Dấu hiệu nhiều tội danh vụ nữ sinh 15 tuổi chết trên đường sau vụ loạn đả

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài tội Gây rối trật tự công cộng, có thể xem xét dấu hiệu của 2 tội danh khác liên quan tới các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Liên quan tới vụ nữ sinh T. (15 tuổi, ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tử vong trên đường tại khu vực TP Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết nguyên nhân sự việc xuất phát từ vụ ẩu đả, hỗn chiến giữa nhiều thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 19. 

Theo đó, khuya 2/12, 7 thanh niên ở huyện Thạch Hà đi trên 3 xe máy tới khu vực TP Hà Tĩnh. Đi qua khu vực xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh), nhóm này xảy ra mâu thuẫn và rượt đuổi xe máy do Ngô Huy T. (15 tuổi) điều khiển chở theo nữ sinh T. và nam thanh niên B. 

Sau khi mất dấu Huy T., nhóm thanh niên về nhà lấy 2 thanh kiếm rồi đi lòng vòng các tuyến đường TP Hà Tĩnh truy tìm thiếu niên này. Tới đường Lê Hồng Phong, hai nhóm thanh niên chạm mặt, rượt đuổi và dùng vỏ chai bia ném vào nhau. Khi Huy T. tăng ga bỏ chạy, nữ sinh T. và thanh niên B. ngồi sau bị ngã, rơi xuống nền đường khiến nữ sinh T. tử vong còn B. bị thương vùng mặt, đang điều trị tại bệnh viện. 

Với hàng loạt diễn biến hành vi như trên, nhóm thanh niên có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật? 

Dấu hiệu nhiều tội danh vụ nữ sinh 15 tuổi chết trên đường sau vụ loạn đả - 1

Hình ảnh hiện trường nơi nữ sinh T. tử vong (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi của nhóm thanh niên thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của người khác và cần bị xử lý nghiêm nhằm tạo tính răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự có thể tái diễn trong xã hội. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận có 2 khách thể đã bị xâm phạm trong sự việc trên, đó là an ninh trật tự xã hội và sức khỏe, tính mạng của nữ sinh T. Do đó, có thể xem xét, đánh giá dấu hiệu của 2 tội danh đối với sự việc này. 

Thứ nhất, với nhóm hành vi bao gồm sử dụng hung khí náo loạn các tuyến phố, rượt đuổi nhau trên đường hay cầm chai bia tấn công đối thủ, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" đối với tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, hành vi gây rối trật tự công cộng nếu thuộc các trường hợp như gây ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; gây thiệt hại tài sản từ 10 triệu đồng trở lên; cản trở sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức hay làm chết người... thì người thực hiện hành vi có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Đối với trường hợp này, việc hai nhóm thanh niên sử dụng hung khí là kiếm, vỏ chai bia để truy lùng, rượt đuổi, tấn công nhau trên phố đã xâm phạm nghiêm trọng tới an ninh trật tự địa phương và là nguyên nhân dẫn tới hậu quả chết người. Bởi vậy, có cơ sở để xem xét dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng. 

Theo khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt của tội danh này trong trường hợp thuộc các tình tiết định khung như có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách là 2-7 năm tù. 

Dấu hiệu nhiều tội danh vụ nữ sinh 15 tuổi chết trên đường sau vụ loạn đả - 2

6 thanh niên liên quan tới vụ việc (Ảnh: Công an cung cấp).

Thứ hai, với khách thể thứ 2 bị xâm phạm trong vụ việc là sức khỏe, tính mạng của người khác, mà cụ thể ở đây là tính mạng của nữ sinh T. và sức khỏe của nam sinh B., có thể thấy thiếu niên điều khiển xe máy mới 15 tuổi, tức chưa đủ điều kiện tham gia giao thông nhưng vẫn cố tình chạy xe ra đường. Với việc gây ra hậu quả làm chết người, cơ quan điều tra sẽ tập trung xác minh dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 đối với thiếu niên này. 

Theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người tham gia giao thông không có giấy phép lái xe theo quy định, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả chết người có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khung hình phạt của tội danh này là 3-10 năm tù. 

Do đây là hành vi thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng nên người thuộc nhóm từ đủ 14 tuổi tới dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi áp dụng khung hình phạt, căn cứ Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt áp dụng đối với trường hợp này sẽ không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. 

Còn trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (trừ một số tội danh đặc biệt theo luật định), có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật này thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, căn cứ khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối với trường hợp của thiếu niên 15 tuổi chở nạn nhân, nếu được xác định có lỗi khi điều khiển phương tiện dẫn tới hậu quả làm chết người, không có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không khắc phục được phần lớn hậu quả thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngược lại, trường hợp người vi phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ và chủ động khắc phục phần lớn hậu quả, có thể xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ dấu hiệu của hành vi Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 đối với người đã giao xe máy cho thiếu niên này tham gia giao thông, dẫn tới hậu quả chết người (nếu có). 

Đối với nhóm thanh niên cầm kiếm rượt đuổi xe máy của thiếu niên 15 tuổi, cần làm rõ việc nhóm này gây sức ép như thế nào ở thời điểm thiếu niên 15 tuổi tăng ga bỏ chạy và có tác động trực tiếp dẫn tới việc nạn nhân bị ngã xuống đường hay không, từ đó xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật.