Bài 3:

Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai?

(Dân trí) - Chưa hề được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thế nhưng nhà máy SEOJIN Việt Nam chuyên sản xuất nhôm dạng thỏi và tái chế phế liệu sắt, thép, gang, thép 80.000 tấn/năm đã ngang nhiên xây dựng “thần tốc” với hàng loạt nhà xưởng hoàn thành trên diện tích gần 40 ha tại KCN Song Khê - Nội Hoàng (Khu phía bắc). Vậy điều dư luận quan tâm nhất là thẩm quyền thẩm định, phê duyệt ĐTM của dự án này sẽ do cơ quan nào đảm nhận?

“Thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giác tác động môi trường phải do Bộ TN&MT thực hiện”.

Dự án nhà máy SEOJIN Việt Nam do Công ty SEOJIN SYSTEM đến từ Hàn Quốc làm chủ đầu tư được xây dựng trên Lô B1, B2, B3, B6, B7 thuộc khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng (khu phía Bắc) với tổng diện tích khoảng 38,8274 ha.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 11/3/2019, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư SEOJIN SYSTEM CO.,LTD có giám đốc đại diện là JUN DONGKYU.

Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai? - 1

Thế nhưng, chưa hề được phê duyệt ĐTM, hàng loạt công trình xây dựng đồ sộ của Dự án nhà máy SEOJIN Việt Nam đã mọc lên tại khu đất dự án của doanh nghiệp ngay giữa KCN Song Khê - Nội Hoàng.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ chuyên sản xuất, gia công, tái chế kim loại, sắt, nhôm, gang và sản xuất thiết bị điện tử... với tổng mức đầu tư 100 triệu USD.

Dự án này dù chưa hề được phê duyệt ĐTM nhưng đã xây dựng hàng loạt công trình nhà xưởng quy mô lớn.

Vậy thẩm quyền phê duyệt của dự án “khủng” này theo quy định của pháp luật sẽ do cơ quan nào đảm nhận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Diện cho biết: Các quy định của pháp luật cũng như các Nghị định của Chính phủ đã có các quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền phê duyệt ĐTM với các dự án như thế này. Các quy định như vậy, để đảm bảo dự án phải tuân thủ nghiêm minh luật pháp và tránh gây các hệ luỵ tối đa về vấn đề môi trường, vốn đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Lấy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án này có mã số 9890209590 do Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cấp, căn cứ vào Nghị định số 38/2015/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu sẽ thấy ngay:

Tại khoản 2,3,4 điều 3 Nghị định giải thích rõ về các loại chất thải thông thường, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp. Trong đó, ví dụ như, chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tiếp tục, tại khoản 21 điều 3 Nghị định nêu rõ: Cơ sở xử lý chất thải là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải (kể cả hoạt động tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải).

Khoản 7 điều 32 Nghị định yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với: a, Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường do Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giác tác động môi trường.

b) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn liên tỉnh.

Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai? - 2
Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai? - 3
Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai? - 4

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy SEOJIN Việt Nam ghi rõ dự án này sẽ tái chế phế liệu sắt, thép, gang, nhôm 80.000 tấn/năm.

Trong khi đó, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy SEOJIN Việt Nam ghi rõ dự án này sẽ sản xuất hàng loạt thiết bị, đặc biệt trong đó có hạng mục: Tái chế phế liệu sắt, thép, gang, nhôm 80.000 tấn/năm. Chỉ riêng nội dung này, thực hiện theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này phải do Bộ TN&MT thực hiện.

Luật pháp quy định khi triển khai xây dựng dự án bắt buộc phải có ĐTM như thế nào?

Báo Dân trí từng có nhiều loạt bài điều tra lật tẩy các doanh nhiệp thi công các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trốn ĐTM tại Bắc Giang. Sau các loạt bài của Báo Dân trí, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều chỉ đạo quyết liệt yêu cầu xử lý nghiêm và buộc khắc phục sai phạm.

Về tính pháp lý bắt buộc đối với Báo cáo đánh giác tác động môi trường trong việc triển khai các dự án, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Quy định pháp luật về vấn đề môi trường khi thực hiện các dự án đều được thể hiện rất chặt chẽ và nghiêm túc trong các bộ luật. Cụ thể, có 2 bộ luật ràng buộc vấn đề này về nghĩa vụ của nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp phép xây dựng cho dự án là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng.

Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai? - 5

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giác tác động môi trường dự án này phải do Bộ TN&MT thực hiện”.

Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ: Tại khoản 2 Điều 19 quy định việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án; khoản 2 Điều 25 quy định: quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các dự án thuộc đối tượng phải quyết định chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng; Điều 31 quy định chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Luật Xây dựng quy định rõ tại Điều 91, Điều 92 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, công trình không theo tuyến ngoài đô thị: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ…

Khoản 3 điều 91 Luật Xây dựng nêu rõ: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này. Khoản 5 điều 82 Luật Xây dựng quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.

Khoản 6 điều 82 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.

Như vậy, việc tuân thủ các quy định về môi trường mà cụ thể ở đây là việc được phê duyệt ĐTM là yêu cầu bắt buộc để cấp phép xây dựng cho dự án.

Rõ ràng, vai trò quản lý của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang và chủ khu công nghiệp là Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang đã “tê liệt” trước sai phạm nghiêm trọng này”.

Dự án nghìn tỷ bất chấp pháp luật tại Bắc Giang: Thẩm quyền cấp ĐTM của ai? - 6

Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang phải chịu trách nhiệm thế nào khi để doanh nghiệp nước ngoài bất chấp pháp luật về môi trường ngay trên địa bàn mình quản lý?

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) vừa có quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Nhiều bệnh viện cùng hàng loạt doanh nghiệp có tên trong danh sách thanh tra. Trong đó, có những doanh nghiệp là “điểm đen” về vấn đề môi trường đã được Báo Dân trí phản ánh.

Các đơn vị, doanh nghiệp có tên trong chương trình thanh tra gồm: Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang (chủ đầu tư KCN Đình Trám và KCN Song Khê - Nội Hoàng phía Bắc. Dự án nhà máy SEOJIN Việt Nam xây dựng khi chưa hề được duyệt ĐTM trong KCN Song Khê - Nội Hoàng), Công ty cổ phần Thép Phương Bắc, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang, Công ty TNHH Fugiang (Chủ đầu tư KCN Vân Trung), Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang, Công ty cổ phần số 1 đô thị 1 Hà Nội (Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương).

Công ty cổ phần tập đoàn Phú Mỹ (KCN Hoà Phú), Công ty cổ phần xử lý tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình, Công ty TNHH Minh Hoàng Long (chủ đầu tư CCN Việt Tiến, huyện Việt Yên), Công ty TNHH E-park, Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh Bắc Giang.

Công ty nhiệt điện Sơn Động - TKV Chi nhánh Tổng công ty điện lực TKV CTCP, Công ty TNHH Một thành viên 45, Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc, Công ty TNHH Việt Thắng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, Bệnh viện Phổi Bắc Giang, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang.

Quyết định thanh tra đã được công bố vào 8h30 phút ngày 30/7 tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang. Trưởng đoàn thành tra của Tổng cục Môi trường là bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường miền Bắc.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế