Để chủ trương học hai buổi/ngày phát huy hiệu quả

Trong những năm gần đây, chủ trương học hai buổi một ngày ở cấp tiểu học đã được tiến hành ở nhiều trường, nhất là các trường ở thành phố, vùng đồng bằng.

Học hai buổi một ngày xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tòan diện và cũng do một phần từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Đó là chủ trương đúng đắn và trên thực tế trong thời gian qua, việc cho học sinh học hai buổi một ngày đã thu được những kết quả nhất định: giúp học sinh phát huy trí, lực, thể, mĩ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên vì những lí do khác nhau mà việc thực hiện chủ trương này ở các vùng, miền là chưa đồng đều, kéo theo đó là khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa đồng bằng, thành thị và miền núi ngày càng lớn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước hết, cơ sở vật chất nhiều trường chưa đáp ứng được công tác giảng dạy và học tập hai buổi một ngày. Đây cũng chính là nỗi lo lớn nhất của các trường trong việc đảm bảo đủ phòng học, bàn ghế, các phòng chức năng, thực hành, sân chơi, bãi tập. Đặc biệt đối với các vùng điều kiện kinh tế khó khăn, công tác đầu tư về cơ sở vật chất còn nhiều mặt hạn chế. Học sinh ở các vùng này không có điều kiện đi học hai buổi một phần vì phải tham gia lao động giúp gia đình, phần khác vì khoảng cách từ nhà đến trường khá xa trong khi các trường không đủ khả năng, điều kiện để tổ chức ăn trưa, nghỉ trưa cho học sinh tại trường khiến cho chủ trương triển khai học hai buổi một ngày ở miền núi bị ảnh hưởng, dường như mới chỉ diễn ra ở các trường vùng thị trấn, thị tứ.

Về nội dung chương trình, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể, học sinh học hai buổi trong ngày thì về nhà không phải học thêm. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân, áp lực từ gia đình và cả từ phía nhà trường, học sinh tiểu học vẫn phải học nhiều ở nhà ảnh hưởng đến thời gían được vui chơi, thư giãn của các em. Một vấn đề khác là việc tổ chức các môn học tự chọn, tin học, ngoại ngữ, các hoạt động vui chơi tập thể do thiếu giáo viên, giáo viên yếu về năng lực tổ chức, giảng dạy cùng với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến cho chất lượng giáo dục tòan diện vẫn bị hạn chế.

Để chủ trương học hai buổi một ngày được triển khia đồng đều, có hiệu quả trên các vùng, miền, thiết nghĩ cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đồng thời không ngừng nâng cao trình độ đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên, nhất là ở các vùng “trũng” về chất lượng giáo dục. Mặt khác, các cấp uỷ đảng và chính quyền ở địa phương cần có sự chung sức, hỗ trợ cùng ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đưa con em tới trường, có biện pháp hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy buổi thứ hai. Thực hiện tốt chủ trương học hai buổi một ngày sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tiểu học, tạo tiền đề, nền móng vững chắc để học sinh tự tin tiếp thu kiến thức ở các cấp học cao hơn đồng thời thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục ở các vùng, miền.

 

Bùi Minh Tuấn

(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Nếu trường học đặt ở những địa bàn thuận lợi, có đủ giáo viên các bộ môn, được trang bị đủ các phương tiện dạy và học  thì việc tổ chức học hai buổi/ngày sẽ đem lại hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện . Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, cho nên việc tổ chức học hai buổi còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả đem lại không cao, nhất là những trường tiểu học ở những miền quê còn nghèo, những vùng sâu vùng xa.

Vì vậy, nên mở rộng lọai hình trường này ở những nơi đáp ứng đủ những điều kiện tối thiểu cần thiết về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Những nơi kinh tế còn nhiều khó khăn thì chưa nên tổ chức học hai buổi một cách khiên cưỡng, vừa không đem lại hiệu quả mong muốn, vừa không phù hợp với nguyện vọng người dân vì muốn con em mình vừa học tập vừa vẫn tham gia lao động một phần để giúp đỡ gia đình, nhất là vào những ngày mùa ở thôn quê.