Đầu năm giá cả… “chặt và chém”!

(Dân trí) - Mồng 2 Tết đi lễ chùa Hà, ghé vào vỉa hè ăn tô bún ốc, khi đứng dậy thanh toán tiền tôi bị “chém” 40.000 đồng. Một số khách hàng phàn nàn về mức giá quá “chát” thì liền nhận được câu trả lời lạnh tanh của chủ hàng đó là… “Giá Tết mà!”.

Ăn bát bún xong mà thấy tiếc tiền vì nó đâu có ngon, có chất lượng cao đã đành, đằng này chỉ có một nhúm bún cùng mấy con ốc to cắt nhỏ và chỉ khoắng vài đũa đã hết. Ăn rồi, lại còn sợ đau bụng thì bị xui cả năm vì bún bán vỉa hè có chắc gì bảo đảm vệ sinh!
 
Vâng, quả là có quá nhiều hàng kinh doanh ăn, uống không hề có lương tâm khi họ vin vào cớ… ngày Tết để tăng giá vô tội vạ chặt chém khách, trong khi mặt bằng giá cả của thực phẩm, rau cỏ Tết này không hề “sốt” giá như mọi năm. Mấy đứa bạn tôi còn phàn nàn rằng các hàng bán bún ốc trên khu phố cổ còn lấy của khách những 50.000 đồng/bát. Bún riêu cua giá cũng trên dưới 40.000 đồng/bát…
 
Cô em họ tôi, từ miền Nam ra Bắc thăm Tết bà con họ hàng kể: “Em ăn bánh cuốn cà cuống ở phố Bảo Khánh có mỗi đĩa nhỏ xíu cùng mấy lát chả quế vậy mà hết những 60.000 đồng…”.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cô em tôi còn kêu trời khi đi ăn hải sản ở phố Mai Hắc Đế vì những ngày đầu năm mới này họ lấy giá đắt gấp hai, thậm chí ba lần ngày thường. Thông thường đi ăn nhà hàng, mấy ai hỏi giá trước nên khi ăn xong rồi thì phải chịu những cái giá… trên trời mới thấy xót xa và ấm ức!
 
Ngay cả những hàng đồ uống như: nước trà, điếu thuốc vỉa hè, các chủ quán cũng nhân cơ hội Tết để nâng giá lên nhằm tăng nguồn thu nhập. Hôm mồng Một vừa rồi, đi lễ ở Bia Bà (Hà Đông), gia đình tôi còn bị “chém” bằng trà nóng khi mỗi cốc chủ quán lấy giá 5.000 đồng… vậy mà khi đứng dậy thanh toán tiền vẫn phải cười vì đầu năm mới chẳng nhẽ lại cãi nhau e không hay ho chút nào!
 
Với các hàng ăn, uống thì việc chủ nhân tự ý tăng giá bán đã luôn… là cái lẽ của dịp Tết, song nhiều loại hình dịch vụ khác, mà tiêu biểu là dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy thì chao ôi nó cũng đã trở thành căn bệnh mãn tính khi Tết đến là giá lại tăng vòn vọt, khiến người dân chóng mặt và chẳng biết thế nào mà lần!
 
Ở các tụ điểm có “truyền thống” là chặt chém khách như: Công viên Thủ Lệ, bảo tàng Dân tộc học, Bia Bà, Phủ Tây Hồ…thì Tết nào khách chẳng phải chịu những cái giá cắt cổ từ 10.000 đồng - 30.000 đồng/xe máy và 5 - 10.000 đồng/xe đạp là chuyện bình thường.
 
Nói chung là chủ dịch vụ nhìn khách để lấy giá trông giữ. Nếu khách hàng mà nhuôm nhếch, quê mùa thì việc bị “chém” là không thể tránh được. Khi có thắc mắc, cãi nhau thì chủ dịch vụ luôn là người thắng thế…
 
Để tránh phiền toái cũng như bị chặt chém quá đáng vào dịp đầu năm mới thì người dân khi đi du xuân, ăn uống, gửi xe cộ hoặc mua bán một mặt hàng gí đó… hãy đừng ngại thoả thuận, hỏi giá cả trước…
 
Duy Hoàng
(Đại Học Luật Hà Nội)
 
LTS Dân trí - Tết năm nay, có điều đáng biểu dương là ngành thương nghiệp giữ được giá ổn định đối với các mặt hàng thực phẩm, nhưng các lọai dịch vụ phục vụ ăn uống hay trông giữ xe vẫn tăng vọt với cái “giá chặt chém” khách hàng như bài viết trên đây đã phản ảnh.
 
Đúng là giá cả dịch vụ phục vụ ngày Tết phải cao hơn ngày thường, vì người bán hàng hoặc trông giữ xe phải bỏ cả Tết vì công việc mưu sinh, nhưng không nên cao vọt đến mức gấp năm gấp mười ngày thường. Tăng đến mức nào là thỏa đáng để cả bên bán và bên mua có thể chấp nhận và cùng vui vẻ. Các nhà quản lý cũng nên có biện pháp can thiệp để bảo đảm cho các họat động dịch vụ được thuận lợi trong dịp Tết, đáp ứng các yêu cầu đi lại cũng như ăn uống của mọi người đi thăm thú, vãn cảnh chùa chiền trong dịp đầu xuân.