Phú Yên:
Doanh nghiệp lập đường, ngăn sông, tận thu cát trên sông Ba
(Dân trí) - Hơn 2km sông Ba đoạn qua xã Bình Ngọc (TPTuy Hòa) và xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa, Phú Yên), nhưng đã có 11 đơn vị khai thác cát công suất lớn. Thêm vào đó, để thuận tiện trong việc khai thác, các doanh nghiệp trên thi nhau lập đường, ngăn sông... đe dọa dòng chảy và các công trình ven sông.
Hơn 2 km “gánh” 11 mỏ cát
PV Dân trí có mặt tại địa điểm trên ngày 8/6 chứng kiến, đang có hàng chục xà lan, với hàng trăm nhân công hoạt động hút cát một cách rầm rộ hết công suất. Hết cát chỗ này là nối ống, duy chuyển sang địa điểm khác ngay. Khu vực này không khác gì một đại công trình “moi ruột sông Ba”, cát được xe múc vuôn lên thành nhiều đống khổng lồ, và đâu đâu cũng thấy cát. Kèm theo đó là hàng chục xe tải lớn nhỏ, nối đuôi nhau vào các mỏ khai thác để vận chuyển cát đi tiêu thụ. Mỗi đoạn đường đoàn xe này đi qua cát, bụi bay mù mịt.
Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã tìm đến một doanh nghiệp nằm gần cầu Đà Rằng cũ. Tiếp chúng tôi, ông Vũ Văn Nghĩa, nhân viên quản đốc mỏ cát của Doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp xây dựng Hưng Thịnh (gọi tắt là DN Hưng Thịnh) tại thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, cho biết: Việc hút cát này của chúng tôi đều đúng pháp luật, doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cấp giấy phép khai thác cát. Quy mô mỏ rộng khoảng 4 ha, trữ lượng gần 40.000m3, thời hạn khai thác đến tháng 8/2019.
Đại diện của doanh nghiệp cho biết thêm, trong phạm vi khoảng 2km này có tới 11 mỏ cát đang hoạt động khai thác. Nhiều mỏ được cấp phép khai thác với trữ lượng lớn hơn chúng tôi nhiều. Và cát này khai thác chỉ phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Nhưng trái với văn bản cấp phép là khai thác cát để phục vụ xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp Hưng Thịnh cũng thừa nhận bán cát cho Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tuấn Tú (gọi tắc là công ty Tuấn Tú) với giá 1 m3 cát tại mỏ là 60.000 đồng, nhưng không biết để làm gì !?. Mặc khác, công ty Tuấn Tú là một công ty chuyên vận chuyển cát ở Phú Yên bằng đường thủy vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.
Với 11 mỏ cát cùng khai thác trên đoạn sông gần vị trí cầu Đà Rằng (cũ) nhiều người dân ở đây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến những cây cầu và các công trình xây dựng ven sông Ba, đoạn có đơn vị hút cát khai thác. Hiện tại cầu Đà Rằng cũ đã được cảnh báo “cầu yếu” và chỉ giới hạn cho xe có tải trọng nhỏ hơn 2 tấn được phép lưu thông.
Lập đường, ngăn sông để tận thu
Để giảm chi phí vận chuyển, các đơn vị khai thác cát đã đổ đất, đá, xà bần xuống lòng sông Ba để làm đường. Đường được làm một cách cố định, chắc chắn nối từ các mỏ cát lên các trục đường chính của thành phố Tuy Hòa và quốc lộ 1A, nhiều xe múc, ủi, lu luôn luôn có mặt nếu như đường gặp sự cố sẽ khắc phục ngay. Một con sông lớn như sông Ba nhưng doanh nghiệp chỉ chừa 4 chỗ rất nhỏ cho nước chảy qua…
Được hỏi về việc ai cho phép việc lập đường dưới lòng sông. Một Khi người tên Thạnh của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên cho hay: Ở đây có nhiều đơn vị cùng đổ đường. Của công ty nào công ty ấy quản lý. Làm đường để vận chuyển cát cho khỏi lún. Sau này mình hốt hết đi…
Sau đó chúng tôi có gặng hỏi một cán bộ Thanh tra của Sở TN&MT tỉnh Phú Yên về việc trên, thì cán bộ im lặng, chẳng nói gì mà vội vàng bỏ đi.
Để làm rõ việc doanh nghiệp dùng các loại đá thải loại, gạch, bê tông để làm đường vận chuyển cát dưới lòng sông Ba chúng tôi đã liên hệ UBND tỉnh Phú Yên. Chiều ngày 8/6 ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú yên, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Phú Yên) và các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra hiện trường; đối chiếu với các quy định của pháp luật về sự phù hợp của việc sử dụng vật liệu để thi công đường vận chuyển, tác động đến môi trường, dòng chảy…
Cát về đâu?
Với 11 doanh nghiệp khai thác cát ngày đêm, và điều hiển nhiên lượng cát lên bờ là rất lớn, vậy nguồn cát này đi về đâu, phóng viên Dân trí cùng các đồng nghiệp đã theo những xe tải chở cát. Và được biết, các xe tải chở cát này vận chuyển bằng hai tuyến đường. Tuyến thứ nhất theo quốc lộ 1A. Tuyến thứ hai theo đường Hùng Vương nối dài. Và tất cả đều tập trung tại khu vực cảng Vũng Rô. Ở đây, cát được vun thành những đống cao.
Theo một công nhân tại cảng cho biết, số cát tập kết ở đây, tối đến sẽ được đưa lên các tàu lớn chở đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hồng Lộc, Trưởng Phòng Kế hoạch - Điều độ Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô, cho biết: Hiện có 5 doanh nghiệp thuê mặt bằng cảng để đưa cát lên tàu. Cụ thể là: 4 doanh nghiệp ở thành phố Tuy Hòa gồm Công ty TNHH sản xuất cửa Châu Á, Công ty Tuấn Tú, Công ty TNHH phát triển giao thông Toàn Thịnh và Công ty TNHH Nam Hải; doanh nghiệp còn lại là Công ty cổ phần xây dựng U&I (trụ sở tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Trong số 5 công ty này mới chỉ có Công ty Tuấn Tú và Công ty Châu Á đã bán cát cho một đơn vị khác xuất vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam với số lượng hơn 16.039 tấn. Trong đó, Công ty Tuấn Tú đã xuất bán hơn 12.203 tấn và Công ty Châu Á xuất bán hơn 3.835 tấn. Các doanh nghiệp còn lại mới tập kết cát vào cảng.
Khi được hỏi về cát sẽ được bán đi đâu, thì ông Lộc cho biết, chỉ nghe nói bán vào Nam chứ còn không rõ là bán đi đâu. Việc này bên cảng không quản lý.
Việc khai thác cát vật liệu xây dựng thông thường để bán qua các tỉnh, thành phố khác cũng được ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, có báo cáo tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 13/6/2017.
Trung Thi