Điệp khúc buồn - Tăng giá
Chưa kịp hạ hỏa vì thông tin tăng giá xăng dầu, người tiêu dùng lại thêm “tăng xông” trước động thái mới của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) kiến nghị xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang và áp dụng 2 loại giá điện. Nói tóm lại là… tăng giá điện.
Với người dân, có lẽ ngoài tăng lương ra thì hầu như mọi tin “tăng” khác, nhất là tăng giá đều là tin xấu, gây phản mạnh và lan nhanh kiểu domino.
Lý giải được VEA đưa ra trong văn bản gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng ngày 9.8 cho rằng, với quy định của bảng giá điện bậc thang ban hành thì không chỉ người nghèo, các hộ chính sách mà cả người có thu nhập cao cũng được được ăn theo hưởng lợi từ giá bán điện có hỗ trợ của Nhà nước. Và rằng với giá bán lẻ điện bình quân 1.058 đồng/ kWh như hiện nay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ trên 3.000 tỷ đồng (?)… Do vậy, VEA kiến nghị xóa bỏ giá điện bậc thang trên để áp dụng 2 loại giá điện khác nhau cho các đối tượng sử dụng khác nhau.
Giải tích thêm của Chủ tịch HĐQT EVN Đào Văn Hưng cũng lặp lại những nguyên do mà ngành điện đã nêu ra trước đây, như: giá điện ở Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực, và rằng đây là giải pháp duy nhất để khắc phục lâu dài tình trạng thiếu vốn cho ngành năng lượng...và…
Dù đã quá quen với các đợt hoặc kiến nghị tăng giá của ngành dầu khí, ngành than, tới mức nhiều người chỉ còn biết buông một câu “Chán!”, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến nhiều người dân không thể không lại một lần nữa phải lên tiếng: phản đối tăng giá điện hoặc đồng ý tăng giá nhưng phải hợp lý và song song với đảm bảo cung cấp đủ điện cho người tiêu dùng; mở rộng hơn nữa việc xã hội hóa đầu tư vào ngành điện để tránh độc quyền...:
Lại một biểu hiện của lợi ích nhóm. Tôi phản đối chuyện tăng giá điện. Truớc đây đưa ra giá điện bậc thang để lấy cớ tăng giá điện (từ Kwh thứ 51) lên rất cao. Nay lại bỏ giá bậc thang để tiếp tục tăng nữa là không thuyết phục. So sánh giá điện VN với giá tại các nước phát triển, vậy còn yếu tố đầu vào như lương, phí tài nguyên rất thấp, vốn lấy từ ngân sách Nhà nước.... sao không so sánh với thế giới? Việc bán điện giá riêng cho các khu vực, cho hộ nghèo càng bất hợp lý hơn vì lại nảy sinh cơ chế xin - cho và ai kiểm soát được khu vực nào sẽ được bán giá thấp hơn.
(Bạn đọc: Phản đối lợi ích nhóm - email: a@yaoo.com)
Chính phủ và các bộ ngành liên quan nên quan tâm sâu sát hơn nữa trong việc thực hiện chính sách bình ổn giá. Nếu EVN cam kết sau khi tăng giá cũng đồng thời đảm bảo tăng chất lượng dịch vụ ở mức tương xứng; tăng giá đi đôi với việc thực hiện chính sách đền bù thỏa đáng cho người sử dụng điện khi bị cắt điện triền miên, không lý do, gây thiệt hại sâu sắc đến đời sống sản xuất kinh doanh…
Nếu chúng ta không khắc phục được tình trạng tăng giá một cách vô lý của các ngành dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân; nếu vẫn còn để người dân thấy những bất công như việc có hàng ngàn tỷ đồng thưởng cho cán bộ công nhân viên ngành điện; lương của ngành điện, nước, xăng dầu cao gấp mấy lần lương các ngành khác trong khi bình quân thu nhập chung của dân ta còn quá thấp; chất lượng dịch vụ lại không tăng; người dân phải chịu mấy lần thuế má trước khi được sử dụng... thì không được phép tăng giá!”
(Thủy –email: hongtrang443@yahoo.com)
Suốt ngày tăng giá ! Nhưng mà đồng lương của bố mẹ cháu liệu có tăng kịp bằng 1 phần cái sự tăng giá không ? Nếu cứ tăng giá suốt như thế này thì nền kinh tế và xã hội sẽ ra sao ? Các dự án đề ra lại không có phương án lấy vốn từ lúc lập dự án hay sao, mà đề ra một thời gian rồi lại kêu thiếu vốn! Nếu không thể lo nổi vốn từ các nguồn vay, xã hội hoá thì hãy để các tổ chức khác trong và ngoài nước đầu tư vào, bỏ chế độ độc quyền mà không lo nổi này của EVN đi!
(Thanh Bình –email: tackehoa1002@yahoo.com)
Tăng giá điện để các dự án được hoàn thành, vậy khi các dự án được hoàn thành đi vào sản xuất thì liệu tiền điện có giảm không? Đã làm kinh doanh thì phải tính đến lợi ích lâu dài, có chiến lược lâu dài chứ. Có khi phải chấp nhận lỗ ban đầu, hay đi vay mượn để 5 năm, 10 năm sau có lãi. Chứ có phải một tý lại đề xuất này, đề xuất kia được đâu. Như vậy chỉ khiến người dân khổ mà thôi.
(Hoàng Hải – email: congdungngonhanhvn@yahoo.com.vn)
Kết quả này cũng là do độc quyền mà ra cả thôi. Trong khi mọi ngành nghề dịch vụ càng dùng nhiều càng rẻ thì riêng ngành điện, nước lại ngược lại, càng dùng nhiều lại càng đắt, thật là nghịch lý. Trong khi cắt điện thì tùy tiện chẳng cần thông báo…
(Dungtri –email: dungtri@yahoo.com)
Nếu lại tăng giá điện thì cần phải tính đến những đối tượng có thu nhập thấp như nông dân, công nhân... Bỏ cách tính điện theo bậc thang, theo tôi, nên chọn phương án: bất cứ đối tượng nào dùng trên 50Kwh đều phải chịu mức giá cao. Còn đối tượng dùng dưới 50 Kwh được hưởng mức giá ưu tiên. Vì đại đa số đối tượng nghèo thường sử dụng điện rất ít. Đặc biệt là ở nông thôn.
(Le – email: le_chuc@ymail.com)
Tại sao ngành điện cứ lấy lý do là giá điện tại VN thấp hơn khu vực? Các ngài có biết rằng mức sống và thu nhập của đại bộ phận dân thành phố và khu vực nông thôn hiện nay thấp hơn các nước trong khu vực là bao nhiêu không? Mức lương hiện nay của cán bộ công nhân viên nghành điện lực là bao nhiêu ? gấp nhiều lần lương của các đơn vị hành chính lương sự nghiệp! Các ngài cứ công khai hóa mức lương của ngành điện ra để đối chứng với lương của ngành may mặc giày da chỉ là 1 triệu hoặc là 1,2 triệu đồng... Ngành điện kêu thiếu vốn sao các ngài lại có dự án xây trung tâm thương mại tại Bờ Hồ với dự toán hàng nghìn tỷ đồng... Số tiền này sao không đầu tư cho các dự án nâng cấp điện hoặc xây mới các nhà máy điện, thật là vô lý!
(Hang ngan – email: dtkl2006@yahoo.com.vn)
…
Kiều Anh tổng hợp