Hà Nội:

Đề nghị khởi tố vụ án đâm chém tại quận Đống Đa

(Dân trí) - Vào chiều ngày 23/9, tại ngõ 167 Tây Sơn, chỉ vì xích mích nhỏ, một số đối tượng đã dùng hung khí chém dã man 2 nạn nhân. Vụ việc đang khiến cho những người dân sống gần đó cảm thấy hoang mang,lo sợ.

Ngày 26/09/2012, tại bệnh viện Xanh pôn, chúng tôi được ông Bùi Khắc Đại là bố của của nạn nhân Bùi Khắc Anh cho biết: Ngay sau khi nhận được hung tin con mình bị một số đối tượng hành hung gây thương tích nặng và đang nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, vợ chồng ông đã tức tốc thu xếp công việc để từ Thanh Hóa ra chăm sóc con.

Cũng trong ngày 26/09/2012, cùng với một người cháu, ông Đại có tới Công an Quận Đống Đa để hỏi thông tin về vụ việc có liên quan tới con trai mình, tại đây ông được cán bộ phụ trách hồ sơ vụ việc cho biết, chiều ngày 25/9 Công an quận Đống Đa đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ công an phường Quang Trung chuyển lên, cơ quan công an đã xác định được danh tính của 02 trong số 04 đối tượng trực tiếp chém Bùi Khắc Anh và Trần Việt Quang. Tuy nhiên, các đối tượng gây án hiện đang bỏ trốn. Mặt khác, đây là vụ án gây thương tích, vì vậy để có căn cứ khởi tố thì cần phải xác định được rõ tỷ lệ thương tật của Bùi Khắc Anh và Trần Việt Quang.
 
Nạn nhân Bùi Khắc Anh chưa qua cơn nguy kịch
Nạn nhân Bùi Khắc Anh chưa qua cơn nguy kịch

Để làm rõ thêm vụ việc nghiêm trọng này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Trung (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý:

Xin ông cho biết, theo quy định của pháp luật thì đâu là căn cứ để khởi tố một vụ án hình sự?

Trước hết, cần phải hiểu khởi tố vụ án là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Theo quy định tại Điều 100 BLTTHS thì căn cứ để khởi tố vụ án hình sự là khi đã xác định được dấu hiệu của tội phạm.

Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây: 1. Tố giác của công dân; 2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; 4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;5. Người phạm tội tự thú.

Được biết, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ việc xảy ra công an phường sở tại đã tới hiện trường tìm hiểu sự việc và lấy lời khai ban đầu của một số người liên quan. Ngày 25/9, người bị hại Trần Đức Quang đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa. Mặt khác, do tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên gần như ngay lập tức trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết về vụ việc, vì vậy dấu hiệu tội phạm của vụ việc này có thể được xác định từ rất nhiều cơ sở, nên rất rõ ràng. Đây là một điều rất thuận lợi cho cơ quan chức năng khi xác định dấu hiệu của tội phạm.

Với những tình tiết của vụ việc xảy ra tại ngõ 167 phố Tây Sơn, theo ông đã có dấu hiệu của tội phạm hay chưa? Pháp luật có quy định thời gian khởi tố vụ án hình sự là bao lâu?

Với những gì báo chí đã phản ánh về vụ việc xảy ra vào chiều ngày 23/9 thì bản thân tôi nhận thấy dấu hiệu của tội phạm ở đây là đã hết sức rõ ràng. Hành vi đâm chém dã man của các đối tượng đã trực tiếp xâm phạm tới tính mạng và sức khỏe của hai người bị hại là Bùi Khắc Anh và Trần Việt Quang, hậu quả để lại là hai nạn nhân này phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch. Cũng cần phải nói thêm rằng sức khỏe và tính mạng của công dân là khách thể được Luật Hình sự hết sức bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm trái phép tính mạng, sức khỏe của công dân đều là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi nêu trên của các đối tượng đã có dấu hiệu của “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104 BLHS.

Về thời hạn để ra quyết định khởi tố quy định tại Khoản 2 Điều 103 BLTTHS thì: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.”

Thưa ông, nếu xác định đây là vụ án cố ý gây thương tích thì nhất thiết phải có kết luận giám định tỷ lệ thương tật của những người bị hại mới khởi tố vụ án được không?

Pháp luật hoàn toàn không có quy định riêng biệt nào như vậy cả. Như tôi đã phân tích ở trên, để khởi tố một vụ án hình sự thì chỉ cần xác định vụ việc xảy ra đã có dấu hiệu của tội phạm là có thể ra quyết định khởi tố vụ án. Quy định về căn cứ khởi tố BLTTHS (Điều 100) là quy định chung cho mọi tội phạm chứ không quy định riêng cho tội danh nào cả.

Cũng cần phỏi nói thêm rằng, một trong những ý nghĩa của việc khởi tố hình sự là nhằm đảm bảo cho việc phát hiện nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, vì vậy nếu đợi đưa nạn nhân đi giám định, sau đó có bản kết luận giám định xác định rõ tỷ lệ thương tật, sau đó mới tiến hành khởi tố vụ án hình sự là đã làm mất đi ý nghĩa nêu trên của việc khởi tố vụ án.

Quay lại với vụ việc đã nêu, với những dấu hiệu của tội phạm hết sức rõ ràng được phản ánh trên nhiều cơ sở thì cơ quan chức năng cần sớm khởi tố vụ án hình sự để thực thực hiện điều tra, truy bắt những đối tượng hiện đang bỏ trốn, làm rõ những đối tượng có liên quan nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.

Theo người nhà các nạn nhân cho biết trong vụ việc trên có khoảng 6, 7 đối tượng tham gia, tuy nhiên chỉ có 4, 5 đối tượng trực tiếp thực hiện việc chém, còn 02 đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới và cản trở để 04 đối tượng trực tiếp chém tẩu thoát. Vậy liệu 02 đối tượng không trực tiếp chém có bị xử lý không thưa ông?

Hiện nay, do cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án do vậy cũng chưa thể thực hiện hiện các công việc trong giai đoạn điều tra để xác định rõ những đối tượng tham gia trong vụ việc cũng như vai trò của từng đối tượng. Tuy nhiên, nếu sau khi khởi tố vụ án và trong quá trình điều tra mà cơ quan điều tra xác định rõ vai trò của hai đối tượng này, họ tuy không phải là người trực tiếp chém hai những nhân viên của cửa hàng kia nhưng lại đóng vai trò của những người chủ mưu cầm đầu thì lúc này họ sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Nguyên tắc xử lý tội phạm đối với người chủ mưu, cầm đầu được quy định tại khoản 2, Điều 3 BLHS như sau: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, côn đồ, ...”

Mặt khác:“Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.”

Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cần sớm truy bắt các đối tượng nguy hiểm này để phục vụ cho công tác điều tra và đề phòng những hậu quả xấu có thể xảy ra. Gia đình các đối tượng trên nếu biết thông tin về con em mình thì cần thuyết phục họ ra đầu thú nhằm được hưởng sự khoan hông của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Ban Bạn Đọc