Đạo đức nhà giáo

Gần đây, dư luận đang rộ lên câu chuyện một hiệu trường THPT ở Hà Giang xâm hại tình dục nhiều học sinh gái. Đấy là sự cố cá biệt nhưng làm cho dư luận xã hội công phẫn và có thể làm lệch đi cái nhìn về đạo đức nhà giáo nói chung.


Trong lịch sử nước ta, nhà giáo bao giờ cũng được nhân dân kính trọng. Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo. Đại đa số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều làm việc tận tụy, tâm huyết với nghề, có phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống tốt. Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn song đội ngũ giáo viên trong cả nước vẫn ngày đêm miệt mài trên bục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

 

Đã có hàng trăm, hàng ngàn giáo viên chấp nhận xa gia đình, bè bạn… lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Đã có biết bao người thầy không màng danh lợi, sống đạm bạc, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Không ít thầy cô giáo đã chia sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình nuôi học sinh nghèo học giỏi. Chính từ những hoạt động tưởng như bình thường ấy đã góp phần đem lại cho nền giáo dục nước nhà những bước tiến đáng mừng.

 

Nếu như trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, 95% dân số Việt Nam bị mù chữ thì đến năm 2000 các tỉnh, thành trong cả nước đã hoàn thành kế hoạch đạt mục tiêu về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Ngày càng nhiều học sinh Việt Nam được vinh danh trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Đó là những tấm gương sáng cho học sinh cả nước noi theo, có tác dụng tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

 

Rất tiếc trong khi đa số giáo viên vẫn tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của người thầy thì cũng có một bộ phận giáo viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Dư luận xã hội đang hết sức bất bình đối với một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên có biểu hiện thiếu gương mẫu, chưa tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thậm chí còn có những hành vi thô bạo, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh, vi phạm Luật Giáo dục, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Gần đây đang rộ lên câu chuyện một hiệu trường THPT xâm hại tình dục nhiều học sinh gái. Đấy là câu chuyện không thể ngờ tới gây sự công phẫn trong dư luận xã hội. Dù đây chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng dễ làm lệch đi cái nhìn về đạo đức nhà giáo nói chung. Những hiện tượng nói trên đã làm méo mó hình ảnh cao đẹp của người thầy, làm vẩn đục truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã được xây đắp từ công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ nhà giáo, góp phần khiến cho ngành giáo dục bên cạnh những thành tựu còn có nhiều yếu kém, khuyết điểm.

 

Trước tình trạng đó đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục cần phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay đang đặt ra cho ngành giáo dục những đòi hỏi bức thiết, phải kiên quyết và triệt để đổi mới từ công tác lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cải tiến và nâng cao chất lượng, chương trình giảng dạy… Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giáo dục, rèn luyện đội ngũ giáo viên - nhân tố quyết định chất lượng giáo dục.

 

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định trong năm học 2007-2008, toàn ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử; Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục; Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; Nói không với việc ngồi nhầm lớp. Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”, theo chúng tôi, các cơ quan quản lý giáo dục, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong toàn ngành cần thực hiện tốt một số giải pháp sau. 

 

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010 ở các đơn vị, nhà trường. Đồng thời với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, chất lượng cao, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ và cân đối về cơ cấu, thì cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần đặc biệt chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cũng như trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách sư phạm cho đội ngũ nhà giáo.

 

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 2516/CT-BGDĐT về việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành giáo dục. Trong quá trình học tập, liên hệ thực tiễn, cần lựa chọn những tấm gương tiêu biểu gần gũi với cán bộ, công chức trong ngành, đặc biệt là những tấm gương hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo được đăng trong cuốn sách “Những gương mặt giáo dục Việt Nam” phát hành hằng năm vào dịp sinh nhật Bác, để mọi người có thể học tập và làm theo. Các nhà trường tổ chức cho toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên của đơn vị sinh hoạt nghiệp vụ sư phạm, đánh giá những mặt được, mặt còn hạn chế của từng cá nhân, từ đó xây dựng phương hướng rèn luyện đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ cho mỗi thành viên, trong đó cần nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi nhà giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.

 

Thứ ba, cần sớm xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông và giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuẩn hóa để nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ giáo viên.

 

Cuối cùng, các đơn vị giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với hội phụ huynh học sinh, liên hệ thường xuyên với gia đình học sinh để phối hợp giáo dục học sinh, sinh viên; đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, có hành vi bạo hành đối với người học, vi phạm quy chế chuyên môn, nghiệp vụ. Tất cả những trường hợp vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh, kịp thời bằng giải pháp hành chính hoặc theo luật pháp hiện hành. Có như vậy, đội ngũ giáo viên mới có thể đảm đương được trách nhiệm vẻ vang của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

                                                             

     Nguyễn Quang Tuấn

                                                                  Trường Đại học Vinh

 

LTS Dân trí - Đội ngũ giáo viên là một bộ phận không tách rời của xã hội, cho nên xã hội có những ưu điểm gì, khuyết điểm gì đều ít nhiều được bộc lộ trong giáo chức. Bên cạnh những mặt tốt đẹp của các nhà giáo xứng đáng với trò những “kỹ sư tâm hồn”, có những người bị sa sút phẩm chất, đạo đức, thậm chí bị tha hóa, không còn xứng đáng với vai trò người Thầy.

 

Trước tình hình thực tế đó, thái độ đúng đắn của dư luận là không nên “vơ đũa cả nắm”, trước sau xã hội ta luôn trân trọng những người Thầy - “Không Thầy đố mày làm nên!”. Điều đó đúng với xã hội trước đây và càng đúng với xã hội văn minh trí tuệ ngày nay.

 

Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt những chuẩn mực cần thiết về chuyên môn cũng như về tư cách đạo đức đang là nhiệm vụ trung tâm của ngành giáo dục cũng là mục tiêu phấn đấu của mỗi nhà trường, mỗi giáo viên. Xã hội ta luôn ủng hộ và mong muốn các thầy giáo phấn đấu trở thành những tấm gương mẫu mực về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm