Đối tượng đóng giả chủ đất lừa 3,2 tỷ có thể bị tuyên án đến 20 năm tù

(Dân trí) - Luật sư nhận định, với hành vi đóng giả chủ đất chiếm đoạt được số tiền 3,2 tỉ đồng từ người mua, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình và đối mặt với án phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù giam.

Như Dân trí đã đưa tin vụ việc liên quan đến một đối tượng nam giới giả mạo ông Lại Phú Cường, chủ thửa đất tại số 107, đường chợ Lớn, phường 11, quận 6, TP Hồ Chí Minh. Đối tượng này đã không hiểu vì lý do gì đã có Giấy tờ bản chính để bán cho người mua là bà Nguyễn Hoàng Thanh Liên ( người mua) với giá 3,5 tỉ đồng và đối tượng này đã thực hiện giao dịch mua bán nhà đất - thành công khi nhận được số tiền 3,2 tỉ bà Liên rút từ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, Chi nhánh 6.

Nhận định về vụ việc này Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hiện nay, việc giả mạo chủ thể và giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng liên quan đến giao dịch nhà đất, không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn mà còn lan rộng đến cả các vùng nông thôn đang phát triển.

Các đối tượng bằng cách khác khi có trong tay các giấy tờ nhà đất của chủ sở hữu có thể lợi dụng việc này để giả mạo chủ thể có tên trong nhà đất để trực tiếp giao dịch với người mua ( nạn nhân) tham gia giao dịch. Việc giả mạo, có thể giả mạo 01 người (vợ hoặc chồng bên bán), giả mạo hai người hoặc nhiều người, giả mạo người thân trong gia đình, giả mạo bên mua...Trường hợp cụ thể nói trên đối tượng đã giả mạo chủ thể (giả mạo bên bán).

Bên cạnh đó, đánh giá về giấy tờ đất ( chưa rõ giấy tờ nhà đất bản chính này là duy nhất của chủ sở hữu không hay hoặc có thể suy đoán giấy tờ nhà đất do đối tượng làm giả mạo cần được chứng minh).


Người đàn ông mặc áo đỏ sậm giả mạo ông Lại Phú Cường để bán đất chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng

Người đàn ông mặc áo đỏ sậm giả mạo ông Lại Phú Cường để bán đất chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng

The luật sư Tú, việc đối tượng này chủ ý làm giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng cũng không được loại trừ. Bởi lẽ việc các đối tượng cố tình sử dụng các giấy tờ giả mạo để qua mặt công chứng viên xảy ra khá phổ biến rất thường xuyên, chiếm khoảng 80% vụ giả mạo công chứng. Hành vi sử dụng giấy tờ giả hoặc mạo danh chủ thể được thực hiện một cách rất tinh vi, việc phát hiện giấy tờ làm giả chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm cá nhân và…may mắn. Nếu công chứng viên không có chuyên môn và không có phương tiện hỗ trợ thì rất khó phát hiện. Bởi vì giấy tờ nhà đất được in màu làm với kỹ thuật cao, rất khó phát hiện.

Ngoài ra, đối tượng còn có thể làm giả các giấy tờ khác như : Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Giấy ủy quyền….và các giấy tờ khác để hợp thức hóa việc cá nhân ( không có vợ đi cùng) để bán nhà đất.

Như vậy có thể thấy, về hành vi: đối tượng nói trên đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả mạo về chủ thể - chủ nhà đất (không đúng sự thật) mạo danh chủ thể làm cho người mua tin đó là thật và đồng ý giao dịch mua bán, chuyển giao tài sản cho người phạm tội.

- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối
Như vậy, có thể thấy rõ đối tượng đã sử dụng thủ đoạn gian dối thành công khi nhận được tiền của người mua là 3,2 tỉ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, Chi nhánh số 6.

- Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Cũng không loại trừ trường hợp đối tượng này “được thuê đóng thế vai” để thực hiện hành vi lừa đảo người mua cần được cơ quan điều tra xác minh. Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định pháp luật hiện hành như những nội dung đã phân tích ở trên thì đối tượng người đàn ông giả mạo chủ nhà đất thực hiện việc mua bán nhà đất tại quận 6, TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo Điều 139, Bộ luật hình sự qui định: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

“Như vậy, với việc chiếm đoạt được số tiền 3,2 tỉ đồng từ người mua, đối tượng nói trên có thể chịu trách nhiệm hình sự tại khoản 4, Điều 139 Bộ luật hình sự. Theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù giam, ngoài ra trong quá trình điều tra vụ án, nếu phát hiện giấy tờ trên là giả mạo thì đối tượng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự” – Luật sư Trương Anh Tú cho biết.

Phạm Thanh (ghi)