Đi tìm lời giải cho bài toán rác thải nông thôn
(Dân trí) - Hiện tại mới chỉ có các khu đô thị có bãi tập kết rác thải. Ở nông thôn, bài toán thu gom và xử lý rác thái vẫn chưa có lời giải.
Mỗi ngày tại các vùng nông thôn thải ra một lượng rác sinh hoạt khá lớn. Mặc dù đất rộng nhưng lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của mình.
Rác ngập đường
Vì không có một hướng dẫn, quy định cụ thể về xử lý rác thải của các cấp chính quyền địa phương do vậy rác thải nhà nào, nhà ấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Và cách xử lý được áp dụng nhiều nhất và triệt để nhất là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Nhà nọ thấy nhà kia đổ được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp xóm. Mỗi ngày tích tụ một ít cho đến khi số rác thải đó bốc mùi thì mới được chính quyền chú ý.
Một nơi tập kết khá nhiều rác của các vùng quê đó là các khu chợ làng. Hầu hết các chợ ở nông thôn đều là chợ tạm bởi vậy rất ít chợ có thể xây dựng được hố rác cho mình. Mà nếu xây được hố rác thì khi rác trong hố đầy đều không biết đưa đến đâu để xử lý nên chỉ còn một cách, đó là… đốt. Mỗi khi ban quản lý chợ đốt rác thì cư dân quanh chợ chỉ còn nước đóng chặt cửa, cố thủ trong nhà vì sản phẩm của hàng trăm thứ cháy khét bốc mùi.
Lời giải nào cho bài toán rác thải nông thôn?
Trong số các xã mà tôi có dịp thị sát thì xã Hưng Tiến (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là địa phương được xem là nơi đã giải quyết ổn vấn đề rác thải. Rác thải ở đây được giải quyết theo kiểu “của nhà nào nhà ấy tự lo”. Tuy nhiên cách giải quyết ở đây lại không giống những nơi khác. Mỗi nhà tự xây cho mình một bể chứa rác riêng ở góc vườn, mỗi bể khoảng chừng 1m2 hoặc có thể tận dụng những khuôn giếng đã bỏ đi để làm bể rác.
Một số địa phương đã quy hoạch được bãi đổ rác chung nhưng việc vận chuyển rác trong từng khu dân cư đến bãi rác cũng là vấn đề nan giải. Diện tích rộng không có xe rác để tập trung, không có xe chuyên dụng để vận chuyển rác thải trong khi xe công nông - phương tiện vận chuyển chủ yếu ở các vùng nông thôn đã bị cấm. Nhiều địa phương nghĩ ra “sáng kiến” cải tạo xe công nông làm xe chở rác. Thế nhưng việc sử dụng xe công nông vào mục đích vận chuyển và thu gom rác thải phải được sự đồng ý của chính quyền cấp huyện.
Chính những khó khăn về quy hoạch và sự thiếu ý thức của người dân mà vấn đề rác thải ở nông thôn vẫn chưa đang là một bài toán chưa có lời giải. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch xử lý rác thải là nhiệm vụ hàng đầu của các chính quyền từ cấp xóm đến cấp xã để đảm bảo một không khí trong lành ở các vùng nông thôn hiện nay.
Hoàng Lam