Đạo làm thầy
Trong câu thành ngữ “Ho ra bạc, khạc ra tiền”, chữ “ra” cho ta một hình ảnh, một khái niệm về sự dễ dàng, đơn giản: Trong khi hầu hết mọi người đều vất vả “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mới kiếm được “đồng tiền còm”; thì có người chỉ “ho”, thậm chí chỉ “khạc” cũng có tiền tiêu!
Nhưng trong những câu sau đây thì chữ "ra" lại nói lên sự phấn đấu, sự nỗ lực mới có được: "học ra học - trò ra trò"; hoặc câu: "dạy ra dạy - thầy ra thầy"...
Thế đấy! Nhiều khi cùng một chữ mà ý nghĩa thâm thúy của chữ lại rất khác nhau, tùy theo ngữ cảnh được sử dụng.
Ngày xưa, khi các cụ nói: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", chắc là khi ấy, sự nỗ lực truyền thụ kiến thức cho Trò, của người Thầy là lớn lao lắm. Dạy một chữ cũng dậy hết lòng; dạy nửa chữ cũng dạy hết tâm sức - hình ảnh đồng tiền không hề chen vào đây! Chữ "Sư" gắn chặt với chữ "Đạo" - "tôn Sư trọng Đạo", chính vì lẽ ấy!
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Ngày nay, bên cạnh đại đa số "Thầy ra Thầy", thì cũng có khá nhiều Thầy chưa thật... ra Thầy! Thầy mà cũng "chạy sô" hết "lò" luyện thi này, sang "lò" luyện thi kia. Không chỉ thế, ca sĩ có "đầu nậu" của ca sĩ, thì thầy giáo cũng có "đầu nậu" của thầy giáo! Ca sĩ đua nhau tiếp thị, "lăng xê"; thì "giáo sư" chạy xô cũng dán quảng cáo khắp nơi!
Cũng có người lý giải: "Xin đừng thần thánh hóa người thầy! Thầy gì thì cũng phải sống, phải nuôi con nuôi cháu! - Cơm áo không đùa với giáo sư!". Nói thế thì đúng quá, nhưng là cái "đúng" với người thường, nghề thường; không đúng với người "mô phạm", nghề "sư phạm"! Đó chính là sự khác biệt cơ bản giữa "Đạo" và "Đời" vậy!
Một khi ai đó đã "dấn thân" vào nghề dậy học, thì trước tiên phải dám chấp nhận cái "Đạo làm Thầy" cao cả. Không dám chấp nhận, xin không chọn nghề sư phạm! Điều này cũng giống như, là Đảng viên, nhưng lại chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, gia đình mình thì làm sao chiếm được niềm tin yêu của dân chúng? Sớm muộn gì, những "Đảng viên" đó cũng trở thành bọn tham nhũng, bọn phá hoại Đảng! Những kẻ như thế, làm sao còn gọi là Đảng viên được nữa?!
Trong hoàn cảnh nào cũng cần chăm lo gìn giữ bằng được "Đạo làm Thầy". Trong cơ chế thị trường, mọi cái đều là hàng hóa, nhưng Đạo làm Thầy thì không! Điều này đương nhiên không chỉ phụ thuộc người Thầy, mà còn là trách nhiệm của xã hội, trong đó có phần cơ chế, chính sách!
Trần Huy Thuận
(Nam Định)
LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây đã bàn về “Đạo làm Thầy” với tất cả tâm huyết của mình. Nhưng theo quan niệm của không ít người thời nay thì cho rằng đó “Đạo làm thầy” của thời xưa, khi Đạo Khổng còn ngự trị và xác lập ngôi thứ hiển nhiên trong xã hội là Quân, Sư, Phụ và đương nhiên khi ấy cơ chế thị trường chưa lên ngôi.
Còn ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Nhưng nếu bình tâm mà suy nghĩ thì có một điểm không khác xưa, đó là việc học vẫn phải coi trọng như xưa hoặc hơn xưa, bởi vì chúng ta đang sống ở thời đại xây dựng xã hội học tập nhằm đáp ứng yêu cầu của nền văn minh trí tuệ. Và chỉ có ngày nay, sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo cũng như khoa học và công nghệ mới được nâng lên vị trí quốc - sách - hàng - đầu. Chúng ta cũng đã từng nhấn mạnh vai trò có ý nghĩa quyết đinh của đội ngũ Thầy Cô giáo đối với quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng toàn diện của sự nghiệp giáo dục. Câu nói “Thầy nào trò nấy” dường như đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi.
Vậy “Đạo làm Thầy” còn tồn tại hay không? Xin kính mời bạn đọc xa gần tham gia ý kiến!