Đâu rồi, những cánh diều tuổi thơ!
Từ bao đời nay, thả diều đã trở thành trò chơi truyền thống được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, thú chơi diều đã in dấu ấn trong ký ức tuổi thơ của hầu hết những người được sinh ra, lớn lên ở các vùng quê.
Để rồi mỗi khi nhắc đến thời thơ ấu, người ta lại bồi hồi nhớ đến những cánh diều vi vu giữa bầu trời lồng lộng gió cùng với giai điệu thiết tha, ngân vang của cây sáo trúc. Cánh diều chấp chới trên nền trời xanh, giữa một không gian thoáng đãng tạo ra một khung cảnh nên thơ, thanh bình.
Không gì thú vị bằng vào mỗi buổi chiều, gối đầu lên đống rơm dưới tán cây, ngước nhìn bầu trời xanh trong, cánh diều lượn bay trên đồng chiều lộng gió. Mùi rơm rạ sau vụ gặt, mùi khói đồng, mùi cỏ cây đồng nội hòa quyện thành một mùi thơm nồng rất đặc trưng của quê hương.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Thú chơi diều rất đa dạng về hình thức và cũng lắm công phu. Diều có chiếc to bằng cái quạt nan, có chiếc to bằng phân nửa tấm phản. Ngoài việc chuẩn bị giấy, hồ dán, khó nhất trong công đoạn làm một con diều là tìm tre, trúc rồi kỳ cạch ngồi chuốt bộ gọng diều gồm cung diều và cây tim.
Thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng nếu không khéo tay, chuốt bộ khung dày quá, diều sẽ không thể bay nổi còn nếu chuốt mỏng quá, khung nhẹ, diều lên quá cao gặp gió sẽ dễ bị gãy. Sau khi hoàn thành bộ khung là đến công đoạn dán giấy.
Đầu tiến là dán đầu diều, đầu diều phải được dán thật chắc nếu không sẽ có thể bị bung ra khi gặp gió to ở trên cao, sau đó là dán tai diều và đuôi diều. Cách làm đơn giản là cắt giấy thành những dải dài rồi dán liên tiếp với nhau, chiều dài của đuôi diều phải có tỉ lệ phù hợp với đầu diều.
Đuôi ngắn quá thì đầu diều dễ bị “đảo”, đuôi dài quá thì diều khó “lên” nổi. Từ khi bắt đầu đến khi làm xong một con diều có khi mất đến hơn một ngày. Vậy nên, người làm diều, ngoài bàn tay khéo léo còn cần phải có sự kiên nhẫn mới có thể tạo nên được những con diều vừa ý.
Những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, khi mà làn sóng đô thị hóa chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Những cánh đồng ở các vùng nông thôn còn “thẳng cánh cò bay” thì thú thả diều còn là thú chơi được nhiều em nhỏ ưa thích mỗi dịp hè về.
Ở quê tôi, vào mỗi buổi chiều, đám trẻ chăn trâu thường chọn những bãi cỏ rộng, thoai thoải, mặc cho lũ trâu nhẩn nha gặm cỏ rồi thi nhau thả diều. Diều nào bay cao nhất là đạt giải “quán quân”. Có khi gặp phải cơn gió to, cánh diều chao đảo một lúc trên không trung rồi từ từ rơi xuống. Cả bọn lại hò nhau cuốn dây thu diều, sửa sang đâu đấy rồi lại tiếp tục thả.
Có hôm mê mải thả diều, để trâu xuống ruộng ăn mạ nhà người ta, cả bọn lại í ới gọi nhau lùa trâu lên bãi rồi nhìn nhau, miệng cười mà bụng lo ngay ngáy.
Có những hôm gặp chiều mát, chúng thả diều tới khi trăng lên, để người lớn ra gọi mới chịu thu diều về, hẹn nhau ngày mai lại tiếp tục cuộc chơi.
Những năm gần đây trên thị trường đồ chơi trẻ em xuất hiện những con diều làm bằng nilon hoặc giấy tráng kim do Trung Quốc sản xuất. Những con diều kiểu này khá đa dạng về hình dáng, chủng loại: diều cá mập, diều con bướm, diều siêu nhân, diều máy bay… có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.
Nhưng theo những người thường xuyên chơi diều thì độ bền của những chiếc diều này không được tốt, diều khó thả và bay không cao bằng những chiếc diều truyền thống tự làm. Mặt khác, so với những con diều do chính tay mình làm ra, khi thả những chiếc diều sặc sỡ, mua sẵn trên thị trường, sự thú vị đã giảm đi ít nhiều.
Ở thành phố, việc thả diều cũng tiềm ẩn những nguy hiểm khi các em thả diều ngay trên vỉa hè, lòng đường, bên trên là các dãy nhà cao tầng, dây điện chằng chịt, nếu diều vướng vào dây điện, nguy cơ cháy nổ do chập điện rất có thể xảy ra. Việc cấm trẻ em thả diều trong thành phố đã được nhiều nơi thực hiện.
Mặt khác, cũng phải nhận thấy rằng, chương trình học tập trên lớp rồi việc học thêm và áp lực thi cử đã ngốn hết thời gian của học sinh. Ngày càng khiến cho các em không còn đâu những giây phút thảnh thơi thư thái cùng cánh diều vi vu.
Bên cạnh đó, sự lấn át của các phương tiện giải trí nghe, nhìn hiện đại như: trò chơi điện tử, internet hay những tập truyện tranh nhiều màu đã khiến cho không ít trẻ em không mầy mặn mà với những cánh diều truyền thống.
Có lẽ vì vậy mà bây giờ, ít có cậu bé nào ở thành thị còn lưu lại được trong ký ức tuổi thơ sâu nặng hình ảnh một cánh diều chấp chới giữa nền trời xanh. Những bàn tay chẻ tre, khoét sáo, dựng khung diều, dán giấy diều đã được thay thế bằng những bàn tay gõ nhanh như múa trên bàn phím vi tính.
Xã hội đã có sự biến đổi, trẻ em ngày nay đã có đầy đủ điều kiện hơn về cả vật chất và khoa học kỹ thuật để phát triển tài năng, trí tuệ. Nhưng đời sống tâm hồn của trẻ sẽ được cân bằng hơn nếu trẻ có được những sân chơi bổ ích để thư giãn, vui chơi.
Hãy để mỗi trẻ em được giữ lại cho mình những ký ức tuổi thơ êm đềm từ thú chơi thả diều mang lại. Còn với riêng tôi, cánh diều ngày xưa của tuổi thơ hồn nhiên đầy ước vọng giờ chỉ còn là những ký ức xa xăm!
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)
LTS Dân trí - So với thời trước, trẻ em ngày nay có điều kiện đầy đủ hơn nhiều về đời sống vật chất nhưng đời sống tinh thần, nhất là việc nuôi dưỡng tâm hồn có phần nghèo nàn đi.
Các em ít được cùng chúng bạn chơi những trò chơi gần gũi với thiên nhiên như thi nhau làm diều và chơi diều vào những buổi chiều đẹp trời trên cánh đồng lộng gió…Nhìn những cánh diều tung bay trên trời cao và nghe những tiếng sáo vi vu, dìu dặt …tâm hồn các em thấy lâng lâng cùng bay bổng với cánh diều quê hương thân thuộc.
Phải chăng việc làm diều và chơi diều cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống, nên khuyến khích trẻ em ngày nay sáng tạo trong các hội thi “khéo tay hay làm”, nhất là vào dịp Tết Trung thu?