Hà Nội:

Đề nghị xem xét lại vụ thu hồi đất ở quận Thanh Xuân

(Dân trí) - 10 gia đình sử dụng ổn định đất được Công ty 20 Bộ Quốc phòng chia năm 1981, nhưng UBND quận Thanh Xuân không áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp khi thu hồi phục vụ dự án thoát nước, đe dọa quyền lợi hợp pháp của công dân.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, phần đất 10 hộ gia đình sử dụng tại ngách 64/30 phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân có nguồn gốc do Xí nghiệp X20, nay là Công ty 20 - Bộ Quốc phòng phân cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở từ năm 1982. Quyết định phân chia đất cũng được lãnh đạo Xí nghiệp 20 báo cáo lên UBND phường Phương Liệt tại công văn số 482/CV ngày 20/12/1981 do ông Bùi Văn Đông - Phó Giám đốc xí nghiệp ký. Kể từ đó đến nay, các hộ dân sử dụng ổn định liên tục, không xảy ra tranh chấp với cụm dân cư lân cận.
 
Các hộ dân cho rằng UBND quận Thanh Xuân cố ý làm trái Quyết định số 108 của TP Hà Nội
Các hộ dân cho rằng UBND quận Thanh Xuân cố ý làm trái Quyết định số 108 của TP Hà Nội

Tuy nhiên, khi thu hồi đất trong Dự án “Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án II” Ban GPMB quận Thanh Xuân ban hành phương án bồi thường không đúng với các quy định hiện hành về hạn mức bồi thường; mức giá bồi thường và chính sách bồi thường với những thửa đất có nhiều nhân khẩu. Trong khi đó, tại dự thảo bồi thường được phê duyệt đều khẳng định nguồn gốc khu đất trên do Xí nghiệp X20 phân chia đất cho các hộ gia đình theo Công văn số 482/CV ngày 20/12/1981 của xí nghiệp X20 cục Quân Trang.

Tất cả tài liệu liên quan đều thể hiện 10 hộ dân được phân đất xây nhà từ năm 1981, nhưng không hiểu vì sao UBND quận Thanh Xuân lại căn cứ vào bản đồ năm 1996 để làm căn cứ pháp lý chính thống, từ đó xác định thời điểm sử dụng đất của 10 hộ dân ngách 64/30 phố Phan Đình Giót sử dụng là sau năm 1993? Từ sai sót này, UBND quận Thanh Xuân đã áp dụng chế độ hỗ trợ, bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất không phù hợp thực tế, xâm hại quyền lợi hợp pháp của hàng chục con người.

Về hạn mức được công nhận đất ở, tại khoản 3 Điều 2 Quyết định số 19/2012 của UBND TP Hà Nội về hạn mức công nhận đất ở như sau: “3. Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01/7/2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định như sau:

a.Các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên: 120 m2”.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư với các hộ dân trú tại ngách 64/30 phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, UBND quận Thanh Xuân lại áp dụng khoản 2, Điều 19 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND với mức hỗ trợ thấp hơn thực tế các hộ dân xứng đáng được hưởng.

Vì áp dụng các quy định không đúng đối tượng, 10 hộ dân trú tại ngách 64/30 phố Phan Đình Giót chỉ được đền bù theo hạn mức 90m2, thay vì 120m2 quy định tạiKhoản 3 Điều 2 Quyết định số 19/2012 của UBND TP Hà Nội.
 
Luật sư Đào Thị Liên đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại nội dung văn bản số 6426
Luật sư Đào Thị Liên đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại nội dung văn bản số 6426

Liên quan đến nội dung văn bản số 6426/UBND-TNMT/2011 của UBND TP Hà Nội, Luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong nhận định: Văn bản số 6426 phê duyệt Tờ trình 476/Ttr - BCĐ ngày 21/7/2011, trong khi tờ trình này lấy bản đồ năm 1996 là văn bản ra đời sau khi các hộ dân đã sử dụng đất 14 năm để làm căn cứ xác định nguồn gốc đất cho các hộ dân là sử dụng sau năm 15/10/1993 là không đúng. Trong khi đó, các tài liệu cho thấy, năm 1982, 12 hộ dân được Xí nghiệp X20 (nay là Công ty 20) giao đất có thu tiền, có công văn báo cáo chính quyền phường Phương Liệt và được công nhận trong các văn bản của dự án hiện nay.

Công văn số 6426 áp quy định tại Điều 23 của Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của TP Hà Nội quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội. Theo Điều 23 Quyết định 108, các hộ dân sẽ được bồi thường 100% giá đất ở trong hạn mức công nhận đất ở (tại quận Thanh Xuân là 120m2), nhưng UBND quận Thanh Xuân chỉ xem xét theo hạn mức giao đất ở mới (90m2) cho các hộ dân là không đúng với Quyết định 108.

Năm 2005, các hộ dân cùng Công ty X20 đã có văn bản đề nghị chính quyền phường Phương Liệt kê khai, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng chính quyền chưa thực hiện, việc này không phải lỗi ở những người dân, nay vì việc này mà họ bị thiệt thòi thì chính quyền cần phải xem lại. Trong khi đó, cũng thuộc dự án này nhưng quận Hoàng Mai (có cùng hạn mức công nhận đất ở như quận Thanh Xuân) lại áp dụng đúng quy định pháp luật khi công nhận hạn mức đất ở cho người dân 120m2 .

Không hài lòng với các quyết định của UBND quận Thanh Xuân, 10 hộ dân ngách 64/30 phố Phan Đình Giót nhiều lần gửi đơn thư đề nghị các cấp chính quyền xem xét quyền lợi hợp pháp nhưng không nhận được “hồi âm” của UBND quận Thanh Xuân.

Ngày 23/10/2012, Ban Bồi thường GPMB quận Thanh Xuân có văn bản số 165/BBT trả lời đơn khiếu nại của 1 trong 10 hộ dân là ông Nguyễn Hữu Khang. Theo đó, các nội dung khiếu nại của người dân về hỗ trợ đất được ghi nhận và tổng hợp, báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để trình cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay 10 hộ dân chưa nhận được thêm văn bản nào của UBND quận Thanh Xuân, hoặc các phòng, ban chức năng quận Thanh Xuân.

Gần nhất, ngày 2/12/2013, Ban Bồi thường GPMB quận Thanh Xuân ban hành văn bản số 407/HĐBT-BBT vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án gửi Đảng ủy - UBND phường Phương Liệt. Theo nội dung văn bản này, Ban Bồi thường GPMB quận Thanh Xuân khẳng định căn cứ pháp luật áp dụng trên địa bàn quận Thanh Xuân là văn bản 6426 mà công dân đang đề nghị xem xét lại. Để giải quyết dứt điểm những khúc mắc về chính sách đền bù, 10 hộ dân ngách 64/30 phố Phan Đình Giót đề nghị UBND quận Thanh Xuân tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với người dân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ngọc Cương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm