Dấu ấn Báo Dân trí trong hàng trăm kỳ báo điều tra làm sáng tỏ oan sai, tiêu cực
(Dân trí) - Năm 2018, Báo Dân trí đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc cả nước với hàng trăm kỳ báo điều tra quyết liệt, đeo bám giải quyết tận cùng hàng loạt vụ việc. Trong đó, nhiều vụ án oan sai được làm rõ, cán đích trong sự vui mừng tột độ và nhiều vụ việc tiêu cực, sai phạm bị lật tẩy, các đối tượng phạm tội phải cúi đầu trước vành móng ngựa.
Hơn 60 kỳ báo điều tra lần theo dấu vết vụ cổ phần hoá lạ kỳ tại Công ty Hacinco
Tham gia mua cổ phần của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (HACINCO) với số tiền đã thanh toán xong là hơn 21 tỷ đồng từ năm 2005. Tuy nhiên, suốt 10 năm, dù “tiền tươi” đã chuyển hết nhưng các nhà đầu tư lại “sống dở chết dở” vì vô vọng đi “đuổi vịt trời”. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã phải “tán gia bại sản”, gia đình ly tán, cuộc sống bị dồn đến bước đường cùng sau thương vụ ly kỳ không thể tưởng tượng này.
Sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu của các nhà đầu tư, Báo Dân trí đã vào cuộc điều tra, đăng tải thông tin ròng rã trong suốt hơn 60 kỳ báo để dần làm sáng tỏ sự việc, quyết bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như của người lao động.
Đặc biệt, các nhóm lợi ích đã được làm sáng tỏ đưa ra công luận. Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Giám đốc Công ty Hacinco đã được Công an TP Hà Nội kết luận điều hành doanh nghiệp liên tục thua lỗ và để người nhà thân quen mua gom cổ phiếu ưu đãi và góp vốn khống gây bức xúc dư luận và các nhà đầu tư.
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ quyền lợi nhân dân có những giai đoạn vô cùng căng thẳng. Ví như khi Thanh tra Chính phủ ban hành dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra cổ phần hóa tại Hà Nội và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, nhận thấy sự bất thường trong nội dung dự thảo này, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương đã có công văn hỏa tốc gửi Thanh tra Chính phủ “tuýt còi” ngay chỉ rõ một số điểm bất hợp lý.
Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp yêu cầu nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc này.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tại Công ty HACINCO khiến các nhà đầu tư, những người lao động cũng như dư luận xã hội đã theo dõi vụ việc cổ phần hóa tai tiếng này rất phấn khởi và hi vọng vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật sau hơn một thập kỷ mòn mỏi chờ đợi.
Lật tẩy thủ đoạn “băm nát” đảo ngọc Phú Quốc
Xây dựng không phép tràn lan, “xẻ thịt” đất nông nghiệp ồ ạt để phân lô bán nền, giá đất bị thổi lên gấp chục lần, dùng giang hồ tranh chấp đất đai… trong khi chính quyền buông lỏng quản lý khiến hòn “đảo ngọc” Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bị băm nát.
Có mặt tại huyện đảo Phú Quốc, PV Dân trí đã có loạt bài điều tra gần 10 kỳ báo ghi nhận tình trạng san lấp, phân lô bán nền ồ ạt đang diễn ra. Hàng chục ha đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” để làm dự án, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Nơi được mệnh danh là “đảo ngọc” đang trở thành đại công trường với những dự án cực “khủng”.
Điều đáng nói, việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp diễn ra rầm rộ nhưng chính quyền địa phương lại không nắm bắt được. Điều này khiến dư luận “băn khoăn” có hay không việc buông lỏng quản lý, làm ngơ trước sai phạm.
Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí, UBND tỉnh Kiên Giang đã lập tức vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ sự việc. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng đã phải ký công văn số 223, gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) về việc tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu phân lô, bán nền.
Cùng đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang có biện pháp chấn chỉnh ngay công tác quản lý đất đai và xây dựng, đảm bảo việc sử dụng đất nông nghiệp, rừng đúng mục đích, đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngăn chặn tình trạng mua đất đai và xây dựng trái phép.
Hành trình giải cứu hàng trăm hộ dân mắc kẹt trong dự án treo giữa thủ đô
Hành trình giải cứu hàng trăm hộ dân mắc kẹt trong dự án treo giữa thủ đô
Gần 200 hộ dân sinh sống ổn định đã trên dưới 30 năm tại tổ dân phố số 1, phường Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, TP Hà Nội nhiều năm kêu cứu vì cho rằng bị “giam lỏng” trong dự án quy hoạch bất khả thi.
Tiếp nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân, PV Dân trí đã có mặt tại khu dân cư, trực tiếp lắng nghe và thông tin những nỗi niềm và bức xúc của người dân.
Gần 20 kỳ báo điều tra đã được báo Dân trí đăng tải làm rõ những góc khuất trong sự việc và nỗi khốn khổ của người dân.
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có Công văn gửi Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm. Công văn truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Chủ tịch quận Nam Từ Liêm đề xuất biện pháp giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 30/9/2017.
Mặc dù chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là vậy nhưng các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn vẫn “bình chân như vại”. Với sự phản ánh quyết liệt của báo Dân trí, ngày 4/6/2018, UBND quận Nam Từ Liêm có công văn gửi Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội về việc kiểm tra, rà soát khu đất các hộ dân tổ dân phố số 1, phường Mễ Trì.
Sau khi khảo sát, xem xét nhu cầu sử dụng đất thực tế của địa phương, UBND phường Mễ Trì đã kiến nghị UBND quận Nam Từ Liêm: Phần diện tích đất có nguồn gốc là đất dịch vụ do UBND xã Mễ Trì giao trái thẩm quyền cho 22 hộ dân từ trước năm 1993 làm đất dịch vụ có thu tiền sử dụng đất và trường hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hồng đã tự sử dụng làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 nằm trong quy hoạch mở rộng đường Lương Thế Vinh nhưng chưa có quyết định hoặc thông báo thu hồi của cơ quan có thẩm quyền đề nghị được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Sau hàng chục năm mong chờ, những hộ dân đầu tiên trong số hàng trăm hộ dân đã nhìn thấy tương lai vào một ngày không xa sẽ được cầm cuốn sổ đỏ trên chính mảnh đất mình đang sinh sống để yên tâm an cư lạc nghiệp.
Nhà báo Anh Thế và Trung Kiên thay mặt nhóm tác giả nhận giải C với loạt bài vụ áp thuế 5,7 tỷ chấn động.
Từ bằng khen của Bộ trưởng đến giải Báo chí Tài nguyên và môi trường sau 87 kỳ báo
Từ lá đơn cầu cứu khẩn thiết của cụ bà Đàm Thị Lích, 75 tuổi, người dân tộc Tày về việc bị áp thuế oan hơn 5,7 tỷ đồng, báo Dân trí khẩn trương vào cuộc. Loạt bài điều tra 87 kỳ báo được đăng trên chuyên mục Bạn đọc của Báo Dân trí đã nhanh chóng gây chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm của người dân cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo “nóng” Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TN&MT trực tiếp vào phối hợp, làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra ngay vấn đề báo Dân trí nêu.
Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của cụ bà 75 tuổi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng làm rõ và báo cáo Thủ tướng.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND huyện Đức Trọng cấp sổ đỏ diện tích 563,9 m2 cho cụ Đàm Thị Lích với mức thuế 0 đồng. Ngày 3/6/2016, cụ Đàm Thị Lích chính thức được nhận cuốn sổ đỏ sau hàng chục năm gian nan khiếu nại, cầu cứu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên &â Môi trường Trần Hồng Hà đã ký quyết định tặng bằng khen cho nhóm tác giả gồm 3 nhà báo tại báo điện tử Dân trí thực hiện điều tra kỳ án áp thuế oan 5,7 tỷ tại tỉnh Lâm Đồng gồm: Nhà báo Lý Thị Toàn Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, báo điện tử Dân trí; Nhà báo Nguyễn Anh Thế, Thư ký Tòa soạn, Trưởng ban Bạn đọc, báo điện tử Dân trí; Phóng viên Trần Trung Kiên, báo điện tử Dân trí”.
Tối ngày 28/8/2018, loạt phóng sự điều tra 87 kỳ báo vụ áp thuế 5,7 tỷ với 253m2 đất huyện của cụ bà 75 tuổi chấn động dư luận do nhóm tác giả báo Dân trí thực hiện đã vinh dự nhận giải C giải Báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên &â Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã trực tiếp trao giải cho nhóm tác giả báo Dân trí.
Song, niềm hạnh phúc nhất của nhóm tác giả Dân trí khi ròng rã thực hiện loạt bài điều tra 87 kỳ báo là nụ cười của cụ bà 75 tuổi khi cầm cuốn sổ đỏ trên tay và chung tay giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự quyết liệt, sự chỉ đạo sáng suốt của một Chính phủ liêm chính, vì nhân dân.
Anh Thế - Ngọc Hân