Đề xuất lãng phí

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý với nội dung đề xuất của Sở VH-TT&DL về việc xây đền thờ Lý Công Uẩn tại vườn hoa cùng tên và giao cho Sở lập phương án kiến trúc để trình lên.

Dư luận cho rằng, nếu không cân nhắc kỹ, rất có thể quyết định này sẽ là một sai lầm về văn hoá và kiến trúc của Hà Nội trong tương lai.

3 năm vẫn chưa đồng thuận

Chủ trương xây dựng Đền thờ Lý Thái Tổ nằm trong danh mục các công trình hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo kế hoạch số 12/KH-UBND của UBND thành phố, mục tiêu phải hoàn thành công trình vào quý II/2010. UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư công trình này.

Đề xuất lãng phí - 1

Việc xây dựng thêm đền thờ Lý Công Uẩn là sự tốn phí không cần thiết và sẽ phá vỡ không gian kiến trúc ở khu vực này (Ảnh: NTNN)

 

Cách đây 3 năm, khi ý tưởng này xuất hiện, nó đã không nhận được ý kiến đồng thuận của nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá và các kiến trúc sư. Có 2 luồng ý kiến chính được đưa ra, thứ nhất, có nên xây một ngôi đền thờ mới ở Hà Nội hay không và thứ hai, nếu xây thì đặt ngôi đền ở đâu cho hợp lý.

Gần đây nhất, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà chuyên môn vào đầu tháng 12/2008, vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về các địa điểm dự kiến như khu Hoàng thành Thăng Long, vườn hoa Mai Xuân Thưởng, vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường nhà hát Lớn, bán đảo Hồ Tây, vườn Bách Thảo...

Nhà thơ Bằng Việt- Chủ tịch Hội Liên hiệp VH-NT Hà Nội thì cho rằng Hà Nội nên kết hợp với Bắc Ninh để đầu tư kinh phí tôn tạo khu đền Đô thì hơn. Còn quan điểm của GS. Trần Hùng -  Viện Nghiên cứu kiến trúc  thì nên tìm một địa điểm mới để xây hơn là xây ở khu vực vườn hoa, vì nó sẽ bị “cọc cạch”.

Nhưng kết thúc cuộc họp thì Sở VH-TT&DL đã đưa ra kết luận: “Vườn hoa Lý Thái Tổ là vị trí mang tính khả thi, được nhiều ý kiến đồng tình xây dựng đền thờ Đức vua Lý Thái Tổ”. Phải chăng đây là một kết luận hơi vội vã do sức ép của mốc thời gian kỷ niệm 1.000 năm đang tới quá gần? Không  biết đề án này liệu có đi vào vết xe đổ của đề án sản xuất phim “Thái tổ Lý Công Uẩn” đã bị tạm dừng tiến độ trước đây hay không.

Thừa giấy, vẽ... linh tinh?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Khu đền Đô - còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế được xây dựng vào thế kỷ XI (năm 1030) trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu cổ Pháp, thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã có một vị trí thiêng liêng trong tâm tư tình cảm của người Việt. Khu đền này được xây dựng trên vùng đất phát tích nhà Lý, là chốn hội tụ tâm linh của người dân cả nước mỗi khi muốn tưởng niệm công đức của các vị Vua triều Lý.

Từ gần 1.000 năm nay cho đến bây giờ, các hoạt động thờ cúng, giỗ lễ vẫn diễn ra tại đây bình thường, không hiểu vì lý do gì mà người ta lại đưa ra một đề xuất xây mới một ngôi đền thờ Vua Lý Công Uẩn tại Hà Nội? Về mặt tâm linh, ngôi đền này liệu có linh thiêng không khi mà trên vùng đất dự kiến xây là vườn hoa Lý Thái Tổ chẳng có một chút gì gắn bó mật thiết với cuộc đời của Vua Lý Công Uẩn? Về mặt văn hoá, ngôi đền này sẽ có vị thế ra sao khi nó nằm lép vế chìm khuất đằng sau tượng đài của ngài?

Về nguyên tắc, đền thờ phải có tượng để thờ cúng thắp hương hành lễ, sẽ cần có thêm một bức tượng Vua Lý đặt trong đền thờ, vậy thì công năng của bức tượng ngoài trời hiện có sẽ là gì? Kiến trúc và không gian xung quanh khu vực dự kiến xây đền thờ mang đậm dấu ấán của kiến trúc Pháp, có thêm một ngôi đền mang phong cách kiến trúc phương Đông vào đó, tổng quan khu vực này sẽ ra sao?

Xây một ngôi đền thờ không phải là chuyện đơn giản như đặt một mảnh ghép vào bức tranh xếp hình để nếu thấy không phù hợp thì lại tháo ra. Bởi vậy, UBND TP. Hà Nội nên cân nhắc kỹ hơn khi thông qua đề xuất này, nếu không, nó sẽ trở thành một sai lầm về văn hoá và kiến trúc không thể sửa chữa đúng vào dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đó là chưa kể, dù ít hay nhiều, số tiền đầu tư để xây dựng ngôi đền này cũng sẽ là một sự tốn phí không cần thiết, nếu mục đích sử dụng của nó không  hiệu quả.

Theo Mai An
Nông thôn ngày nay