Dàn xe “ngựa sắt” hoành hành, rừng xanh Tây Nguyên khiếp sợ!

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Những chiếc xe sắt được độ chế, đôn nhông, nhún…nhằm để vận chuyển gỗ từ rừng xanh. Đặc biệt, các loại xe ngựa sắt này đều “nhiều không”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Khi màn đêm buông xuống, từ trong cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên là “tiếng thét gầm” của những chiếc xe “ngựa sắt” chạy bạt mạng để vận chuyển gỗ lậu.

Cuộc sống khó khăn, vất vả, mùa màng thất bát khiến những người dân bản địa trở thành "lâm tặc" bất đắc dĩ. Họ phải vào tận rừng sâu, lén lút cưa hạ gỗ rừng trái phép chở về bán cho "đầu nậu" với giá rẻ mạt. Để có thể luồn lách qua những cung đường quanh co, gập ghềnh sỏi đá, dốc cao dựng đứng, họ đã cải biến xe máy thông thường thành xe "ngựa sắt" để vận chuyển được những hộp gỗ nặng cả trăm kí.

Dàn xe “ngựa sắt” hoành hành, rừng xanh Tây Nguyên khiếp sợ! - 1
Cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều đoàn xe sắt vận chuyển gỗ trong đêm

Người dân bản địa thường gọi "ngựa sắt" bởi xe chỉ còn trơ bộ khung sắt, được xoáy nòng, độn nhíp, tải trọng lớn, lực đẩy mạnh gấp bội, có thể vượt qua mọi địa hình đồi núi. Sáng sớm, những đoàn xe sắt nối đuôi chạy vào rừng xanh với danh nghĩa là người dân đi làm nương rẫy. Tuy nhiên, đến nữa đêm thì trên những chiếc ngựa sắt đều “cõng” trên mình gần khối gỗ. Để nhanh tẩu thoát, chiếc xe không đèn, không còi…chạy bạt mạng với tốc độ cao trên các tuyến đường dân sinh.

Mỗi lần đi là từng đoàn 5 -7 xe nối đuôi chạy khiến ai cũng phải khiếp sợ, né xa. Thế nhưng, nhiều người đã thiệt mạng vì những chiếc xe không tên, không số này. Mới đây, tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có thêm 1 trường hợp gặp nạn tử vong khi điều khiển "ngựa sắt" trên đường chở gỗ lậu từ rừng ra.

Dàn xe “ngựa sắt” hoành hành, rừng xanh Tây Nguyên khiếp sợ! - 2
Nhiều lần, báo Dân trí đã phản ánh đã phản ánh về tình trạng phá rừng và phương tiện vận chuyển gỗ lậu ra ngoài chủ yếu là xe sắt

Tại vùng sâu, vùng xa nơi người dân địa phương sinh sống, không khó để bắt gặp những con "ngựa sắt" phóng bạt mạng trên đường, tiếng nẹt pô inh ỏi nhả khói đen nghi ngút như muốn xé toạc không gian. Tại các ngôi làng giáp cửa rừng càng phổ biến, hầu như gia đình nào cũng sở hữu những chiếc xe như thế. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi hầu hết nương rẫy của người dân nơi đây đều nằm sâu bên trong rừng. Đường vào quanh co, dốc đứng chỉ có những chiếc xe sắt mới giúp họ rút ngắn được thời gian.

Đây cũng chính là vấn đề nan giải mà các cơ quan quản lý bảo vệ rừng khó kiểm soát, Ông Trương Quốc Dụng - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - cho biết: “Tại khu vực này, hầu hết nương rẫy của người địa phương đều nằm trong khu vực rừng. Hằng ngày, họ điều khiển xe lên rẫy canh tác, mình không thể xử lý, ngăn chặn được. Chỉ khi nào phát hiện được trên xe họ chở gỗ mới có thẩm quyền bắt giữ. Đối với các phương tiện xe máy độ chế, khi phát hiện chở gỗ phi pháp, Hạt tiến hành bắt giữ, tịch thu tang vật và cả phương tiện".

Dàn xe “ngựa sắt” hoành hành, rừng xanh Tây Nguyên khiếp sợ! - 3

Cơ quan nhà nước đã liên tục phát hiện và thu giữ hàng ngàn chiếc xe độ chế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Dụng cho biết thêm: "Trong năm 2019, Hạt phát hiện tịch thu 65 xe máy độ chế chở gỗ phi pháp. Từ đầu năm 2020 đến nay phát hiện, xử lý, tịch thu 17 phương tiện xe máy độ chế. Hầu hết phương tiện bị tịch thu đều không có giấy tờ, không rõ xuất xứ. Để xử lý triệt để tình trạng người dân sử dụng phương tiện xe độ chế chở gỗ là rất khó khăn. Bởi những năm gần đây, mùa màng thất bát, giá nông sản "xuống dốc" khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Nhiều khi họ nói lên rẫy canh tác, chiều về tranh thủ kiếm vài khúc gỗ chở về bán lấy tiền mua gạo, thực phẩm. Nhiều trường hợp lén lút khai thác gỗ trái phép, chờ nửa đêm vận chuyển ra khỏi rừng. Trong khi đó, địa bàn rừng rộng lớn, ngõ ngách nhiều, lực lượng kiểm lâm lại mỏng không thể nào kiểm soát hết được".

Một cán bộ Cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: "Trong những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người tham gia giao thông điều khiển phương tiện xe máy độ chế. Hầu hết, những xe bị bắt giữ, số khung số máy bị đục, không có giấy tờ liên quan. Tại huyện Krông Pa, đa phần người dân địa phương sử dụng xe độ chế phục vụ việc đi lên nương, lên rẫy. Nhiều trường hợp sử dụng lưu thông trên đường khi bị lực lượng kiểm tra thì chủ phương tiện bỏ lại xe, rời đi".

Dàn xe “ngựa sắt” hoành hành, rừng xanh Tây Nguyên khiếp sợ! - 4
Hiện nay, việc xử lý các xe ngựa sắt tại vùng đồng bào còn khó khăn vì tập quán và đời sống sản xuất

Với những xe độ chế kết cấu bị thay đổi, không đảm bảo nguyên tắc an toàn, không đủ tiêu chuẩn để tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Để xử lý thực trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, cán bộ đơn vị đến các địa điểm sửa chữa xe máy đề nghị chủ các cơ sở cam kết không tiến hành độ chế, thay đổi kết cấu xe cho bất kỳ trường hợp nào.

Liên quan đến thực trạng nói trên, cán bộ ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai nhận định: “Việc sử dụng xe máy độ chế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, không chỉ đối với người điều khiển phương tiện và còn đối với những người tham gia giao thông khác. Bởi những xe độ chế, như các xe sắt nói trên đã bị thay đổi kết cấu, thay hình đổi dạng, các thông số kỹ thuật, đảm bảo an toàn không còn. Cơ quan chức năng Gia Lai luôn xác định, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”.