Bạn đọc viết:
Đâu rồi đạo đức, liêm sỉ?
(Dân trí) - Hết chen lấn rồi đến "hôi" bia, "hôi" dưa hấu, thậm chí cả trong vụ tai nạn đau thương sập mỏ đá Lèn Cờ… người ta cũng không tha “hôi của”… Những hình ảnh xấu xí cứ liên tiếp lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây.
Người dân “hôi” bia trong vụ tai nạn xảy ra trên cầu Bến Thủy, Nghệ An.
(Nguồn ảnh: Internet).
Điều đó không những làm mất đi nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt, mà còn chạm vào cái tôi sĩ diện với không biết bao nhiêu người khi chứng kiến những hình ảnh phản cảm.
Từ lon bia cho đến quả dưa hấu chẳng đáng là bao, nhưng hễ có cơ hội là họ sẵn sàng đổ ra đường bất chấp tai nạn hay ùn tắc giao thông để hôi của. Họ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để lượm nhặt, còn người bị nạn thì đành bất lực đứng nhìn, đành chịu buông xuôi khi người khác dẫm đạp lên nỗi đau của mình.
Nhìn hình ảnh này lại nghĩ đến những hình ảnh khác hẳn từ đất nước Nhật Bản
- nơi người dân dù có gặp hoạn nạn cũng không đi hôi của kiểu này.
(Nguồn ảnh: Internet).
Thiết nghĩ những người tham gia hôi của không những cướp của người bị nạn, mà còn là hành vi cướp đi mất công lao dạy dỗ của bao nhiêu bậc cha mẹ hàng ngày dạy con mình “nhặt được của rơi, đem trả lại cho người mất”. Khi trẻ em phải chứng kiến những hành vi như thế này, thì còn đâu là cái tình giúp nhau lúc hoạn nạn được dỗ dạy bởi những tấm lòng bao dung…
Ngược lại, những người dân Nhật Bản sau trận siêu động đất và sóng thần dẫn tới cảnh cùng cực, nhưng họ vẫn tử tế xếp hàng nhận cứu trợ. Hiện nay các cơ quan hành chính của Nhật lại nhận hàng trăm thứ đồ thất lạc, hàng chục triệu yên mỗi ngày từ chính những người mà hoàn cảnh của họ còn đang thiếu thốn trăm bề.
Dù phải chịu cảnh thay đổi bất ngờ cuộc sống từ giàu có sang nghèo khổ, đến muốn được mặc ấm ăn no người ta cũng phải lo xoay xở bằng cách này cách khác, nhưng vẫn luôn phải là "đói cho sạch, rách cho thơm".
Còn những hình ảnh “hôi của” không những làm tổn thương đến cái tôi sĩ diện với bao nhiêu người chứng kiến… mà còn tác hại trầm trọng hơn cho những thế hệ sau, khi sự “vô cảm” đó sẽ được đem ra áp dụng lại khi chính những con người đó không may gặp hoạn nạn.
Đặng Sa Linh