Bạc Liêu:

Đất có sổ đỏ gần 20 năm, tòa vẫn tuyên trả cho người khác

(Dân trí) - Được cha mẹ cho đất nên ông Cam đi làm sổ đỏ. Tuy nhiên, sau khi mẹ mất, cha ông Cam lại kiện ông ra tòa đòi lại đất. Các cấp tòa xử buộc ông Cam trả đất một cách không thuyết phục.

Ông Nguyễn Văn Cam (SN 1960, ngụ tại ấp Ngọn, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Ông có diện tích đất 46.100m2 gồm 6 thửa 0314, 0317,0326, 0375, 0380, 0398 thuộc tờ bản đồ số 19 tọa lạc tại địa chỉ trên. Diện tích đất này theo trình bày của ông Cam, một phần là do cha mẹ ruột khai phá, tạo lập và một phần do ông chuyển nhượng lại từ người khác.

Theo ông Cam, ông là con út trong nhà và ở với cha mẹ nên năm 1993, ông được cha mẹ cho toàn bộ phần đất do ông bà tạo lập. Việc cho này không thể hiện bằng văn bản nhưng lại được thể hiện bằng việc ông đăng ký cấp GCNQSDĐ vào tháng 7/1993 và được UBND huyện Hồng Dân cấp GCNQSDĐ ngày 2/1/1996 theo Quyết định số 174/QĐ.UB ngày 29/6/1994 của UBND huyện này.

Đơn xin cấp sổ đỏ của ông Cam.
Đơn xin cấp sổ đỏ của ông Cam.

Đơn xin cấp sổ đỏ của ông Cam.
Danh sách làm sổ đỏ (trong đó có tên ông Nguyễn Văn Cam, dấu nhân đỏ) mà ngành chức năng huyện Hồng Dân lập.

...và sổ đỏ mà UBND huyện Hồng Dân cấp cho ông Cam.
...và sổ đỏ mà UBND huyện Hồng Dân cấp cho ông Cam.

Năm 2002, sau khi mẹ ruột là bà Phạm Thị Bảy mất, ông Cam bị cha ruột là ông Nguyễn Văn Được khởi kiện đến TAND huyện Hồng Dân yêu cầu ông phải trả lại 32.976m2 đất thuộc các thửa 375, 380, 317, 326, 325 cho ông Được. Vụ kiện được TAND huyện Hồng Dân đưa ra xét xử 2 lần nhưng đều bị tòa phúc thẩm hủy án vì vi phạm thủ tục tố tụng nên hồ sơ được TAND tỉnh Bạc Liêu rút về tỉnh thụ lý.

Ngày 26/6/2012, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện của ông Được. Tại tòa, ông Nguyễn Văn Bốn (con ông Được, người được ông Được ủy quyền) cho rằng: Đất ông Cam đang quản lý sử dụng là đất do ông Được và vợ khai phá. Năm 1997, ông Được cho vợ chồng ông Cam thuê và ông Cam đóng lúa cho ông Được đến năm 2002 thì không đóng nữa. Vì vậy, ông Được khởi kiện buộc ông Cam phải trả tiền thuê đất là 60 triệu đồng và trả lại đất cho ông với tổng diện tích 27.123,3m2. Theo ông Bốn, sở dĩ có diện tích đất như vậy là vì diện tích đất 4.920m2 thuộc các thửa 325 và 326 là đất do ông Cam chuyển nhượng của người khác nên ông không yêu cầu trả lại.

Còn ông Nguyễn Văn Cam trình bày: Năm 1993, ông được cha mẹ là ông Được và bà Bảy cho 43.500m2 đất, ông chuyển nhượng thêm 2.600m2, tổng cộng là 46.100m2, được UBND huyện Hồng Dân cấp sổ đỏ năm 1996. Việc cấp sổ đỏ này cha mẹ đều biết vì ở chung trong gia đình với ông. Ông không thuê đất như trình bày của ông Bốn nên ông không đồng ý trả đất cũng như trả tiền thuê đất. Diện tích đất được cấp sổ đỏ, ông Cam đã cho ông Nguyễn Minh Luân và vợ là bà Trần Thúy Hằng 1.260m2.

Theo nhận xét của Hội đồng xét xử, ông Cam cho rằng ông được cha mẹ cho đất nên ông đã kê khai năm 1993 và được cấp sổ đỏ năm 1996 nhưng trước khi ông kê khai thì quyền sử dụng đất là của ông Được và bà Bảy. Vì vậy, ông Cam phải được cha mẹ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật. Tòa cũng cho rằng, theo qui định của Luật đất đai năm 1993 và Nghị định 88-CP của Chính phủ ngày 17/8/1994 thì ông Được và bà Bảy là người được xem xét cấp sổ đỏ chứ không phải là ông Cam.

Từ đó, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên: Buộc ông Nguyễn Văn Cam phải trả lại cho ông Nguyễn Văn Được 20.943,3m2 thuộc các thửa 317, 375, 380; không chấp nhận yêu cầu của ông Được buộc ông Cam trả tiền thuê đất là 60 triệu đồng. Đồng thời, Tòa cũng buộc ông Được trả cho ông Cam 315.000đ cho 35 cây tràm có đường kính gốc trên 10cm (mỗi cây 9.000đ). Đây là số tràm ông Cam trồng trên đất của mình từ mấy chục năm qua nhưng Tòa cho rằng đó là đất của ông Được.

Không đồng ý với bản án của TAND tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Cam kháng cáo đến TAND Tối cao. Ngày 3/5/2013, TAND Tối cao tại TPHCM đã xử phúc thẩm vụ kiện và tuyên “Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn Cam; Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 02/2012/DSST ngày 26/6/2012 của TAND tỉnh Bạc Liêu”.

Ông Cam chỉ phần đất mà tòa tuyên ông phải trả cho ông Được.
Ông Cam chỉ phần đất mà tòa tuyên ông phải trả cho ông Được.

Ông Nguyễn Văn Cam bức xúc: “Đất cha mẹ cho tôi và tôi đã được UBND huyện Hồng Dân cấp sổ đỏ năm 1996. Từ đó cho đến ngày cha tôi đòi đất, không ai khiếu nại hay tranh chấp gì cả. Vậy mà tòa vẫn quyết buộc tôi phải trả lại đất cho cha tôi khi cha tôi đã mất từ năm 2012. Trong vụ này, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều vi phạm trong thủ tục tố tụng và nội dung”.

Cụ thể, theo ông Cam, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng, ngày 22/2/2012, ông Nguyễn Văn Được ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bốn tham gia tố tụng nhưng khi ông Cam xin cung cấp bản sao giấy ủy quyền thì tòa sơ thẩm và phúc thẩm từ chối cung cấp và chỉ cung cấp cho ông giấy ủy quyền ông Được ký ngày 3/5/2006. Tuy nhiên, trong giấy ủy quyền này cũng chỉ ghi nội dung đồng ý ủy quyền cho ông Bốn tham gia phiên tòa chứ không ủy quyền về việc quyết định các nội dung tại phiên tòa.

Cũng theo ông Cam, ông Được mất ngày 5/8/2012, nghĩa là trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra thì giấy ủy quyền của ông Được ủy quyền cho ông Bốn hết hiệu lực theo điểm c, khoản 2, Điều 147 Bộ Luật dân sự. Hơn nữa, quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Được chưa được tất cả các đồng thừa kế thống nhất ủy quyền cho một người nào thì tòa phải tạm đình chỉ vụ án nhưng ở đây, tòa vẫn tiến hành xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Một vấn đề khác, ông Cam cho biết mẹ ông mất năm 2002, đến năm 2004 cha ông đòi lại toàn bộ diện tích đất, trong đó có cả phần của mẹ ông là không đúng quy định của pháp luật. Vậy mà tòa vẫn chấp nhận yêu cầu đó là không đúng. Ngoài ra, theo ông Cam và hồ sơ vụ kiện cho thấy, vào tháng 5/2004, ông Được kiện ông Cam đòi lại đất, điều này thể hiện rõ trong biên bản hòa giải tại ấp Ngọn ngày 15/5/2004 nhưng trong phán quyết của tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm cho rằng “Ông Được đã nộp tạm ứng án phí 100.000 đồng ngày 13/7/2003”.

Chỉ cho chúng tôi rừng tràm hàng trăm cây có đường kính gốc từ 10cm đến trên 20cm, ông Cam nói: “Tràm của tôi có trên 350 cây đã lớn, nhiều người trả tôi một cây mấy trăm ngàn, thậm chí có một số cây họ trả tiền triệu nhưng tôi không bán. Vậy mà tòa kiểm đếm chỉ có 35 cây và định giá 9.000 đồng/cây. Thật là hài hước và vô lý. Hiện nay rừng tràm còn nguyên vẹn chứ chưa chặt đi một cây nào”.

Ông Cam bên vườn tràm hàng trăm cây nhưng tòa chỉ đến được...35 cây.
Ông Cam bên vườn tràm hàng trăm cây nhưng tòa chỉ đến được...35 cây.

Ông Nguyễn Văn Cam cho biết thêm: “Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử không khách quan, gây thiệt thòi rất lớn đến quyền và lợi ích của gia đình tôi. Vì vậy, tôi đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ kiện này”.

                                                                                    Bạch Dương - Huỳnh Hải