Đón Tết với người Khơ Mú

(Dân trí) - Người Khơ Mú ăn Tết nguyên đán từ ngày 20 tháng Chạp khi tất cả các thành viên trong nhà đã tề tựu đông đủ. Đón Tết cùng người Kinh nhưng tết của người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An vẫn giữ được nét độc đáo riêng.

Đón Tết với người Khơ Mú - 1
Người Khơ Mú đón Tết
 
Người Khơ Mú là một trong những tộc người thiểu số sinh sống tại miền Tây xứ Nghệ. Họ sinh sống chủ yếu tại miền núi cao Kỳ Sơn với phong tục, tập quán và tiếng nói riêng. Nét riêng biệt trong đời sống tinh thần của người Khơ Mú đã góp phần làm tăng tính đa dạng của văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cùng với sự phát triển của xã hội, thời gian gần đây người Khơ Mú ăn tết chung với tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên tết của người Khơ Mú vẫn giữ được nét độc đáo riêng.

Ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu (Kỳ Sơn) - nơi có đến hơn 90% dân số là người Khơ Mú cho hay: "Trước đây người Khơ Mú ăn tết khi vừa gặt xong lúa trên nương, bất kể đó là vào tháng mấy. Giờ con đường đi của người Khơ Mú đã vượt ra khỏi bản làng, đi xa hơn cánh rừng trước nhà. Người Khơ Mú đã biết đường xuống xuôi làm ăn, con cái Khơ Mú đã đi học dưới thành phố... Người Khơ Mú chỉ ăn Tết khi trong nhà đã tề tựu đông đủ mọi thành viên. Bởi vậy, nghe theo Đảng, người Khơ Mú ăn tết chung với người Kinh anh em". Ăn tết chung với cả nước thế nhưng tết của người Khơ Mú thường bắt đầu từ khoảng sau ngày 20/12 âm lịch, khi những người đi xa đã quay về.

Khi các sườn đồi đã bung nở một sắc đỏ của hoa đào, khi cái lạnh tê tái cuối đông vẫn còn vấn vít trên những cánh rừng đầu bản, người Khơ Mú tấp nập chuẩn bị đón Tết. Lá dong rừng được rửa sạch, nếp nương tròn mẩy được ngâm đãi cẩn thận để gói bánh chưng. Trong khi những người phụ nữ tất bật với công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa thì người đàn ông sẽ chuẩn bị rượu cần, giết lợn, giết gà để làm cơm cúng dâng lên tổ tiên.

Đối với người Khơ Mú, tết Nguyên đán là lễ lớn thứ 2 trong năm, chỉ sau tết lúa mới bởi vậy mọi thứ đều được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Trước tiên, phải chuẩn bị rượu cần để "say hết tết", để mời khách quý đến nhà chơi. Thường mỗi nhà có đến 3-4 chum rượu cần để dùng trong dịp này. "Thứ không thể thiếu trong tết của người Khơ Mú là con gà trống, không có gà không làm được tết đâu", già làng Xeo Phò Thay (bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu) cho tôi biết thêm.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, ông chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm giết con gà trống lớn nhất trong chuồng làm cỗ dâng lên tổ tiên. Người Khơ Mú không làm bàn thờ mà thực hiện nghi lễ cúng năm mới tại một góc được cho là thiêng liêng nhất trong nhà. Nơi đó để tất cả những gì quý nhất, từ vật dụng sản xuất cho đến của cải để dành. Trong góc thiêng này, thường ngày ông bố trong gia đình cũng phải làm lễ lạy ông bà, tổ tiên - những người đang gìn giữ những thứ đồ quý giá đó.

Trong đời sống tâm linh của người Khơ Mú, vật quý nhất không phải là vàng bạc mà cái chõ hông xôi, người Khơ Mú gọi là "niềng". Trong nhà của người Khơ Mú có 2 cái bếp lửa, một cái dùng để nấu nướng hằng ngày, cái còn lại là "bất khả xâm phạm" và chỉ được phép đỏ lửa trong ngày Tết hay khi chuẩn bị đồ lễ cúng. Đây là nơi hết sức quan trọng đối với người Khơ Mú bởi vậy chỉ được ông chủ nhà hoặc bà chủ nhà được phép bước chân vào chỗ đặt bếp này.

Trong mâm cúng gia tiên của người Khơ Mú ngoài đĩa xôi bắt buộc phải có một chiếc đầu lợn còn nguyên và một con gà trống luộc. Tiết của con gà trống dâng lên tổ tiên được xem như báu vật và cất giữ cẩn thận. Ngày đầu tiên trong năm mới, chủ nhà sẽ dùng chính tiết của con gà này bôi lên đùi để giải xui trừ rủi ro, cầu mong cái mới, khỏe mạnh bình an và may mắn đến tất cả các thành viên trong gia đình. Mỗi khi có người đến chúc tết gia đình, ông bố vạch thêm một vạch tiết gà lên đùi của mình, càng nhiều vạch tiết thì năm đó cả gia đình càng gặp nhiều may mắn, thịnh vượng.

Để cảm ơn khách đến chúc tết, chủ nhà sẽ mời khách uống rượu cần. Khách phải uống hết 2 sừng rượu để tỏ lòng cảm ơn chủ nhà và nhận lấy lời chúc may mắn sẽ đến nhiều hơn trong năm mới. Sau khi uống cạn 2 sừng rượu cần khách sẽ chúc: "Xớp mai bóp pi ha ra me. An lớ dừmlò dừmgơn, hào hán giátxơmai. Ơrê kê vơ rai pườn mả" (Chúc mừng năm mới. Chúc gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc lúa tốt được mùa). Chủ nhà sẽ lặp lại câu nói đó để mong hạnh phúc, bình an và may mắn đến với mọi người.

Mặc dù năm mới là dịp quan trọng nhưng không giống như người Kinh hay bất kỳ một dân tộc khác, người Khơ Mú không chuẩn bị quần áo mới để đón tết. Việc chuẩn bị quần áo mới cho tất cả các thành viên trong gia đình chỉ được thực hiện khi trong bản có nhà mới được dựng lên. Người Khơ Mú quan niệm, khi trong bản có nhà mới thì cả bản cũng phải có quần áo mới để chúc mừng tân gia.

Sau khi hoàn thành lễ cúng gia tiên tống tiễn năm cũ, mừng năm mới và đến từng nhà trong bản để chúc tết lẫn nhau người Khơ Mú sẽ bước vào những ngày hội. Trong những ngày này mọi người trong bản sẽ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian như thi bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu văn nghệ với nhau không phân biệt nam nữ, tuổi tác hay thứ bậc xã hội.

Tết của người Khơ Mú kết thúc vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Sau những ngày Tết mọi người trong gia đình quây quần, vui vẻ bên nhau, người Khơ Mú lại lên nương chuẩn bị cho một mùa rẫy mới. Dù đi đâu, dù tiếp thu học hỏi những tiến bộ để theo kịp sự phát triển chung của đất nước người Khơ Mú vẫn luôn có ý thức gìn giữ những nét độc đáo riêng có của dân tộc mình.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm