Điểm mặt những sai lầm trong thiết kế nhà gây thu hút "bà hỏa"
(Dân trí) - Gần đây, các vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước. Theo các chuyên gia, việc dùng gỗ quá nhiều là nguyên nhân chính và cho rằng nhà sử dụng nhiều gỗ nên có phương án thiết kế riêng.
Các vụ cháy xảy ra liên tiếp trên khắp cả nước khiến nhiều người lo lắng về sự an toàn cho bản thân và gia đình. Nhằm giúp bạn đọc nhận ra được những sai lầm trong thiết kế nhà khi sử dụng nhiều đồ gỗ, KTS. Trần Quốc Việt, giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ chi tiết về vấn đề này.
Cẩn trọng với vật liệu dễ cháy
Các khoảng trống, sân trong, lỗ cửa, hành lang, khe gió… đóng vai trò quan trọng trong việc thông gió tự nhiên trong ngôi nhà, tạo các không gian chuyển tiếp và kết nối. Tuy nhiên, đó đồng thời cũng chính là yếu tố tác động tích cực cho đám cháy phát triển.
Ngoài ra, vật liệu tự nhiên sử dụng trong thiết kế nhà ở như gỗ, tre tuy mang tính thân thiện và có bản sắc riêng nhưng rất dễ bắt cháy và lan nhanh trong trường hợp hỏa hoạn nếu không được xử lý chống cháy. Các vật liệu công nghiệp được dùng phổ biến như gỗ ép, nhựa, cao su… đều sử dụng các hóa chất và phụ gia công nghiệp thuộc diện cần phải kiểm soát chặt vì tác dụng phụ của nó.
Hơn nữa, nhiều gia đình lựa chọn sử dụng các loại sơn gốc nhựa có giá thành rẻ, thi công dễ, đa dạng màu sắc... nhưng chúng lại tác động tiêu cực tới sức khỏe người dùng. Các loại sơn này được phủ một lớp polyme trên bề mặt, không bị chảy khi nung nóng nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với lửa thì dễ cháy. Đặc biệt khói từ những sản phẩm này rất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ cao.
Tại các nước phát triển, tiêu chuẩn chống cháy của vật liệu hoàn thiện nội thất phải được xếp hạng EW/EI, tiêu chuẩn CARB P1, CARB P2, tiêu chuẩn E0, E1, E2, class A, B, C về phát thải formaldehyde… Tại Việt Nam, hầu hết các sản phẩm trôi nổi đều có hàm lượng formaldehyde vượt gấp hàng chục thậm chí tới hàng trăm lần mức cho phép. Nó đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và an toàn khi con người sử dụng lâu dài. Nhiều chủ đầu tư và KTS đã vô tư lảng tránh vấn đề này.
Để giảm thiểu tối đa các nguy cơ cháy và mất an toàn trong không gian sống, ngoài hệ thống thiết kế thụ động (thiết kế kiến trúc, cơ điện, vật liệu...) cần lưu ý tới các hệ thống chủ động (hệ thống cảnh báo, kiểm soát, cảnh báo cháy, chữa cháy tự động…) tích hợp vào trong công trình.
Ngoài ra, thiết kế để có thể vận hành và bảo trì hệ thống trong suốt vòng đời phục vụ của chúng đóng vai trò quan trọng, nhưng hiện đang bị coi nhẹ. Đây chính là hiểm họa rất lớn, tác nhân của các vụ hỏa hoạn.
Việc tiếp cận dữ liệu thông tin của chủ đầu tư, minh bạch thông số kỹ thuật của các nhà sản xuất, cách nhìn nhận và đánh giá của cơ quan quản lý, quy trình thiết kế đúng và bài bản về an toàn với nhà ở quy mô nhỏ cần phải được xem xét và nhìn nhận lại, trước khi các sự cố đáng tiếc xảy ra.
An toàn sinh mạng - sự đánh đổi có thỏa đáng?
Thiết kế an toàn là một khái niệm rất lớn, đặc biệt liên quan đến an toàn về sinh mạng (cháy, nổ, động đất….). Quan điểm thiết kế này được thế giới nghiên cứu và phát triển đồng thời với sự ra đời của các tòa nhà cao tầng/siêu cao tầng, các công trình hỗn hợp đa chức năng, công trình đặc biệt/tập trung đông người... với các hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn tương đối đầy đủ và chi tiết.
Chúng ta có tiếp thu nhưng chậm và rất cứng nhắc, đặc biệt còn thiếu đồng bộ.
Trong khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến an toàn sinh mạng luôn thay đổi và cập nhật liên tục qua thực tiễn, đôi khi chỉ cần 1 sự cố nhỏ có thể phải thay đổi hoặc bổ sung ngay lập tức. Sự không đồng bộ, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản tiêu chuẩn từ thiết kế, cấu tạo, kết cấu, vật liệu, thử nghiệm, phân loại tính năng…. khó hiểu ngay cả với kiến trúc sư (KTS) hành nghề, thiếu các hướng dẫn có tính khoa học và đơn giản để áp dụng hay đơn giản chỉ nâng cao ý thức của người dân.
Đặc biệt với loại hình nhà ở quy mô nhỏ đang nở rộ trong giai đoạn hiện nay thì gần như chưa được coi trọng. Các công trình này có thể nhỏ về quy mô nhưng không hề nhỏ về sự phức tạp và các nguy cơ tiềm ẩn. Khi không có các hướng dẫn cụ thể thì niềm tin của chủ nhà sẽ được đặt vào kinh nghiệm của các KTS và các nhà sản xuất, cung ứng thiết bị, vật tư.
Nhà ở đô thị, biệt thự, dinh thự, lâu đài… theo lối vay mượn phong cách trong quá khứ đang quay trở lại. Nó phản ánh thị hiếu và thẩm mỹ đại chúng rất mạnh mẽ, bất chấp sự phản ứng gay gắt của giới chuyên môn.
Mâu thuẫn giữa sự đòi hỏi cấp độ tiện nghi mới đã làm phá vỡ cấu trúc không gian cũ rất gượng ép và làm phát sinh những giải pháp thiếu đồng bộ. Chẳng khác nào bắt không gian nội thất tân cổ điển từ thế kỷ 14-15 phải đáp nhu cầu và lối sống của con người của thế kỷ 21 (phải tích hợp rất nhiều các trang thiết bị hiện đại, thông minh…). Dấu hỏi về sự "thỏa hiệp" hay "lựa chọn" được đặt ra.
Không chỉ thuần túy nhìn nhận dưới góc độ kỹ thuật, dưới con mắt các KTS đó là bài toán rất khó và để tạo ra một công trình với đầy đủ các yếu tố: an toàn và sức khỏe; tiện nghi và hiệu quả vận hành; sinh thái và bản địa; đẹp và cá tính… Đó là sự sắp xếp mạch ý và đấu tranh để hình thành tư duy trong thiết kế.
Thực tế hiện nay, nhà ở tư nhân trong thời gian vừa qua đều thượng tôn và coi trọng cái đẹp, các giá trị phi vật chất hướng tới sự trải nghiệm của gia chủ, kể cả đôi khi là sự vay mượn hào nhoáng một cách quá thái.
Một lần nữa dấu hỏi về sự đánh đổi được đặt ra. Tuy nhiên theo tôi là có, bởi cái đẹp và sự sáng tạo, tính thực dụng của thị giác luôn được đánh giá cao. Nó khác hẳn với các xu hướng hiện nay tại các nước phát triển khi an toàn/tiện nghi và sức khỏe phải được đặt hàng đầu.
KTS. Trần Quốc Việt, giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội