Ninh Bình:
Dự án “cứu” 2.400 hộ dân ì ạch: Tỉnh nguy cơ mất vốn, nông dân bỏ ruộng?
(Dân trí) - Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ưu tiên nên tỉnh Ninh Bình mạnh dạn chi ngân sách đối ứng để “cứu” 6.000 dân vùng bị nước mặn xâm nhập. Tuy nhiên, dự án này đang có nguy cơ bỏ dở khiến nguồn vốn có thể “mất trắng”, nông dân có nguy cơ bỏ ruộng.
Liên quan đến sự việc hơn 2.400 hộ dân huyện Yên Khánh (Ninh Bình) nhiều năm qua đang lao đao vì một dự án chậm triển khai, có nguy cơ bỏ dở vì chưa được cấp vốn, phóng viên Dân trí đã về địa phương nơi có dự án ưu tiên của Chính phủ này để ghi nhận những khó khăn mà 6.000 người dân nơi đây đang gặp phải.
Dân mong dự án như nắng hạn mong mưa rào
Cống Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh được xây dựng từ năm 1968, sửa chữa năm 2005 hiện đang được Công ty khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình quản lý. Cống nằm trên tuyến đê cấp 1, nơi giáp ranh giữa sông Đáy và cánh đồng rộng lớn hàng trăm ha của các xã Khánh Tiên, Khánh Thiện… Trước kia, khi nước biển chưa dâng cao, đoạn sông Đáy chảy qua đây chưa bị nhiễm mặn, nước ngọt từ sông Đáy được dẫn qua cống chảy theo sông Trục tưới cho cánh đồng lúa bạt ngàn của địa phương.
Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, nước biển dâng cao (đặc biệt là thời điểm thủy triều) khiến nước sông Đáy đoạn qua đây bị nhiễm mặn. Do cống xuống cấp nên nước biển xâm nhập qua cửa chảy vào sông, lan đến kênh mương dẫn nước nội đồng làm nhiễm mặn hàng nghìn ha đất trồng lúa.
Ông Phạm Văn Toàn (43 tuổi) xã Khánh Tiên cho biết, nước mặn từ sông Đáy xâm nhập vào đồng mạnh nhất là mùa khô (từ tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch). “Nhiều năm nay, đất trồng lúa của bà con chúng tôi bị nhiễm mặn nên năng xuất rất kém. Những năm trước gia đình tôi lúa đạt từ 1,8 – 2 tạ/sào, giờ chỉ còn khoảng 1,5 tạ/sào”, ông Toàn nói.
Bà Đỗ Thị Loan, vợ ông Toàn tiếp lời: “Đất bị nhiễm mặn, giờ chỗ nào cũng bị chua phèn trồng lúa chẳng ăn thua gì. Trước kia còn được hai vụ lúa ăn chắc, giờ làm chỉ ăn may thôi. Trồng lúa giờ tốn nhiều công lắm, không chỉ mất tiền mua phân bón dạng đơn, giờ phải dùng thêm cả phân vi lượng. Vậy nhưng lúa vẫn bị bạc lá, khô vằn, cây bạc màu, rất cứng cây… năng suất kém hơn gấp nhiều lần”.
Chỉ tay về cống Thôn Năm, ông Toàn lý giải: “Cống xây dựng mấy chục năm rồi, giờ xuống cấp hở nhiều chỗ nên không ngăn được nước mặn. Khi nghe nói có dự án làm cống mới để ngăn nước mặn, dân chúng tôi mong mỏi lắm. Mấy năm rồi vẫn chưa thấy dự án triển khai, đồng ruộng thì nhiễm mặn, hàng nghìn hộ dân sử dụng nước sông Trục sinh hoạt giờ mùa khô đến không biết lấy nước đâu dùng”.
Bà Nguyễn Thị Đôi, cán bộ khuyến nông xã Khánh Tiên cho biết, vụ mùa vừa qua gia đình bà cấy 1 mẫu ruộng nhưng năng suất chỉ đạt 80kg/sào. Bà tính nhẩm, trừ hết chi phí tiền công cày bừa, thuê cấy, thuê gặt, giống lúa, phân bón… bị thua lỗ nặng từ làm ruộng.
Theo bà Đôi, lúa năng suất kém nguyên nhân chính là do nước đồng bị nhiễm mặn. Làm công tác khuyến nông nhiều năm nên bà cũng hiểu được nỗi lòng nhiều hộ dân có ruộng bị nhiễm nước mặn. “Bà con nông dân địa phương nhiều lần kiến nghị rồi nhưng chưa biết đến bao giờ dự án chống xâm nhập mặn mới được triển khai. Cứ thế này nông dân chúng tôi có nguy cơ bỏ ruộng hết vì có làm cũng chẳng ăn thua gì”, bà Đôi nói.
Dự án “cứu” 6.000 dân bị bỏ dở?
Toàn xã Khánh Tiên có 1.385 hộ với 4.218 nhân khẩu, 310 ha đất nông nghiệp trồng độc canh cây lúa. Vì thế, cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa nên còn nhiều khó khăn. Đất ruộng bị nước mặn xâm nhập, năng xuất cây trồng kém, nhiều hộ dân có nguy cơ bỏ ruộng, tìm việc khác để mưu sinh.
Sản xuất nông nghiệp khó khăn là thế, đời sống sinh hoạt của người dân lại càng khó khăn hơn khi nguồn nước sinh hoạt đang bị đe dọa, có nguy cơ thiếu nước vào mùa khô này. Con sông Trục là nguồn nước ngọt duy nhất phục vụ người dân, giờ nước bị nhiễm mặn nên không còn sử dụng được. Nhiều hộ dân phải đào giếng lấy nước ngọt nhưng giờ nước giếng cũng bị nhiễm phèn chua từ sông vào nên phải bỏ không.
Ông Toàn chia sẻ thêm, nhiều gia đình phải xây bể chứa nước mưa mới có nước sinh hoạt. Những hộ khác không có điều kiện đành phải chấp nhận lọc thủ công nước giếng, nguồn nước này hiện không đảm bảo và rất ô nhiễm.
Trở lại câu chuyện sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Đôi kể, vụ đông xuân năm 2015, trước thực trạng vụ lúa kém năng xuất, để có thêm thu nhập, có thêm cây trồng cho người dân sản xuất, một công ty ở Hà Nội đưa giống ngô ngọt về Khánh Tiên thuê 20 ha đất nông nghiệp của người dân trồng thử nghiệm.
“Do đất nhiễm mặn nên trồng được khoảng 1 tháng cây ngô cứ thế chết dần, đến 70 ngày thì chết hết chẳng còn cây nào. Công ty này chịu thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, thua lỗ nặng không có tiền trả thuê đất, công cho người dân”, bà Đôi nói.
Trước thực trạng người dân mong mỏi như trên, không hiểu lý do vì sao đến nay Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (Các dự án ưu tiên - Chương trình SP-RCC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012) vẫn chưa cấp nguồn vốn để tỉnh Ninh Bình triển khai dự án, “cứu” 2.400 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu của huyện Yên Khánh.
Qua tìm hiểu của Dân trí, dự án “Củng cố nâng cấp hệ thống sông trục từ cống Thôn Năm đến cống Đọ, các công trình trên tuyến huyện Yên Khánh nhằm ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn” chưa được cấp vốn triển khai là thế, nhưng mới đây Bộ TN-MT lại có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020”.
Trong Tờ trình này (số 39/TTr-BTNMT ngày 29/8/2016) của Bộ TN-MT trình Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình lại không có dự án ưu tiên như trên, thay vào đó là 2 dự án khác hoàn toàn mới. Điều này khiến 6.000 người dân các xã của Yên Khánh rất lo lắng. Họ mong chờ dự án chống nước mặn xâm nhập từ nhiều năm qua, tuy nhiên dự án này đang có nguy cơ bị bỏ dở khiến cuộc sống của 2.400 hộ dân bị đảo lộn, hàng nghìn người dân lao đao, nông dân có nguy cơ bỏ ruộng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Tống Văn Thịnh - Giám đốc BQL Dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi Sở NN&PTNT Ninh Bình cho biết, dự án ngăn mặn tại cống Thôn Năm, huyện Yên Khánh là dự án tâm huyết của tỉnh. Dự án này phục vụ sản xuất, tiếp nước ngọt cho 4 xã, chống hạn, ngăn nước mặn xâm nhập để ổn định an ninh lương thực. "Vùng bị nhiễm mặn là vựa lúa của Ninh Bình, đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Những năm qua do bị nhiễm mặn nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây chai đất không chỉ một vụ mà nhiều vụ sau và cả tương lai. Đây là điểm nóng của địa phương. Sở sẽ có tham mưu để UBND tỉnh có ý kiến lên Bộ TNMT, NN&PTNT để dự án vẫn tiếp tục được triển khai vì đây là dự án cấp thiết của địa phương", ông Thịnh nói.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên
Thái Bá