Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Hà Nội: Vừa đánh người, vừa chiếm nhà
(Dân trí) - Ai cũng biết, Hà Nội đất chật, người đông, Hà Nội “một tấc đất, một tấc vàng”. Có những người com cóp, chắt chiu suốt mấy chục năm mà cuối đời vẫn không đủ tiền mua một căn nhà nhỏ.
Có những gia đình với cả chục nhân khẩu cùng chung sống trong vỏn vẹn hơn 10m2… Thế nhưng lại cũng có những sự may mắn đến kinh ngạc. Đó là trường hợp của ông Trịnh Đình Vũ: đã đánh người gây thương tích, còn chiếm giữ luôn nhà của nạn nhân suốt gần 02 năm nay!
Đánh người “cưu mang” nhưng vẫn không bị pháp luật “sờ gáy”
Như Dân trí đã phản ánh, bà Đái Thị Thúy Hạnh (sinh năm 1964) là một phụ nữ đã một lần lỡ dở, đem lòng yêu thương một người đàn ông tên là Trịnh Đình Vũ. Thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của ông Vũ, năm 2008, bà Hạnh đã “lén” cho bố con ông Vũ đến chung sống tại ngôi nhà ở số 8, ngách 371/9 Kim Mã phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là nhà thuộc sở hữu hợp pháp của bố mẹ đẻ bà Hạnh (ông Đái Xuân Tòng và bà Nguyễn Thị Thanh Tước).
Nhưng thật trớ trêu, ngày 08/11/2011, sau gần 03 tháng bị đánh đập, khi vết thương trên thân thể của bà Hạnh đã gần như hồi phục thì cơ quan công an phường Ngọc Khánh mới cấp giấy tờ để đi giám định thương tật và kết quả là: tỷ lệ thương tật của bà Hạnh ở mức 6%.
Chỉ riêng những vật ông Vũ dùng để trực tiếp xâm hại thể chất của bà Hạnh là dao nhọn, dây điện…(các vật chứng này đã được Công an phường Ngọc Khánh lập biên bản thu giữ) cũng đã đủ dấu hiệu tội phạm thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm” theo điểm a khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự.
Chưa kể đến việc ông Vũ - là một người đàn ông to khỏe, cường tráng - dùng dây xiết cổ, túm tóc đập đầu bà Hạnh - một người phụ nữ nhỏ bé, sợ hãi, sức khỏe hạn chế - vào tường bê tông đã thể hiện ý chí quyết liệt gây tổn hại sức khỏe cho bà Hạnh mang tính chất hung hãn cao độ, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác cũng thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ” theo điểm I khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự.
Theo quy định của pháp luật, nếu tỷ lệ gây thương tích dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”, “có tính chất côn đồ”… thì vẫn bị truy cứ trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Khoản 1 Điều 104 BLHS.
Thế nhưng, ông Vũ nghiễm nhiên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích với lý do tỷ lệ thương tật của bà Hạnh dưới 11%, mà chỉ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo điểm k khoản 3 điều 7 Nghị định 73CP với số tiền là 1.500.000 đồng!
Kỳ lạ hơn, theo phản ánh của bà Đái Thị Thúy Hạnh, hồ sơ của vụ việc thể hiện: Biên bản khám nghiệm hiện trường không có mặt của đại diện Viện kiểm sát, cũng không có xác nhận của điều tra viên!!!. Nếu như phản ánh của bà Hạnh là đúng thì Cơ quan Công an đã vi phạm nghiêm trọng Điều 150 bộ luật Tố tụng hình sự: “Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm”
Tại sao cơ quan công an không xem xét các hành vi “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ” của ông Trịnh Đình Vũ trong vụ án này? Tại sao Biên bản khám nghiệm hiện trường vi phạm nghiệm trọng thủ tục tố tụng hình sự vẫn được cơ quan công an thừa nhận? Phải chăng tất cả những điều trên đều do ông Vũ ngẫu nhiên may mắn có được? Có hay không việc bỏ lọt tội phạm, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Ngang nhiên sống tại ngôi nhà không phải của mình, vẫn được chính quyền “bảo vệ”
Khiếu kiện kéo dài, cha con bà Hạnh vẫn liên tục đề nghị ông Vũ trả lại nhà cho mình và kêu cứu các cấp ngành. Trong quá trình giải quyết, Công an quận Ba Đình cũng đã có Thông báo đề nghị ông Vũ phải rời khỏi ngôi nhà ở Kim Mã do đây không phải là nhà hợp pháp của ông Vũ; tại phần ký nhận ông Vũ đã đồng ý với nội dung Thông báo. Tuy nhiên, ký nhận là ký nhận còn thực tế ông Vũ vẫn “cố thủ” không dời căn nhà thuộc sở hữu của ông Tòng, bà Tước. Và thực tế là, ông Vũ vẫn ngang nhiên ăn ở trong nhà của người khác mà chẳng hề hấn gì!
Cay đắng và hoang mang, bố con bà Hạnh ngày đêm khẩn cầu các cơ quan pháp luật bảo vệ. Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi đến rất nhiều cơ quan có thẩm quyền như: Công an phường Ngọc Khánh, công an quận Ba Đình, Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình, VKSND thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao... nhưng sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí, gần đây gia đình bà Hạnh còn nhận được Thông báo số 197/TB-CABĐ(ĐTTH) ngày 20/3/2013 của Công an Quận Ba Đình thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại Điều 141 BLHS vì không có đủ căn cứ.
Theo Điều 141 Bộ luật hình sự, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi “cố tình không trả lại cho chủ sở hữu… sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật”. Trong trường hợp này, ông Tòng (là người chủ sở hữu hợp pháp) lẫn Công an Quận Ba Đình yêu cầu ông Vũ trả lại nhà đất cho ông Tòng, bà Tước nhưng ông Vũ vẫn cố tình chiếm giữ căn nhà không thuộc sở hữu của mình. Với những căn cứ trên, rõ ràng ông Trịnh Đình Vũ đang là người chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, tội phạm đã hoàn thành theo Điều 141 Bộ luật hình sự. Thế nhưng không hiểu tại sao Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Ba Đình lại “Căn cứ tài liệu thu thập được thấy: Hành vi của Trịnh Đình Vũ không cấu thành tội: Chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự…”?
Thế là ông Vũ lại thêm một lần “may mắn”, thêm một lần pháp luật thừa nhận sự “trong sạch” như lau ly của ông nên đến giờ ông Vũ vẫn “đàng hoàng” cư trú tại số 8, ngách 371/9 Kim Mã phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Thậm chí ông Vũ đã kịp đưa người đàn bà khác về ở cùng từ lâu. Còn gia đình bà Hạnh, không hiểu đã phạm tội lỗi gì mà suốt gần 02 năm qua phải chịu bao nỗi đắng cay vì vừa mất sức khỏe, vừa đau ốm tinh thần lại vừa mất nhà cửa.
Dư luận đang hết sức phẫn nộ và hồ nghi: ông Trịnh Đình Vũ là con cháu ai mà lại có thể làm những việc “phi thường” giữa thủ đô như thế? Thế lực nào đứng sau chống lưng cho ông Vũ? Đến bao giờ gia đình chị Hạnh mới lấy lại được nhà đất hợp pháp của mình?
Thiết nghĩ, dù ông Vũ có biện ra hàng ngàn lý lo để không chịu chuyển đi, nhưng quyền sở hữu về tài sản của ông Tòng bà Tước đương nhiên phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nhưng hành vi chiếm giữ nhà của người khác mà ông Vũ đang thực hiện là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý kịp thời, nghiêm minh để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Báo Dân trí đề nghị ông Giám đốc Công an TP. Hà Nội, ông Trưởng Công an quận Ba Đình khẩn trương chỉ đạo, nhanh chóng vào cuộc để làm sáng tỏ những “khuất tất” trong vụ việc này, đảm bảo sự công bằng của pháp luật.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương