Đủ yếu tố khởi tố vụ án sạt lở tại Thái Nguyên

(Dân trí) – Theo luật sư Trương Anh Tú cho hay: Bất luận có phải nguyên nhân khách quan do thời tiết hay không thì vụ sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự.

Đủ yếu tố khởi tố vụ án sạt lở tại Thái Nguyên
Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở bãi thải Mỏ than Phấn Mễ

Những ngày qua dư luận cả nước đang hướng về mỏ than Phấn Mễ, tỉnh Thái Nguyên nơi xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của người dân. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng VPLS Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), dưới gọc nhìn pháp lý về vụ việc này.

Luật sư Tú cho biết: Hiện tượng sạt lở bãi thải của mỏ than xảy ra trong điều kiện thời tiết bình thường, không có mưa lớn, biến động địa chất. Vậy, nguyên nhân xảy ra sạt lở nhiều khả năng là do do con người, thể hiện ở yếu tố lỗi.

Nguyên tắc được pháp luật quy định khi thăm dò hay khai thác khoáng sản đơn vị khai thác phải trình cơ quan cấp phép Đề án thăm dò khoáng sản bao gồm các nội dung chính sau đây:

“…c) Giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh lao động trong quá trình thăm dò; đ) Giải pháp tổ chức thi công, tiến độ thực hiện đề án; e) Dự toán chi phí thăm dò được lập trên cơ sở đơn giá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định;…”

Và một quy định bắt buộc là “Đề án thăm dò khoáng sản phải được thẩm định trước khi cấp giấy phép theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

Như vậy, qua quy trình này mọi yếu tố kỹ thuật, trong đó có vấn đề an toàn khi tổ chức khai thác được đặt lên hàng đầu, do đó khi xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng nói trên nhiều khả năng là do trong quá trình tổ chức khai thác, đơn vị thi công đã không triệt để tuân thủ quy trình kỹ thuật dẫn đến hậu quả sạt lở, đặc biệt khi có sự cảnh báo trước đó của quần chúng nhân dân về hậu quả có thể xảy ra.

Hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trong công ty khai thác có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an Thái Nguyên cần khởi tố vụ án để điều tra không chỉ nhằm xử lý người vi phạm, mà còn tìm ra nguyên nhân cụ thể của hiện tượng sạt lở để tham mưu cho địa phương giải pháp khắc phục.

Về tội danh, Cơ quan CSĐT trong quá trình khởi tố, điều tra căn cứ vào hồ sơ để xác định. Trong vụ việc này tôi nhận thấy có dấu hiệu của “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 285 BLHS.

Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát của địạ phương khi để xảy ra sự việc, mà trước đó quá trình xả thải diễn ra từ năm 2006. Năm 2010 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành thanh tra mỏ than Phấn Mễ về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường. Đoàn thanh tra đã chỉ ra diện tích đổ bãi thải mỏ đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng và đưa đất vào sử dụng từ năm 2007 nhưng chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền để bàn giao đất và làm thủ tục thuê đất.

Về sai phạm này, mỏ than Phấn Mễ đã bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng, đồng thời phải hoàn thiện thủ tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền để bàn giao đất theo quy định trước ngày 28/2/2011. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011 khi kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, mỏ than Phấn Mễ vẫn chưa bàn giao đất tại thực địa ở khu bãi thải số 3 và vành đai 2. Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên kiên quyết hơn trong quá trình thanh tra, xử lý, có lẽ hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.
Đủ yếu tố khởi tố vụ án sạt lở tại Thái Nguyên
Luật sư Trương Anh Tú đang trao đổi với PV Dân trí

Theo thông tin mà tôi được biết, ngoài thiệt hại về người, vụ sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ ước tính làm tổn thất khoảng 15 tỉ đồng (theo thống kê ban đầu của UBND huyện Đại Từ). Toàn bộ sự tổn thất này, mỏ than Phấn Mễ phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bà con một cách kịp thời và đầy đủ.

Những việc cần làm ngay của địa phương trong trường hợp này là tạm thời cấm khai thác cho đến khi yếu tố an toàn được đảm bảo, kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng có nguy cơ sạt lở để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra lần nữa, tạo điều kiện về nhà ở và chăm sóc y tế miễn phí cho bà con.
 
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1.Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2.Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3.Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Vũ Văn Tiến