Bạn đọc viết:
Đầu Xuân đi xem lễ hội chọi bò
Cứ mỗi đội Xuân về, khi tiếng khèn tiếng sáo gọi bạn ngân vang trên những sườn núi mờ sương thì đồng bào Mông cũng nô nức chuẩn bị cho lễ hội chọi bò. Đây là lễ hội truyền thống, là một nét văn hóa có từ lâu đời của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn.
Đấu bò chọi cũng là một lễ hội truyền thống, thể hiện cho sức mạnh, sự giẻo dai, đoàn kết và phát triển của cộng đồng. Nuôi bò chọi rất khó, đòi hỏi nhiều công phu trong việc chăm sóc con bò. Thức ăn tinh của bò chọi phải chọn loại cỏ thật tốt và non, ngoài ra còn phải cho ăn thêm các loại thức ăn khô, nhiều tinh bột như ngô, sắn. Bò chọi được nuôi nhốt và ít hoặc không được giao phối với bò cái, trừ những con nhân giống. Bò chọi tốt phải là những con có thân mình thon chắc, chân cân đối, trán sần xùi và quan trọng nhất là cặp sừng to, dài, cong vừa và nhọn. Khoảng 2 tháng lại cho bò chọi chọi thử một lần để rèn luyện kỹ thuật chọi. Mỗi con bò chọi thường có giá từ 15 triệu đến 50 triệu đồng. Những năm gần đây, các gia đình đồng bào Mông ở Kỳ Sơn thường tự nuôi bò chọi với số lượng ngày một tăng. Ngoài ra có một số gia đình mua bò chọi từ nước Lào hoặc Trung Quốc.
Mừng Đảng mừng Xuân Tân Mão, đón tết nguyên đán của dân tộc, đồng bào Mông ở Kỳ Sơn tổ chức lễ hội chọi bò truyền thống tại xã Nậm Cắn. Ông Hờ Giống Nhìa - Phó Bí thừ, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn - Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn. Trước đây người Mông thường tổ chức trong dịp mừng tết của dân tộc Mông, trong những năm gần đây đồng bào Mông cũng tổ chức tết nguyên đán của dân tộc Việt Nam nên lễ hội này được tổ chức vào dịp này cùng với các hoạt động vui Xuân của đồng bào. Tham gia lễ hội có 7 xã trong huyện và các xã giáp biên giới thuộc huyện Noọng Hét - Lào. Số lượng bò chọi tham gia gần 100 con, trong đó có 20 con của nước bạn Lào. Thể lệ thi đấu đơn giản, bò được phân thành từng cặp để thi đấu, con nào thua thì bị loại, thắng thì được thi đấu tiếp với con thắng của cặp khác. Cứ như vậy cho đến cặp đấu cuối cùng”.
Như vậy, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn thì lề hội chọi bò truyền thống của đồng bào Mông cũng đang ngày càng phát triển quy mô và chất lượng. Trong những ngày diễn ra lễ hội với sự tham gia của rất nhiều người, tại các sân làng, sườn núi các chàng trai, cô gái Mông đến từ nhiều nơi khác nhau tổ chức ném còn, thổi khèn tìm người thương. Đây là một nét đặc sắc trong văn hóa người Mông ở Kỳ Sơn và có tác động lớn đến cuộc sống tinh thần của nhân dân. Hy vọng một ngày không xa lề hội truyền thống chọi bò ở huyện Kỳ Sơn sẽ được nhiều người trong tỉnh, trong nước biết đến.
Bài, ảnh: Lang Lương