Điểm sáng pháp lý mới giúp "xử lý" con nợ chây ỳ, vay mà không trả

Khả Vân

(Dân trí) - Tình trạng "đứng cho vay, quỳ đòi nợ" hiện nay diễn ra phổ biến trong quan hệ vay mượn tài sản. Con nợ lúc vay thì lời lẽ ngọt ngào, khi có được tiền trong tay thì tiêu xài hoang phí.

Nhiều con nợ khi đến hạn trả nợ dù vẫn ăn ngon, mặc đẹp, xe sang nhà lầu nhưng chây ì không chịu trả nợ vay, khiến người cho vay ngậm ngùi, cay đắng .

Chủ nợ dùng mọi biện pháp dân sự cũng không thể thu hồi được nợ, thậm chí còn bị con nợ thách thức, đe dọa. Người cho vay cực chẳng đã buộc lòng gửi đơn ra cơ quan công an thì thường nhận được Quyết định không khởi tố vụ án, đề nghị liên hệ với Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự.

Sau đó theo hướng dẫn này, người cho vay bắt đầu một chặng đường tố tụng tại tòa sơ thẩm, tòa án phúc thẩm kéo dài đằng đẵng nhiều năm. Sau khi có bản án, người thắng kiện còn phải thông qua cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành. Khi này con nợ đã khôn ngoan, ma mãnh tẩu tán hết tài sản nên cơ quan thi hành án cũng bó tay, phải tạm đình chỉ việc thi hành án.

Người cho vay chỉ thắng kiện trên giấy, cầm mấy tờ A4 giữ làm kỷ niệm một sự việc chua xót, dại dột từ khi cho vay, kiện đòi, thi hành án.

Điểm sáng pháp lý mới giúp xử lý con nợ chây ỳ, vay mà không trả - 1

(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp).

Bàn về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị - Đoàn luật sư TP Hà Nội chia sẻ, trước thực tế phức tạp của tình trạng vay nợ, trốn nợ như trên, khi ban hành Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 Quốc hội đã bổ sung thêm trường hợp "Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả" tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Khi Quốc hội bổ sung căn cứ trên để xử lý hình sự đã tạo ra hành lang pháp lý xử lý hình sự người cho vay có điều kiện, khả năng nhưng cố tình chây ì không chịu trả nợ. Cơ quan tiến hành tố tụng và người cho vay kỳ vọng đây sẽ là điểm đột phá để giải quyết tình trạng vay nợ khó đòi.

Tuy nhiên trên thực tế, quy định mới này sau khi ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 chưa được áp dụng và chưa có thông tin cá nhân nào bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp "Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả" tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015.

Vì sao quy định hữu ích như vậy lại không được áp dụng trên thực tế?

Lý giải băn khoăn trên, luật sư Lực cho rằng việc thu thập, cung cấp bằng chứng về việc con nợ có điều kiện, có khả năng trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn bởi người dân rất khó thu thập được bằng chứng tài liệu từ con nợ, cơ quan cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất, xe cộ.

Các cơ quan tố tụng e ngại cho rằng còn thiếu văn bản hướng dẫn dưới luật để hướng dẫn cụ thể các căn cứ, cơ sở xác định dấu hiệu thế nào là "có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả".

Tại giải đáp 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân tối cao có nhấn mạnh rằng Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ hướng dẫn chi tiết bằng Nghị quyết đối với tình tiết "đến thời hạn trả lại mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả". Tuy vậy đến thời điểm năm 2023 Nghị Quyết hướng dẫn về nội dung này vẫn chưa được Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Điểm sáng mới!

Trước những khó khăn vướng mắc này, mới đây Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có những hướng dẫn tương đối chi tiết, cụ thể về tình tiết "có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả". Cụ thể:

Ngày 03/04/2019, tại mục 6, phần I Thông báo số 64/TANDTC-PC "V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính" của Tòa án nhân dân tối cao có khẳng định: "Trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản…) thì bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015".

Ngày 15/11/2023, tại Công văn số 4962/VKSTC-V14 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp thêm: "Để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 thì phải đáp ứng cả 02 điều kiện:

(1) đến thời hạn trả lại tiền;

(2) vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền đó đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke…) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS 2015".

Như vậy theo hai hướng dẫn, giải đáp pháp luật trên đây, cơ quan tố tụng đã làm rõ, giải thích cụ thể các hành vi, dấu hiệu làm căn cứ để cơ quan tố tụng có thể đánh giá hành vi của người vay:

i) Có điều kiện, có khả năng: Có sở hữu, có quyền sử dụng tài sản nhà, đất, tài sản khác… đủ một phần hoặc đủ vượt giá trị khoản vay và có thể chuyển giao cho người cho vay để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; ii) Nhưng cố tình không trả: chây ì tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản…

Thêm nữa trách nhiệm chứng minh các yếu tố trên thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng "cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS 2015".

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành thêm những công văn hướng dẫn chi tiết thì hy vọng rằng những đối tượng vay nợ cố tình không trả nợ dù đủ điều kiện khả năng sẽ bị điều tra truy tố trước pháp luật. Điều này thực sự có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo quyền lợi của người cho vay, giúp ổn định, phát triển các quan hệ vay nợ vốn diễn ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay.

Tuy vậy để việc áp dụng pháp luật được triệt để, thống nhất luật sư Lực kiến nghị, trong thời gian tới ba cơ quan tiến hành tố tụng gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cần ban hành thêm Thông tư liên tịch để thống nhất cách xử lý hành vi phạm tội trên, tránh tình trạng mỗi văn bản quy định một cách khác nhau, dẫn đến các quy định rời rạc, manh mún khiến người dân khó tiếp cận và áp dụng.