dám nói 100% xe khách vượt sai nhưng tầm 90% xe khách vượt sai là có thật. Đường có nhiều khúc cua, nhiều vực sâu. Hy vọng các bác tài bình tĩnh hơn, chú ý quan sát hơn để giữ an toàn cho chính mình và những người xung quanh".

Còn với chủ tài khoản QV, anh sử dụng một hình ảnh mang tính trực quan là hình ảnh của đàn ong vỡ tổ để bày tỏ sự ngao ngán với những tài xế lưu thông trên tuyến đường này. Độc giả này viết: "Thật nản cho giao thông Việt Nam. Tại sao họ liều thế? Bởi họ biết chẳng ai giám sát họ cả và cứ thế tha hồ chạy như đàn ong vỡ tổ, phải trái cứ tha hồ lấn làn, khi nào xảy ra tai nạn hẵng hay. Còn đường cao tốc chỉ có 2 làn xe ngược chiều nhau, trên thế giới chỉ có tại Việt Nam".

Cũng trả lời cho những câu hỏi, quan ngại của nhiều người về sự an toàn khi vượt xe trên tuyến đường, người dùng có nickname Tenmienngon.com chia sẻ hóm hỉnh: "Họ vượt vậy bởi nghĩ rằng "tai nạn sẽ chừa mình ra". Còn khi gặp nạn thì họ nghĩ "đen thôi" hoặc "tại số".

"Lắp camera phạt nguội, phạt thật nặng, vừa thu được ngân sách, vừa chấn chỉnh các trường hợp chạy ẩu, chạy láo. Tai nạn chủ yếu do chạy láo, không phải do đường", độc giả Hoai Niem Nguyen gay gắt.

Trong khi đó, một số độc giả khác đưa ra góc nhìn trung lập hơn. Họ cho rằng hành vi lấn làn, vượt ẩu là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, cần đặt mình dưới vị trí của người cầm vô lăng và phải di chuyển với tốc độ "rùa bò" trên một đoạn đường dài để hiểu được cảm giác của họ tại thời điểm đó.

"Định danh cao tốc mà chỉ có 2 làn đường thấp tốc, cộng với dải phân cách mềm như vậy, đúng là đánh đố các tài xế bò xe trên cung đường. Chưa kể vì lý do bên trên cho nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn là không thể tránh khỏi do lỗi thiết kế", người dùng Linh Thuong viết.

"Vượt thì vi phạm, thì nguy hiểm. không vượt thì cứ bò sau mấy cái xe lớn, xe đi chậm, gây ức chế. Một bài toán cần lời giải", ý kiến tới từ chủ tài khoản Riverside Hotel.

Đua nhau vượt ẩu trên cao tốc vì cho rằng tai nạn nó chừa mình ra? - 2

Ô tô con chạy phía sau bất ngờ chuyển sang làn đối diện để vượt xe đầu kéo chạy phía trước (Ảnh: Vi Thảo).

Vượt xe ra sao cho đúng?

Từ vấn đề trên, câu hỏi được đặt ra là pháp luật quy định ra sao về việc vượt xe? Và người tham gia giao thông cần vượt xe như thế nào cho đúng?

Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc vượt xe, phương tiện xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; chỉ vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Cũng theo Điều này, về nguyên tắc, các xe phải vượt bên trái. Chỉ một số trường hợp đặc biệt được vượt phải như xe phía trước đang hoặc có tín hiệu rẽ trái; khi xe điện đang chạy giữa đường hoặc xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái. Ngoài ra, việc vượt xe cũng bị nghiêm cấm tại các đoạn đường như trên cầu hẹp một làn xe; đường vòng, đầu dốc, nơi tầm nhìn hạn chế hay khi điều kiện thời tiết không bảo đảm an toàn cho việc vượt...

Đối chiếu các quy định trên, có thể thấy các nguyên tắc cơ bản của việc vượt xe là vượt bên trái, tại nơi đoạn đường đảm bảo điều kiện an toàn và vượt khi xe phía trước đã tránh về bên phải.

Trong trường hợp các tài xế cố tình không tuân thủ quy định về vượt xe, không vượt tại điểm an toàn và gây ra hậu quả nghiêm trọng, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp chưa để lại hậu quả nghiêm trọng, tài xế vượt xe sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt cao nhất có thể lên tới 12 triệu đồng.

Với mục tiêu xây dựng môi trường giao thông an toàn và thuận lợi hơn, báo Dân trí mở diễn đàn: "Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn", mong muốn kêu gọi sự đóng góp và phản ánh thông tin từ độc giả.

Độc giả có thể gửi bài viết, bình luận, chia sẻ thông tin, ý kiến của mình về các vấn đề giao thông như xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé quá quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách, đón trả khách sai quy định, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông… Hoặc hình ảnh những điểm đen, bất cập trong việc đặt biển báo, kẻ vạch, phân làn giao thông mà các bạn đã trải qua.

Báo sẽ tổng hợp các ý kiến, phản ánh của độc giả và gửi đến các cơ quan chức năng liên quan.

Mỗi phản ánh của độc giả đều quan trọng và có ý nghĩa, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và tiện lợi hơn cho cộng đồng. Hãy cùng nhau hành động, để giao thông của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn!

Độc giả có thể gửi phản ánh của mình thông qua email: bandoc@dantri.com.vn, qua số điện thoại đường dây nóng: 0973-567-567. 

Khi phản ánh tới đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện, hành vi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông.

Hoàng Linh