Đóng góp xây dựng trường không đúng tinh thần tự nguyện

(Dân trí) - Năm học 2008 -2009, Chính phủ quyết định các trường học tạm dừng việc thu quỹ xây dựng trường học. Nhưng tỉnh Nghệ An đã phát động Cuộc vận động tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.

Cuộc vận động đã được đông đảo các tổ chức, cá nhân ủng hộ góp phần tăng cường cơ sở vật chất nhà trường. Tuy nhiên một số địa phương đưa ra mức “vận động” ủng hộ cao gấp 2 lần so với việc thu quỹ xây dựng trường học trước đây. Việc áp đặt mức đóng góp đã làm cho các bậc phụ huynh bất bình, nhất là đối với hộ nghèo, gia đình khó khăn.             

Đợt tham vấn được tổ chức tại 10 xã của 10 huyện trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có cả các huyện miền núi, miền biển và thành phố. Qua các cuộc đóng góp ý kiến, số đông người tham gia cho rằng, các trường đều đưa ra mức ủng hộ cao hơn nhiều so với mức tiền đóng góp xây dựng trường trước đây.

Các trường vận động bằng hình thức giao khoán đối với phụ huynh, nên tạo ra không khí nặng nề. Các bậc phụ huynh đều cho rằng, nếu đã vận động thì không nên áp đặt “mức sàn” là bao nhiêu, mà tuỳ theo thiện ý của người được vận động. Hay nói theo cách khác là có bao nhiêu thì ủng hộ bấy nhiêu, tuỳ theo từng hoàn cảnh của mỗi gia đình. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bên cạnh đó một số ý kiến còn cho rằng Chính phủ đã quyết định không thu tiền xây dựng nữa thì nên miễn luôn, chứ không nên thay đổi hình thức như vậy. Khi có chủ trương, dân chưa kịp mừng, lại phải đóng góp mức cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với trước đây. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho người dân. Đặc biệt đối với người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn hơn. Bởi họ rất đông con, lại học ở nhiều cấp nên mức đóng góp càng tăng lên, trong khi đó cuộc sống nơi đây còn bao thiếu thốn. 

Gia đình chị Trương Thị Hồng, ở bản Chảo, xã Châu Thái (huyện Quỳ Châu) năm học này đang có 2 cháu học trường nội trú. Năm trước, 2 con đi học, chỉ đóng góp tiền xây dựng trường chưa đến 100 ngàn. Năm nay, khi có chủ trương không thu tiền cho quỹ xây dựng trường, chị Hồng rất phấn khởi, nhưng rồi lại phải đóng góp “tự nguyện” với mức thu 220 ngàn đồng cho 2 cháu đã làm cho gia đình chị đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Năm trước khi chưa miễn tiền xây dựng, đối với những hộ nghèo, gia đình chính sách được nhà nước thực hiện chế độ miễn giảm. Nhưng năm nay theo tinh thần cuộc vận động ủng hộ thì tất cả đều phải tham gia, không miễn giảm cho ai. chính vì vây mà có nhiều học sinh đến nay vẫn chưa đến trường, vì không có tiền nộp.  

Ỏ Nghệ An, bình quân mỗi năm thu tiền đóng góp xây dựng trường, lớp được từ 60 đến 61 tỷ đồng. Nguồn thu này đã giúp cho tỉnh tăng cường cơ sở vật chất hệ thống trường lớp.

Tuy nhiên khi nhà nước đã có chủ trương miễn thu tiền xây dựng trường, thì tỉnh nên tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng chính sách đó. Nếu đã vận động đóng góp tự nguyện, thì nên có hình thức nào cho phù hợp, đừng để nhân dân phải đóng góp cao hơn so với trước đây.

Nguyễn Duy - Trần Minh

LTS Dân trí - Nhằm giảm bớt các khoản đóng góp của nhân dân và khuyến khích việc học tập, năm học 2008-2009, Chính phủ đã có quyết định không thu khoản tiền đóng góp xây dựng trường sở. Tuy nhiên, thay vì cho khoản đóng góp bắt buộc đó, một số địa phương mở ra cuộc vận “đóng góp tự nguyện” nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.

Điều đáng quan tâm ở đây là cuộc vận động nói trên với danh nghĩa là “tự nguyện” nhưng nhiều nơi ở tỉnh Nghệ An đã quy định mức đóng góp cao hơn hai lần mức thu các năm học trước và không có chính sách miễn giảm đối với gia đình chính sách hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng đóng góp. Làm như vậy là trái với chủ trương của Chính phủ và không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mong rằng tỉnh Nghệ An cũng như những nơi khác có cuộc vẫn động tương tự thì nên thực hiện đúng tinh thần tự nguyện,  tùy theo lòng hảo tâm của các doanh nghiệp và khả năng kinh tế của mỗi gia đình học sinh (những người có hoàn cảnh khó khăn thì không phải đóng góp).