Đáng ngợi khen những thủ khoa con nhà nghèo

Kết quả kỳ thi Đại học vừa qua cho thấy khá nhiều thủ khoa, á khoa không phải là những học sinh vốn sống và học tập ở những thành phố lớn, có điều kiện học tập thuận lợi, mà là học sinh con nhà nghèo ở các vùng quê.

Đó là những học sinh phải vượt lên trên hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt và học tập, để dành được những kết quả thi thật sự ấn tượng.

 

Điểm mặt một số thủ khoa con nhà nghèo

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Một trong những thủ khoa con nhà nghèo thật đáng vinh danh với kết quả điểm thi đạt 30/30  là Tăng Văn Bình, thủ khoa trường ĐH Ngọai Thương, khoa Kinh tế - đối ngọai. Sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo ở xóm Yên Hoa, Xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Chưa tròn 1 tuổi, Bình không may mồ côi bố, mẹ Bình là giáo viên mầm non của xã, một mình lam lũ nuôi hai con ăn học. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, trong những năm học phổ thông, Bình có một “bảng vàng” thành tích mà ai cũng phải nể phục: Đạt giải 3 học sinh giỏi môn Văn và Toán lớp 5; giải nhất với điểm số tuyệt đối trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán năm lớp 9; thủ khoa trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 chuyên Toán trường THPT Phan Bội Châu; năm học lớp 12, Bình đạt giải nhất môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia và được gọi vào đội tuyển Toán quốc gia đi thi quốc tế.

Được biết, khoa Kinh tế - đối ngoại (ĐH Ngoại thương) luôn có điểm chuẩn cao trong những năm gần đây, những học sinh đăng ký thi tuyển vào hầu hết đều có học lực khá, giỏi. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Bình luôn cố gắng nỗ lực khắc phục thiếu thốn để học tập. Trong những năm theo học ở trường chuyên của tỉnh, phải trọ học xa nhà, Bình đã phải chắt chiu từng đồng tiền mẹ gửi lên hàng tháng để chi tiêu, sinh họat. Vị trí thủ khoa với số điểm tuyệt đối là phần thưởng xứng đáng, đầy ý nghĩa mà cậu học trò nghèo xứ Nghệ muốn dành tặng cho người mẹ tảo tần của mình.

Cũng xuất thân từ vùng “đất học” xứ Nghệ, Hoàng Thị Thái, sinh năm 1992, trú tại phường Quang Phong thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ là nhân viên y tế xã với đồng lương còm cõi, bố làm ruộng. Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thái sớm có ý thức vươn lên trong học tập. Trong những năm học tập tại trường chuyên Phan Bội Châu, Thái đặc biệt yêu thích môn tiếng Nga - vốn là môn rất “kén” người theo học. Trong kỳ thi ĐH vừa qua, nỗ lực của cô học sinh lớp C6 chuyên Nga đã có kết quả xứng đáng với 26 điểm dành được, đồng thời “soán” luôn danh hiệu thủ khoa khối D2, khoa Kinh tế - đối ngoại, trường ĐH Ngoại thương. Qua tìm hiểu được biết, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An – nơi Tăng Văn Bình, Hòang Thị Thái theo học đã lập một kỷ lục mới với 9 thủ khoa, á khoa của các trường ĐH mùa tuyển sinh năm nay. Đáng nói là phần lớn trong số những học sinh xuất sắc ấy, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, xuất thân từ những miền quê nghèo xứ Nghệ.
Đáng ngợi khen những thủ khoa con nhà nghèo - 1
Thủ khoa ĐHBK Hà Nội Phạm Văn Khánh (trái) và thủ khoa ĐH Y Hà Nội Lê Thị Minh Vượng

Lê Thị Minh Vượng là con thứ 3 trong gia đình có 5 chị em ở thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Cả gia đình có 7 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào mẫu ruộng với mấy con gà. Từ khi bị tai nạn lao động, bố của Vượng không còn được khoẻ như trước để cáng đáng việc nhà. Vậy nên, ngoài giờ học Vượng phải thường xuyên ra đồng giúp mẹ. Trong kỳ thi ĐH vừa qua, Vượng đã mạnh dạn đăng ký thi vào 2 trường thuộc “top trên” là ĐH Ngọai Thương và ĐH Y Hà Nội. Kết quả, cả 2 trường vượng đều đạt 29 điểm, đồng thời trở thành tân thủ khoa của truờng ĐH Y Hà Nội. Cùng học với Lê Thị Minh Vượng ở lớp 12A3, trường THPT Ứng Hoà B, huyện Ứng Hoà, Hà Nội còn có Phạm Văn Khánh ở thôn An Cư, Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà là thủ khoa của trường ĐH Bách khoa Hà Nội với điểm số 29. Cũng có hoàn cảnh gia đình tương tự như cô bạn thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội, gia đình của Phạm Văn Khánh cũng rất nghèo. Bố của Khánh mắc bệnh tâm thần phân liệt từ lâu. Thương mẹ, vào vụ cấy, vụ gặt Khánh đều ra đồng giúp mẹ vì thu nhập của cả nhà chỉ biết nhìn vào mấy sào ruộng, lại còn phải lo tiền thuốc chữa bệnh cho bố của Khánh. Dù hoàn cảnh gia đình éo le như vậy nhưng nghị lực sống và lòng ham học đã là hành trang quan trọng để Khánh vượt “vũ môn” với điểm số ấn tượng.

Cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Lệnh Dũng, sinh năm 1992 tại Hoài Đức, Hà Nội học lớp chuyên toán, trường THPT chuyên, ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn quyết tâm vươn lên học giỏi. Bằng ý chí của mình, Dũng đã đậu thủ khoa trường ĐH Khoa học tự nhiên (khối B) và đậu ĐH Ngoại thương (khối A) cùng với số điểm 28. Nhà nghèo, bố mẹ đều làm ruộng nên từ khi còn học lớp 1, Dũng đã phải bắt đầu làm quen với công việc đồng áng. Trong suốt 12 năm học phổ thông, Dũng luôn là học sinh giỏi, năm lớp 11, Dũng từng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.

Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố làm phụ hồ, đạp xích lô, mẹ làm người giúp việc thuê nhưng Nguyễn Huy, học sinh lớp 12A3 trường THPT Hai Bà Trưng, Tp. Huế vẫn đậu thủ khoa trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và đạt 24 điểm ngành bác sỹ đa khoa trường ĐH Y Dược Huế. Những năm học phổ thông, không có tiền mua sách mới, Huy đã phải mượn sách cũ hoặc mượn sách của thư viện về phô tô để học. Trong những ngày chờ giấy báo nhập học, Huy vẫn phải cùng bố di phụ hồ để kiếm thêm ít tiền phụ giúp gia đình.

Vì sao ngày càng  nhiều thủ khoa “chân đất”?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong những năm gần đây, trong số những thủ khoa các trường ĐH, phần nhiều là học sinh học ở các trường vùng nông thôn hoặc xuất thân từ nông thôn lên thành phố trọ học. Thực tế những mùa tuyển sinh vừa qua cho thấy, ngày càng có nhiều học sinh nông thôn đậu thủ khoa, tỷ lệ học sinh nông thôn đậu ĐH cũng đang có xu hướng “lấn át” thành phố. Đây là một xu hướng tích cực và rất đáng trân trọng.

Lý giải hiện tượng tích cực này có thể nhận thấy, về mặt chủ quan, có rất nhiều học sinh ở nông thôn hoặc xuất thân từ nông thôn ra thành phố trọ học có tư chất thông minh, ham học hỏi. So với những học sinh ở thành phố, có đầy đủ điều kiện vật chất, thì những học sinh ở nông thôn có hoàn cảnh gia đình khó khăn thường rất giàu ý chí, nghị lực. Các em đã sớm nhận thức được, chỉ có học mới mong thay đổi được cuộc sống, mới có thể thoát nghèo nên đã chủ động, tự giác trong học tập.

Mặc dù không được đủ đầy về vật chẩt, điều kiện sinh hoạt, học tập nhưng bù lại, hầu hết những học sinh nông thôn cố gắng học giỏi luôn nhận được tình yêu thương, sự động viên, khích lệ từ hàng xóm, láng giềng, đặc biệt là từ những người thân trong gia đình. Chính gia đình và sự quan tâm của những người xung quanh là động lực để các em không ngừng nỗ lực vươn lên.

Về phía khách quan, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương “ba chung” trong đó có chung đề thi. Đề thi luôn bám chắc nguyên tắc: cơ bản, nằm trong chương trình, có khả năng phân loại học sinh, không quá khó, không đánh đố, chỉ cần nắm chắc, nhuần nhuyễn kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đậu ĐH. Với những học sinh nông thôn có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các em không có điều kiện để mua nhiều sách tham khảo, cũng không bị phân tán sức lực vào “cuộc đua” học thêm mà chủ yếu học kỹ, nắm chắc vận dụng sáng tại các kiên thức trong sách giáo khoa và làm thêm các bài tập nâng cao. Bằng cách đó, nhiều em đã thành công.  

Cần hỗ trợ nhiều hơn những học sinh nghèo học giỏi

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết những thủ khoa con nhà nghèo trong mùa tuyển sinh vừa qua đều có chung một nỗi niềm: không biết lấy đâu ra tiền cho con lên thành phố nhập học, rồi tiền thuê nhà trọ, tiền ăn trong suốt thời gian học tập dài từ 4 - 6 năm, điều kiện sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ hơn nhiều so với ở nông thôn, số tiền chu cấp hàng tháng của các gia đình nghèo có con học ĐH không phải là nhỏ. Vừa qua, nhiều trường ĐH đã có chủ trương trao học bổng, miễn giảm học phí, cung cấp chỗ ở trong ký túc xá miễn phí… cho những thủ khoa, á khoa. Nhà nước cũng đã có chính sách cho sinh viên vay vốn trang trải việc học tập và sinh hoạt với mục tiêu không để sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học. Đó là những chủ trương, chính sách đúng đắn.

Tuy nhiên, để những sinh viên nhà nghèo nói chung, những thủ khoa, á khoa có hoàn cảnh gia đình khó khăn nói riêng có thể yên tâm học tập, cần nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ thiết thực, dài hơi như: tăng mức học bổng hàng tháng, ngoài quỹ học bổng học tập dành chung cho mọi đối tượng sinh viên cần có thêm quỹ học bổng dành riêng cho những sinh viên nhà nghèo mà có thành tích học tập tốt. Các trường ĐH cần dành quỹ đất xây dựng thêm những ký túc xá ưu tiên cho những sinh viên nghèo. Nhà nước có thể xem xét xoá nợ khoản vay ngân hàng phục vụ cho việc học tập cho những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn đạt học lực loại giỏi, loại xuất sắc trong toàn khoá học nhằm khuyến khích các em không ngừng vươn lên. Dù cho chặng đường học vấn phía trước còn lắm gian nan, vất vả nhưng cùng với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của gia đình và sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành, tin rằng, cánh cửa cổng trường ĐH vẫn luôn rộng mở với những tân sinh viên con nhà nghèo mà giàu nghị lực, ý chí.

 

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Nhiều thí sinh con nhà nghèo đã đỗ thủ khoa, á khoa trong kỳ thi đại học vừa qua không chỉ là niềm vui mừng đối với bản thân và gia đình các em, mà đấy còn là niềm tự hào của các thầy cô giáo và mái trường thân yêu mà các em đã từng học.

Làng xóm, quê hương cũng như mọi người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều muốn chia vui cùng các em và đều thấy mừng vì kỳ thi đại học vừa qua đã tổ chức khá chu đáo từ việc ra đề thi cho đến coi thi và chấm thi bảo đảm tính khách quan, nghiêm túc, để từ đó đánh giá đúng trình độ kiến thức cũng như sự sáng tạo của thí sinh trong khuôn khổ chương trình chính khóa được học.

Qua kết quả đó, những phụ huynh học sinh ở thành phố cũng nên suy nghĩ về cách giáo dục và chăm lo cho con em mình sao cho thích hợp để thi đua học tập và rèn luyện với các bạn học sinh nông thôn, vốn không có điều kiện thuận lợi bằng thành phố mà vẫn đạt kết quả thật đáng tự hào.