Đi ăn tiệc trong giờ hành chính, bằng xe công là vi phạm nghiêm trọng Luật Cán bộ, công chức
(Dân trí) - Bỏ giờ làm việc đi việc riêng là một dạng “ăn cắp” giờ công gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước. Việc tùy tiện sử dụng xe công vụ đi dự tiệc riêng là quan liêu, xem thường nhân dân, là lãng phí.
Liên quan đến việc ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TPHCM cùng thuộc cấp đến nhà ông Tấn ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi ăn giỗ vào chiều 10/6 đã dấy lên sự bất bình trong dư luận. Không chỉ những xe công mang biển số TPHCM mà có cả hàng chục xe mang biển số xanh của Bình Dương, Bình Phước… đậu hàng dài trước nhà ông Tấn. Được biết đây là xe của các phòng, ban của Sở và các Trung tâm thuộc Sở đóng trên địa bàn các tỉnh thành nói trên về nhà ông Tấn dự tiệc ăn uống.
Về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Điều hành Hãng Luật Giải phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, ông Tấn cùng các cán bộ dự tiệc trong giờ hành chính đã vi phạm nghiêm trọng Luật Cán bộ, công chức.
Luật Cán bộ, công chức quy định cán bộ, công chức phải có nghĩa vụ: “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Đôi với người đứng đầu còn phải có nghĩa vụ: “Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Do đó, việc ông Lê Minh Tấn cùng một số lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở Lao động Thương binh & Xã hội TPHCM bỏ làm việc để đi việc riêng là một dạng “ăn cắp” giờ công gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, rất đáng phê phán. Ông Tấn đang không trong ngày nghỉ phép, thì không được phép mở tiệc trong ngày, giờ hành chính, dù đó là tiệc gì. Đồng thời, cán bộ thuộc cấp cũng không được phép rời nhiệm sở trong giờ làm việc.
“Không chỉ dừng lại ở đó, việc sử dụng xe công vào việc tư là không được phép. Đó là biểu hiện của thói quan liêu, xem thường nhân dân và là lãng phí”, Luật sư Kiều Hưng nói.
Với những việc làm “tùy tiện” như trên, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng về pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật bởi một trong các hình thức quy định tại điều 78, 79 Luật Cán bộ, công chức.
Cụ thể, Điều 78 quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ như sau: 1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức; d) Bãi nhiệm. 2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
Điều 79 quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức: 1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc 2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
“Việc làm của ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cùng một số lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở đã gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, làm giảm uy tín, hình ảnh của cán bộ, công chức với nhân dân. Trong trường hợp này, việc xử lý kỷ luật sẽ phải tiến hành theo cách trình tự, thủ tục luật định, nhưng nếu tôi là vị giám đốc, tôi sẽ nói lời xin lỗi với người dân”, Luật sư Kiều Hưng phân tích.
Công Quang (ghi)