Bắc Giang - Bài 8:
Doanh nghiệp lớn quỵt tiền “xương máu” của dân: Mong quan toà đừng vô cảm!
(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí đăng tải thông tin Công ty TNHH MTV cơ khí hoá chất Hà Bắc quỵt những đồng tiền xương máu của người dân nghèo, 2 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội đã vào cuộc giúp người dân miễn phí. TAND TP Bắc Giang đã thụ lý vụ án nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử.
Quá thời hạn, Toà vẫn chưa đưa ra xét xử?
Nuôi bố mẹ già cùng 4 đứa con tuổi ăn, tuổi học trong khi công việc bấp bênh, ông Chu Tam Chức, một người dân phẫn nộ khi bị Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc (nay là Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc trực thuộc Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam) quỵt những đồng tiền xương máu, rắp tâm đẩy gia đình ông vào cảnh "tan cửa nát nhà". Sự việc được Báo Dân trí đăng tải khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Sau khi Báo Dân trí đăng tải sự việc, 2 luật sư Vi Văn Diện và luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết đã liên hệ nạn nhân đề nghị hỗ trợ miễn phí toàn bộ quá trình khởi kiện doanh nghiệp này ra Toà án.
Nhìn nhận vụ kiện dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực cho rằng: “Vụ việc ông Chu Tam Chức khởi kiện công ty TNHH Một thành viên cơ khí hóa chất Hà Bắc đã được tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang thụ lý bằng Thông báo thụ lý số 325/TB-TLVA ngày 28 tháng 12 năm 2018.
Đây là vụ việc tranh chấp kinh doanh, thương mại “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.” tại khoản 1 Điều 30 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo điều 203 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 về Thời hạn chuẩn bị xét xử ghi nhận: “Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau: Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này".
Vụ kiện của ông Chu Tam Chức có đầy đủ hồ sơ rõ ràng về việc vay, việc trả nợ, cam kết thanh toán, khất nợ của bị đơn, trụ sở bị đơn ngay trên địa bàn thành phố Bắc Giang. Vụ án này thuộc trường hợp không phức tạp theo quy định tố tụng thời hạn chuẩn bị xét xử chỉ 02 tháng kể từ ngày có Thông báo thụ lý.
Thẩm phán Phạm Thị Chuyền ký thông báo thụ lý vụ án từ ngày 18/12/2018.
Tuy nhiên đến hôm nay đã hơn 02 tháng (từ ngày 18/12/2018) vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử thật sư chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu chậm trễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn.
Có vay có trả là đạo lý trong xã hội ngàn đời nay, tuy nhiên trong xã hội vẫn có những người trà đạp lên luân lý này, trây ỳ không trả tiền xương máu của người dân trong các quan hệ vay nợ. Người dân lương thiện chỉ còn cách trông cậy vào sự nghiêm minh, chuẩn mực đúng đắn của hệ thống Tòa án để đòi lại lẽ công bằng. Chỉ bằng cách cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng giải quyết vụ việc theo đúng quy định tố tụng, buộc người vay trây ỳ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì mới giúp người dân lấy lại niềm tin vào sự bảo vệ của Pháp luật.
Với vụ việc này, không những người bị quỵt nợ mà cả dư luận cũng đang trông đợi vào sự công tâm của các vị quan toà tại TP Bắc Giang”.
Doanh nghiệp lớn trắng trợn chiếm đoạt tiền của dân
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Báo Dân trí, ông Chu Tam Chức (SN 1968) trú tại khu phố Nội Trì, phường Tâm Hồng, TX Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết: Ngày 14/5/2009, Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc (nay là Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc trực thuộc Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam), địa chỉ tại phường Thọ Xương, TP Bắc Giang vay ông Chức 600 triệu đồng để sản xuất và kinh doanh với lãi suất 12%/năm.
Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc vay tiền của người dân có hợp đồng rõ ràng.
Khi còn giữ cương vị giám đốc, ông Nguyễn Văn Đàm đã ký thanh toàn một phần nợ gốc và lãi cho ông Chức.
Khoản vay này theo Hợp đồng vay tiền số 04-2009/HĐTV. Người đại diện Công ty Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc ký vay là ông Nguyễn Văn Đàm, giám đốc công ty.
Theo đơn kêu cứu, sau khi vay nợ, tháng 10/2009, công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc có trả ông Chức đợt 1 là 250 triệu đồng và có giấy xác nhận tiền lãi đến hết năm 2009.
Tháng 1/2011, Công ty này tiếp tục trả cho ông Chức đợt 2 số tiền 50 triệu đồng. Sau đó, công ty này khất nợ, hứa trả ông Chức sau 1 năm nữa.
Ông Chức cho biết: Năm 2012, ông Nguyễn Văn Đàm, giám đốc công ty này chuyển về Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam làm việc. Ông Hà Quang Sáng được bổ nhiệm làm giám đốc công ty. Và cũng từ đó, số nợ của người dân bị công ty này dùng chiêu "bặt vô âm tín".
"Tôi có gọi điện cho anh Sáng nhưng anh Sáng không nghe máy. Đến công ty để đòi tiền nhiều lần thì bảo vệ không cho vào. Hiện tại gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi nuôi bố mẹ già, 4 đứa con tuổi ăn, tuổi học. Công việc của tôi không ổn định, thu nhập không có. Khi công ty này khó khăn, tôi cho vay tiền để hoạt động. Không ngờ, một doanh nghiệp lớn luôn quảng cáo là uy tín như vậy mà lại hành xử với người từng giúp mình khi hoạn nạn một cách thiếu đạo lý và không đúng pháp luật như vậy.
Không phải nói quá chứ việc quỵt nợ của công ty này đang đẩy cả gia đình tôi vào cảnh "tan cửa nát nhà", ông Chức xót xa.
Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông ông Nguyễn Văn Đàm, nguyên là giám đốc Công ty cơ khí hoá chất Hà Bắc, người đại diện công ty ký vay tiền của ông Chức. Ông Đàm cho biết hiện ông chuyển lên Tổng công ty công nghiệp xây dựng Việt Nam làm việc tại Ban thị trường quản lý dự án.
Ông Đàm khẳng định: Nếu như công ty này nợ mà ông Chức đòi không được thì ông Chức có thể khởi kiện ra toà.
Trước thông tin, người dân gọi cho ông Sáng để đòi nợ nhiều lần nhưng không được bắt máy, ông Đàm cho rằng: "Ông giám đốc này chắc là biết người dân gọi vì công nợ chắc ông lánh mặt, không thích nghe máy thôi.
PV Dân trí tiếp tục đến trụ sở Tổng công ty công nghiệp xây dựng Việt Nam tại số 5 Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội) để liên hệ làm việc nhưng cũng không nhận được hồi âm.
Tôi đi khỏi công ty từ 5/9/2012. Khi tôi còn giữ cương vị giám đốc, tôi đã tiến hành trả nợ gốc và lãi cho ông Chức một phần. Sau khi tôi chuyển đi, người giám đốc mới ứng xử thế nào thì đó là văn hoá ứng xử doanh nghiệp thôi.
Số tiền này 100% vào hệ thống kế toán của công ty và chi dùng cho hoạt động sản xuất của công ty. Cái gì đúng sự thật như nào thì mình làm đúng như thế và lương tâm mình thực hiện đúng như thế. Chẳng qua tôi nói thật, ông giám đốc sau này ứng xử doanh nghiệp kém làm cho quan hệ khách hàng kém. Ông Chức có thể khởi kiện ra toà. Công ty này còn đang hoạt động", ông Đàm bày tỏ.
Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đến trụ sở Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, bảo vệ công ty cho biết ông giám đốc không có nhà vì còn bận điều hành thêm một công ty nữa tại Thái Nguyên. Vì vậy, bảo vệ công ty từ chối việc để phóng viên vào công ty.
Bảo vệ công ty cũng cung cấp số điện thoại của ông Hà Quang Sáng, giám đốc và đề nghị PV Dân trí liên hệ trực tiếp với ông Sáng.
Tuy nhiên, sau khi bấm cả chục cuộc gọi không được bắt máy, nhắn tin qua số điện thoại 0979988…mà người bảo vệ cho biết là của ông Sáng, PV Dân trí cũng không nhận được hồi đáp.
Ngày 13/9/2018, PV Dân trí tiếp tục đến trụ sở Tổng công ty công nghiệp xây dựng Việt Nam tại số 5 Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội) để liên hệ làm việc về nội dung công ty thành viên của công ty này là Công ty TNHH một thành viên cơ khí hoá chất Hà Bắc chây ỳ không trả nợ cho người dân. Tuy nhiên, sau khi để lại nội dung sự việc, đến thời điểm hiện tại, PV Dân trí vẫn chưa nhận được hồi âm từ công ty này.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế