Đốt pháo hoa trong đêm giao thừa có vi phạm pháp luật hay không?
(Dân trí) - Tự ý đốt pháo không chỉ tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy cụ thể, hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào?
Để chào mừng năm mới, hằng năm các địa phương đều tổ chức bắn pháo hoa phục vụ người dân. Tuy nhiên, một số người dân lại mua pháo hoa không rõ nguồn gốc, chủ yếu là từ hàng buôn lậu để tự bắn vào đêm giao thừa.
Dưới góc nhìn pháp luật, hành động này sẽ bị xử phạt như thế nào? Trong chuyên mục 3 phút luật sư, mời bạn đọc gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu.
Thưa luật sư, việc người dân mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 36 năm 2009 của Chính thì: “Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 36 năm 2009 của Chính phủ thì hành vi sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa bị nghiêm cấm.
Như vậy, hành vi mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa là vi phạm pháp luật.
Vậy hành vi này có mức phạt cụ thể là bao nhiêu, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo điểm b, Khoản 2 điều 10 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng các loại pháo mà không được phép.”
Trường hợp đốt pháo mà gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.
Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 134 BLHS hiện hành.
Thư Quỳnh - Nguyễn Quang