Để học đường tinh khôi màu áo trắng

(Dân trí) - Được một “House” ở Hà Nội mời hợp tác, cô bạn tôi vốn là giáo viên dạy giỏi của một trường điểm thủ đô, than thở: Thật là khó để những bài học về kỹ năng sống vào được những cái đầu nhiều tính nổi loạn của lứa tuổi teen hiện nay. Quả vậy!

Để học đường tinh khôi màu áo trắng - 1
Tà áo trắng nữ sinh.

Để dạy bài đầu tiên có tiêu đề “Suy nghĩ tích cực”, ngoài giáo trình sẵn có, cô giáo bạn tôi đã phải “cày nát” nhiều nguồn tư liệu tham khảo cả trên mạng lẫn trong sách báo.

 

Các em rất quan tâm tới việc làm sao để có được suy nghĩ tích cực trong những tình huống  thường xảy ra  như:  “xử trí” với những rung động đầu đời;  trở thành những hot girl, hot boy nổi bật trong mắt bạn bè; được thực sự học mà chơi – chơi mà học như học sinh nước ngoài… Đặc biệt, nhiều học sinh cũng như phụ huynh đều rất quan tâm tới cách ứng xử trước  những vụ “bạo lực” học đường đang rộ lên thời gian gần đây. Cô bạn tôi kể.

 

Bạo lực học đường đã trở nên nghiêm trọng, theo nhận định của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Cùng chung ý kiến đánh giá đó, nhưng dư luận chung vẫn bày tỏ chưa đồng tình với ý kiến cho rằng chưa nên áp dụng “biện pháp giáo dục cuối cùng”  (đưa những nữ sinh tái phạm  sử dụng bạo lực vào trại giáo dưỡng, hoặc xử lý hình sự).

 

Nỗi bức xúc và lo lắng trong người dân cả nước nói chung và các bậc cha mẹ học sinh nói riêng, càng gia tăng sau các vụ những video clip nữ sinh hành hung bạn được tung lên mạng với mức độ ngày càng tệ hại hơn.

 

Sau vụ clip một nữ sinh THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội bị các bạn đánh hội đồng tại vườn hoa hồi đầu năm, tới giữa tháng 9 clip nữ sinh Nghệ An bị đánh hội đồng lại được tung lên mạng. Sang đầu tháng 10, một nữ sinh trường THCS Vân Hồ (Hà Nội) bị đánh tại cầu thang bộ tòa tháp Vincom. Mới đây nhất, ngày 23/10 lại một nữ sinh ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng, cắt tóc, lột áo. Hai ngày sau, chính nạn nhân lại trở thành thủ phạm gây ra vụ trả thù ép quỳ và dùng dao lam xén tóc một bạn nữ khác bị nghi là "chỉ điểm" (?)

 

Thật quá đau lòng, nhất là cho những gia đình có con em là nạn nhân của những vụ hành xử theo kiểu “xã hội đen” hoặc “luật rừng” như vậy. Sau vụ nữ sinh ở Vinh bị tấn công, chị của nạn nhân đã viết trên mạng rằng cô và gia đình quá đau đớn, quá thất vọng khi biết có nhiều người chứng kiến vụ việc mà không ai dám can ngăn hoặc báo công an. Nhiều người dân đã đặt câu hỏi: liệu những người đứng xem đó nghĩ sao, nếu không may con em của họ rơi vào cảnh hoạn nạn mà không được ai  giúp đỡ như thế?

 

Dư luận càng bất bình hơn, khi thấy những biện pháp xử lý được áp dụng cho các vụ trước không đủ mạnh để răn đe khiến tình trạng này không những không được ngăn chặn mà cứ liên tiếp xảy ra với những hành vi càng có tính chất côn đồ, hung hãn hơn.

 

 Bạn đọc có nick “Người hiểu biết” – email: superdream22h9_9119@yahoo.com.vn  viết:

 

Vụ này (23/10) cơ quan hành pháp mà không có biện pháp xử lý thích đáng, thì không ổn với dư luận quần chúng nhân dân được! Thực ra, những sự việc tương tự đã có tiền lệ xảy ra, nhưng đối với cái lứa tuổi teen thì các em không những chưa ý thức được để rút kinh nghiệm, mà có khi lại trở thành một thứ "mốt nổi loạn". Hành động đánh đập làm nhục nữ sinh trong clip trên là có tính chất rất côn đồ. Cơ quan công an cần xử lý nghiêm khắc và cần có tình tiết tăng nặng để tránh xảy ra tiền lệ xấu và có ý nghĩa răn đe!

 

Với tư cách là giáo viên, bạn Nguyễn Danh Luân – email: LuanNguyen4779@gmail.com phân tích:

 

Là một giáo viên, tôi cũng đã xem rất nhiều đoạn clip về nữ sinh đánh nhau. Sau mỗi sự việc, báo đài nói rất nhiều về cách giải quyết, xử lý học sinh vi phạm. Tuy nhiên, sự việc không như chúng ta nghĩ. Càng về sau, học sinh đánh nhau càng dã man, không còn chút tính thiện và đạo đức học sinh nữa. Chúng ta không thể cứ ngồi để suy nghĩ các biện pháp giáo dục, răn đe, cảnh cáo mãi được nhất là trong thời buổi hiện nay. Theo tôi, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc xử lý vi phạm, nhất là với những học sinh kém đạo đức như thế này. Hãy thật nghiêm khắc hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử lý!!!... Là một giáo viên – Tổng Phụ trách Đội, tôi chân thành bày tỏ!

 

Cùng quan điểm với nhiều nhiều chuyên gia giáo dục, xã hội học cho rằng nữ sinh đang bị “nam hóa” và cần trường riêng cho những đối tượng này, báo Tiền Phong dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Mai, một chuyên gia xã hội học, nêu rõ là nên có trường ‘đặc biệt’ cho những nữ sinh đánh nhau.

 

Cũng theo  TS Mai, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực trong nữ sinh, nhưng chủ yếu là sự biến đổi những giá trị văn hóa và định hướng giá trị. Việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường, trong đó có nữ sinh đánh nhau, phải kết hợp cả giải pháp vĩ mô và vi mô, lâu dài và trước mắt…Theo đó, cần thường xuyên tuyên truyền bằng các tấm gương, điển hình phù hợp với cách nhìn của giới trẻ. Nhà trường cần chú trọng giáo dục đạo đức bằng hình thức thích hợp. Đặc biệt, nhà trường cần có cuộc cách mạng về giáo dục, trong đó phải tiến hành sớm việc giáo dục kỹ năng sống cho nữ sinh.

 

Từ phía gia đình, bạn Đặng Việt – email: angvietdung_ttsapa@yahoo.com chia sẻ:

 

Tôi có một vài điều muốn được bày tỏ như sau: không nên xử tội các em thật nặng vì các em còn là học sinh, nhưng phải làm cho các em có hành vi như vậy hiểu rõ đó là vi phạm pháp luật. Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ khi làm sai một điều gì đấy, bố tôi thường gọi lại giải thích cặn kẽ và nói câu kết: "Con làm như vậy thì đã biết sai chưa, bố sẽ đánh con 3 roi nhưng bố cho con nợ, lần sau còn tái phạm lại bố sẽ đánh thật và còn đánh đau hơn...". Và đúng là tôi không dám có lần sau nữa vì sợ bị bố đánh. Qua đây tôi xin có ý kiến, tuy các em còn là học sinh nên chúng ta không xử phạt nặng các em, nhưng cơ quan pháp luật nên có biên bản ghi nhớ hành vi trên để các em có chí tiến bộ hơn, và sẽ xử phạt thật nặng khi đủ tuổi công dân nếu tái phạm.

 

Bạn Paul Nguyen – email: paulenny1992@yahoo.com  giới thiệu kinh nghiệm phối kết hợp hiệu quả:

 

Tôi đang sống ở nước ngoài, cũng có con ở tuổi đi học và cháu cũng đánh nhau ở trong trường. Với kinh nghiệm mà luật pháp ở Mỹ áp dụng, tôi thấy có kết quả cho cả con tôi cũng như nhà trường. Các bạn chắc cũng biết xứ Mỹ vẫn còn hiện tượng kỳ thị với da màu, con tôi chỉ đánh trả để tự vệ thôi (cháu 16 tuổi), nhưng bản thân tôi phải ra tòa đóng phạt, trả tiền khám bệnh, còn cháu thì bị án treo trong suốt khóa học và đi làm công ích xã hội 40 tiếng vào cuối tuần - lượm rác ở xa lộ. Và kết quả là đứa bé kia và con tôi vẫn học chung mà không có chuyện gì xảy ra cả. Kết luận lại: Nhà Trường + Phụ huynh + Chính quyền = Tương lai sau này.

 

Mong muốn chung của người dân là các cơ quan chức năng vào cuộc một cách kiên quyết hơn để chấm dứt ngay tình trạng này. Sao cho môi trường học đường luôn lung linh màu áo trắng tinh khôi, để các thế hệ con em chúng ta có được bệ phóng thực sự cùng những hành trang cần thiết chuẩn bị tiếp nhận vị thế chủ nhân tương lai của đất nước.

 

Kiều Anh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm