Tiêu điểm
Đối xử với nhân tài
Thông tin Chính phủ mời GS Toán học Ngô Bảo Châu tham gia vào chương trình đưa VN trở thành quốc gia mạnh về toán học đã làm cho những người quan tâm đến nền học thuật nước nhà mừng vui.
Trong những năm gần đầy, nền toán học VN không mấy nổi trội, ít có sinh viên theo học ngành toán, nguyên nhân chính là do nghiên cứu khoa học khó kiếm nhiều tiền. Đa số phụ huynh định hướng cho con cái học những ngành thực dụng, ra trường kiếm việc lương cao hoặc kinh doanh chóng giàu.
Trước thực tế đó, các nhà quản lý giáo dục, các giáo sư hàng đầu của quốc gia đã tính nhiều cách để cải thiện tình trạng suy yếu của ngành toán học nhưng xem ra chưa có hiệu quả. Cho nên, việc mời những nhân tài toán học của VN ở các nước trở về làm việc là một giải pháp tích cực. Và GS Ngô Bảo Châu là một điển hình.
Nhưng đối với những tài năng khoa học lớn thì việc sử dụng và đối xử là rất khó. Các tài năng lớn cần có môi trường làm việc phù hợp, đội ngũ cộng tác đồng đều về trình độ và nhất là có sự tôn trọng đúng nghĩa. Sự tôn trọng đó không chỉ là ca ngợi, tôn vinh, tạo điều kiện làm việc, mà phải trả một mức lương công bằng, xứng đáng. GS TSKH Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội Toán học, Phó Viện trưởng Viện Toán học VN cho biết, GS Ngô Bảo Châu đã từng về VN làm việc và mức lương vận dụng tối đa để trả cho Giáo sư là 5 triệu đồng/tháng. Đây quả là một sự đối xử không công bằng và không xứng đáng, cho dù người "bị" đối xử không hề có mục đích về nước làm việc để kiếm tiền.
Một nhà toán học hàng đầu thế giới, đại diện số 1 cho giải toán học Fields năm 2010, công trình của GS Ngô Bảo Châu được Tạp chí Time chọn là một trong 10 thành tựu khoa học tiêu biểu của năm 2009, nhưng khi về VN làm việc chỉ được trả mức lương như thế thì những nhân tài khác liệu có mặn mà theo đuổi ngành toán học hay các ngành nghiên cứu khoa học khác hay không? Nếu có người giỏi, với mức lương như vậy rất khó để họ có thể cống hiến cho đất nước mà không đi làm việc ở các quốc gia tiên tiến có thu nhập cao hơn.
Lê Chân Nhân