Tiêu điểm số 16

Đáng lo ngại

Sự dối trá đã và đang xuất hiện ở không ít nơi trong xã hội và ngành giáo dục cũng không loại trừ, mặc dù những người đứng trong hàng ngũ này mang sứ mệnh cao cả là trồng người.

Làm thầy dạy chữ, dạy đạo lý cho thiên hạ mà dối trá thì học trò học được gì ở họ?

Nỗi băn khoăn lâu nay của dư luận xã hội về "công nghệ" đào tạo tiến sĩ giấy, giáo sư dỏm...     

khiến không ít nhà khoa học thực thụ ngao ngán không muốn tự nhận mình là tiến sĩ, bởi vì họ không muốn cùng đứng vào hàng ngũ tiến sĩ giấy. Có một số vị quan chức thích đi họp, dự hội nghị, hội thảo, viết một bài phát biểu cũng phải nhờ thư ký bởi vì bản thân không viết được, nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Họ có danh sách trong các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhưng rất ít khi đi học hoặc có mặt gọi là. Thế nhưng các thầy đáng kính cũng cho họ "qua cầu", hướng dẫn luận văn và giúp họ bảo vệ thành công. Một bên được danh, một bên được cái “ngoài danh”. Các vị tiến sĩ giấy này được đúc lên từ sự dối trá. Ngày nay đi đến các cơ quan, thấy không ít sếp chìa danh thiếp thạc sĩ, tiến sĩ... Những người dối trá thường không biết xấu hổ vì cái học "giả" được cấp bằng "thật" của mình. Dối trá thiên hạ lâu ngày rồi thành quen, dần dần tự dối trá chính mình, nghĩ rằng mình là trí thức thật.

Trưởng thành từ sự giả dối nên khi làm việc cũng đem cách thức dối trá ra để thực hiện. Suốt hai tuần qua, dư luận phê phán một vị phó giáo sư tiến sĩ và các cộng sự của Trường một Đại học ở TPHCM đạo sách của hai tác giả của Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Làm khoa học mà sao chép công trình đã xuất bản của người khác không sai một dấu chấm phẩy thì quả thực rất đáng  ngạc nhiên. Ít ra những người này cũng biết rằng bỏ qua lòng tự trọng để lộ liễu như vậy thì sẽ bị phát hiện, thế nhưng họ vẫn cứ nhắm mắt mà làm.

Nhóm giảng viên của trường đại học đạo văn của người khác để làm sách cho mình là một cách kiếm tiền bất chính. Nhưng còn ông phó vụ trưởng công khai đứng chủ biên 18 bộ sách tham khảo để bán ra thị trường cũng là loại làm ăn bất kể lòng tự trọng. Một mình ông thầy này uyên thâm trên tất cả các ngành khoa học, chủ biên các loại sách tham khảo khác nhau từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Ông ta là một bác học thiên tài của VN hay là sự dối trá?

Những vị vừa nêu trên là các bậc trí thức của xã hội, là các bậc thầy dạy dỗ biết bao thế hệ học trò. Thật nguy hiểm và đáng sợ hãi khi họ không phải là những trường hợp cá biệt mà ngày nay, đạo công trình, cơ hội khoa học, bằng cấp giả dối vẫn liên tiếp bị phát hiện và không còn là điều xa lạ. Thật đáng lo ngại cho giáo dục nước nhà.

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm