Du khách nô nức đi xem băng tuyết có vô cảm?

Khả Vân

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, du khách đang hào hứng với băng tuyết một cách vô cảm, trong khi hàng hecta hoa màu của bà con vùng cao đang chết vì giá lạnh, nhiều đàn trâu bò đang chết rét…

Miền Bắc những ngày này đang chìm sâu trong rét đậm, rét hại, băng tuyết phủ kín các vùng sơn cước đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Mỗi ngày, những điểm có băng tuyết tại Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang... đều có hàng nghìn lượt người đổ về chiêm ngưỡng, ngắm cảnh, trải nghiệm và ghi lại hình ảnh.

Tuy nhiên, trên một số diễn đàn mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng du khách hào hứng đi săn tuyết thể hiện sự vô tâm, ích kỷ với nỗi lo của người dân vùng cao khi họ đang phải đối mặt với tình trạng trâu bò, hoa màu chết vì rét, áo quần không đủ ấm.

Du khách nô nức đi xem băng tuyết có vô cảm? - 1

Rất đông du khách từ thị xã Sa Pa và thành phố Lai Châu kéo lên đèo Ô Quý Hồ sáng 21/2 (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).

Còn có ý kiến cho rằng, du khách miền xuôi đang nô cười một cách vô cảm, trong khi chỉ cách đó vài km, thậm chí ngay sau núi là hàng hecta rau hoa màu của bà con vùng cao đang chết vì giá lạnh và sương muối, con trâu là đầu cơ nghiệp đang lăn ra chết vì không chịu nổi rét…

Quan điểm "vô cảm" này đã dẫn đến cuộc tranh cãi gay gắt khi nhiều dân phượt lên tiếng, họ đi không chỉ để ngắm băng tuyết mà cũng là để chia sẻ với cộng đồng bằng các hoạt động từ thiện và kích cầu, giúp cho hoạt động phát triển kinh tế du lịch ở những địa phương này.

Bạn đọc Minh Hoàng thắc mắc: "Ơ thế nếu các bạn dưới xuôi không thích thú, thì trời có bớt rét hơn được không? Tuyết có ngừng rơi không? Các bạn ấy nói như kiểu người miền xuôi muốn thời tiết như vậy à?

Người miền biển thì thích vùng núi, nhưng không có nghĩa miền biển không khổ. Người thành phố thích vùng nông thôn nhưng không có nghĩa tất cả người thành phố đều sung sướng. Mấy cái bạn cứ đăng hình ảnh băng tuyết kèm caption: Các bạn ở dưới xuôi lên thích băng tuyết chứ bà con trên này khổ lắm... không hiểu mục đích gì luôn?".

Du khách nô nức đi xem băng tuyết có vô cảm? - 2

Cây "hoa thủy tinh" trên đèo Ô Quý Hồ (Ảnh: Phạm Ngọc Triển.

Một phượt thủ chính hiệu lên tiếng: "Chúng tôi lên săn băng tuyết tự bỏ tiền xăng tiền xe, lên đến nơi thì cũng phải mua đồ ăn thức uống của dân, nghỉ nhà trọ hoặc khách sạn, thì cũng là kích cầu du lịch, mang lại nguồn thu cho bà con. Bảo du khách cười trên sự vất vả thiệt hại của dân là quá gượng ép. Vì họ có gây ra cái sự băng giá đâu?

Không có du khách thì vẫn băng giá, và trâu bò chết thì dân cho vào nồi hoặc treo gác bếp hun khói. Và các bạn dùng từ "bà con trên này" như kiểu đấy là bố mẹ anh chị họ hàng ruột thịt của bạn vậy. Mình lên núi, chả bao giờ thấy bà con bản địa ghét người xuôi lên".

Đồng quan điểm, bạn đọc Hải Anh cho rằng, thời đại nào rồi còn lôi mấy cái phức cảm thương hại ra câu view: "Sự văn minh không đến từ bàn phím, không có khách du lịch thì tuyết vẫn rơi, có khách du lịch thì kinh tế địa phương phát triển bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

Có khách du lịch, mọi người được xem nhiều hình ảnh của miền cao hơn, thêm yêu đất nước, thêm thông cảm với đồng bào. Có khách du lịch giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, khách du lịch góp phần mua ủng hộ trâu bò chết rét để người dân gỡ vốn phần nào...

Xin đừng vội dành cho họ cái nhìn thiếu thiện cảm, chỉ vì họ đang vui chơi trong tuyết. Chính họ đang mang đến cho vùng cao những nguồn thu cho du lịch địa phương, khi mà cũng phải ăn, phải ngủ… Về tổng thể, ngân sách của địa phương sẽ tăng thêm một khoản và một cách gián tiếp (nhiều hay ít ta không bàn ở đây) thì bà con cũng sẽ được hưởng".

Du khách nô nức đi xem băng tuyết có vô cảm? - 3

Mưa tuyết phủ trắng đỉnh núi Fansipan ngày 10/2/2021 (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng).

"Tôi cho rằng ngành du lịch nên triển khai ý tưởng biến nguy thành cơ, coi băng tuyết là một đặc sản để phát triển du lịch vì nếu không ngăn cản được thì có thể tận dụng thiên tai này biến nó thành nguồn lợi cho con người. Còn việc nguy hiểm do trơn trượt trên đường thì đã được cảnh báo nhiều, nên những ai lên đều phải chuẩn bị tâm thế vì an toàn là trên hết; và có thể cũng là dịp để tôi luyện những tay lái lụa trên địa hình thách thức.

Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên, đó mới là bản năng tuyệt vời của con người và cũng là bước phát triển khôn ngoan của xã hội", bạn đọc Thiên Ý nêu quan điểm.

Mỗi ngày, những điểm có băng tuyết tại Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... đều có hàng nghìn lượt người đổ về. Để đảm bảo an toàn giao thông và tránh những tai nạn giao thông đáng tiếc, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) khuyến cáo du khách đi ngắm băng tuyết cần hết sức cẩn thận do thời tiết xấu, đường đóng băng, trơn trượt, sương mù dày đặc.

Đặc biệt, du khách nên hạn chế và có thể ngừng lưu thông khi đường đóng băng, trơn trượt, do hệ thống an toàn của xe, nhất là lốp xe tại Việt Nam không phù hợp khi di chuyển trên đường đóng băng. Nếu phải lưu thông khi trời băng tuyết, người điều khiển phương tiện cần thận trọng, chú ý quan sát, điều khiển xe tốc độ chậm ngay cả khi lên và xuống dốc, sử dụng đèn pha, đèn sương mù, đèn gầm khi di chuyển, chú ý các đường cong cua, đèo dốc; đồng thời, tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông.

Bình luận (0)
để gửi bình luận