Đất danh thắng bị huyện cấp sổ đỏ cho cá nhân sử dụng tại Thanh Hoá

(Dân trí) - Dù đất nằm trong khu di tích thắng cảnh Phố Cát (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) thế nhưng không hiểu vì lý do gì, 17 năm trước, 1 hộ cá nhân bất ngờ được UBND huyện này cấp sổ đỏ sử dụng vô thời hạn.

Cấp sổ đỏ đất di tích cho dân xây nhà nghỉ, kinh doanh

Theo tìm hiểu, khu di tích thắng cảnh Phố Cát bao gồm hệ thống đền, hang động, thác, núi non, hồ và rừng cảnh quan được công nhận là danh thắng cấp tỉnh vào năm 1998 và được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp đổi bằng xếp hạng di tích thắng cảnh năm 2013.

Đến năm 2003, UBND huyện Thạch Thành bất ngờ cấp sổ đỏ vô thời hạn 1,5 ha nằm trong đất di tích (vùng 1 danh thắng Phố Cát) cho hộ ông Nguyễn Văn Huế (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành).

Sau khi được cấp sổ đỏ, gia đình ông Huế đã tự ý cho xây dựng tràn lan các công trình như xây bờ đập ngăn thác Voi, xây nhà chòi, hệ thống các nhà nghỉ... làm biến dạng toàn bộ khu vực thác Voi.

Đất danh thắng bị huyện cấp sổ đỏ cho cá nhân sử dụng tại Thanh Hoá - 1
Đất danh thắng bị huyện cấp sổ đỏ cho cá nhân sử dụng tại Thanh Hoá - 2

Công trình được ông Huế xây dựng trên đất di tích.

Đến năm 2016, khi UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành khẩn trương lập quy hoạch xây dựng khu vực du lịch thác Voi (xác định vị trí và cắm mốc giới), lúc này, việc cấp đất cho hộ gia đình ông Huế mới được cơ quan chức năng phát hiện.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình ông Huế và để hộ này xây dựng các hạng mục trong khu vực thác Voi là vi phạm nghiêm trọng đến khu vực bảo vệ bao quanh di tích, vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Văn bản số 6091/SXD-HT ngày 16/10/2018 của Sở Xây dựng nêu rõ: Đề nghị UBND huyện Thạch Thành thu hồi sổ đỏ đã cấp, đồng thời phối hợp với gia đình ông Nguyễn Văn Huế kiểm điểm, tháo dỡ những hạng mục công trình xây dựng vi phạm trên khu đất, hoàn trả lại mặt bằng, đền bù các tài sản trên đất theo quy định; kiểm tra xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm.

Còn tại văn bản số 3154 ngày 24/10/2018, Sở VHTT&DL Thanh Hóa khẳng định: Việc UBND huyện Thạch Thành cấp 14.666m2 đất thuộc di tích thắng cảnh Phố Cát cho gia đình ông Nguyễn Văn Huế sử dụng vào mục đích kinh doanh tổng hợp tại giấy chứng nhận quyền sử dung đất số V373003 ngày 19/6/2003 là vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa. Đề nghị UBND huyện Thạch Thành thu hồi diện tích Thác Voi đã cấp sai quy định cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huế sử dụng vào mục đích kinh doanh tổng hợp.

Đất danh thắng bị huyện cấp sổ đỏ cho cá nhân sử dụng tại Thanh Hoá - 3

Sau khi được cấp sổ đỏ, ông Huệ tự ý xây bờ đập ngăn thác Voi.

Được biết, người ký cấp sổ đỏ cho gia đình ông Huế là ông Lê Văn Đốc, thời điểm đó giữ chức Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành.

Huyện nghi ngờ Sở Xây dựng!

Mặc dù, sau khi sự việc được phát hiện vào năm 2016, Sở Xây dựng đã kết luận việc cấp đất cho gia đình ông Huế là trái quy định  đề nghị thu hồi, thế nhưng đến nay, UBND huyện Thạch Thành vẫn không xử lý dứt điểm việc này.

Đáng nói, đến khi các ngành chức năng yêu cầu cần sớm công bố quy hoạch chi tiết bảo vệ, kêu gọi đầu tư thì ngày 17/9/2018, UBND huyện Thạch Thành có văn bản gửi Sở VHTT&DL đề nghị đưa thác Voi ra khỏi danh mục hệ thống di tích thắng cảnh Phố Cát do việc thu hồi đất cấp cho hộ gia đình ông Huế là khó thực hiện và không khả thi.

Đất danh thắng bị huyện cấp sổ đỏ cho cá nhân sử dụng tại Thanh Hoá - 4

Khu vực thác Voi bị xâm hại nghiêm trọng!

Tuy nhiên, đề nghị trên đã được Sở VHTT&DL, Sở Xây dựng, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa không đồng ý do thác Voi là một địa điểm quan trọng trong danh thắng Phố Cát, cần được gìn giữ, bảo tồn để phát huy giá trị.

Ông Trần Bá Sơn, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành cho biết, trong hồ sơ lý lịch xếp hạng và biên bản, bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích thắng cảnh Phố Cát năm 1998 do Bảo tàng Thanh Hóa lập không thể hiện rõ tên thác Voi và diện tích cụ thể mà chỉ thể hiện là “đồi thác Voi”, vì thế việc quản lý bảo vệ gặp nhiều bất cập.

“Diện tích đất cấp cho ông Huế trước đây là đất lâm nghiệp, năm 2002 ông này mua lại của dân và được cấp sổ đỏ vào năm 2003. Việc cấp đất cho hộ gia đình ông Huế thời điểm đó được áp dụng theo Luật đất đai năm 1993 nên không xác định thời hạn. Chúng tôi được biết khu vực thác Voi đã được nằm trong khu vực được kinh doanh dịch vụ thời điểm đó, thế nhưng quy hoạch đến giờ tìm vẫn không thấy”- ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, bây giờ muốn thu hồi sổ đỏ của gia đình ông Huế thì UBND tỉnh Thanh Hóa phải chỉ đạo huyện kiểm tra làm rõ việc này, khi kiểm tra nếu có sai thì sẽ thực hiện theo quy định, chứ giờ đùng đùng ra thu hồi đến lúc sai thì sao.

“Việc Sở Xây dựng nói chỉ là 1 ý kiến, chưa thể khẳng định đó là đúng được nên phải có chỉ đạo của UBND tỉnh”- ông Sơn khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Bình Minh