Đủ cơ sở để khởi tố vụ “Đánh người, chiếm nhà” tại quận Ba Đình

(Dân trí) - Ngay sau khi báo Dân trí đăng tải câu chuyện lạ có thật xảy ra ở phường Ngọc Khánh, Hà Nội: “Vừa được đánh người, vừa được chiếm nhà” đã nhận được rất nhiều sự phản hồi của độc giả.

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng – Đoàn luật sư TP. Hà nội dưới góc nhìn pháp lý xung quanh vấn đề này.

Thưa luật sư, xin luật sư cho biết hành vi của ông Trịnh Đình Vũ đánh đập bà Đái Thị Thúy Hạnh ngày 19/8/2011 có đủ căn cứ để khởi tố hình sự theo Điều 104 BLHS không?

Theo quy định tại khoản Điều 104 “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Trong trường hợp cụ thể của bà Hạnh mà Dân trí đã phản ánh, nếu quả thực ông Trịnh Đình Vũ đã dùng dây điện để xiết cổ, dùng dao nhọn để rạch vào tay chân của bà Hạnh thì được áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” theo điểm a khoản 1 điều luật này.

Cụ thể theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “hung khí nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”

Như vậy, nếu có căn cứ để xác định thương tích của bà Hạnh là do ông Vũ đã dùng dây điện, dao nhọn tấn công thì dù kết luận tỷ lệ thương tật của bà Hạnh là 6%, thì ông Trịnh Đình Vũ vẫn bị khởi tố theo Khoản 1 điều 104 BLHS.
Vết thâm tím do bị hành hung trên cổ bà Hạnh
Vết thâm tím do bị hành hung trên cổ bà Hạnh

Hành vi không trả lại nhà đất số 8, ngách 371/9 Kim Mã phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho ông Tòng, bà Tước (bố mẹ bà Hạnh – chủ sở hữu hợp pháp) của ông Trinh Đình Vũ có vi phạm pháp luật không?

Quyền sở hữu về tài sản là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, Điều 72 Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”.

Ông Đái Xuân Tòng và bà Nguyễn Thị Thanh Tước đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10101179188 ngày 31/12/2008 chứng tỏ ông Tòng bà Tước là chủ sử hữu hợp pháp đối với tài sản trên. Ông Tòng, bà Tước có đầy đủ các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản này theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc ông Vũ không trả lại tài sản nhà đất nêu trên khi chủ sở hữu (ông Tòng, bà Tước), thậm chí cả khi công an quận Ba Đình yêu cầu là hành vi cố ý chiếm giữ tài sản của người khác. Hơn nữa, ông Vũ không đưa ra được bất cứ giấy tờ pháp lý nào chứng minh tư cách chủ sở hữu với nhà đất đó. Hành vi của ông Vũ có thể bị xem xét truy tố về Tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo Điều 124 BLHS hoặc Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 141 BLHS.

Theo thông tin của Dân trí, ông Vũ đã giao nộp cho Công an phường Ngọc Khánh một tờ giấy đặt cọc mua bán nhà đất nêu trên với ông Hoàng Hữu Thi (chủ nhà cũ) và khai nhận rằng ông Vũ đã bỏ 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tiền đặt cọc khi giúp ông Tòng, bà Trúc mua bán căn nhà này. Ông Vũ yêu cầu ông Tòng hoàn trả số tiền trên thì mới chuyển đi. Ngược lại, để chứng minh cho sự trong sạch của mình, ông Tòng cũng đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết chứng tỏ việc mua bán cũng như quyền sử hữu nhà đất hợp pháp của ông bà. Pháp luật sẽ xác minh độ chân thực của các giấy tờ do các bên giao nộp. Thế nhưng, chỉ bằng việc cung cấp một tờ giấy chưa được xác nhận là thật hay giả của ông Vũ mà khiến cho cả gia đình bà Hạnh lâm vào cảnh thiệt thòi trăm bề như vậy liệu có hợp lý hay không (!?).

Vậy, với lý do đó, ông Vũ có quyền ở lại ngôi nhà trên không?

Nếu ông Vũ cho rằng quyền và lợi ích chính đáng của ông bị xâm hại thì ông Vũ hoàn toàn có quyền khởi kiện ông Tòng, bà Trúc ra Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)