Dân trí và nhân phẩm!

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về 118 cô gái tập trung về một khách sạn để cho khách Đài Loan, Hàn Quốc xem mặt làm nhức nhối lòng người. Trước đó, tại cuộc hội thảo xây dựng chương trình hoạt động phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại TPHCM, đã đưa ra con số có 6.000 nạn nhân bị đưa ra nước ngoài hành nghề mại dâm trong năm 2005.

Họ trở thành hàng hóa được rao bán trên các kênh truyền hình hoặc tại các chợ lao động ở nhiều nước. Còn chúng ta không khỏi xót xa khi nghĩ về thân phận của người nghèo đi tìm miếng ăn.

Họ lại là phụ nữ, thân gái dặm trường những mong bán sức đổi lấy bát cơm, ai ngờ thất thân giữa đất khách. Và biết bao người khác nữa, đã và đang câm lặng chịu đựng trong cô đơn và tuyệt vọng vì không ai biết đến. Cái nghèo thường đi đôi với hèn, hiện thực đó thật khó tránh khỏi.

Bình tâm nhìn lại, mỗi chúng ta sẽ đau lòng thừa nhận rằng, đã có hàng ngàn cô gái ở nhiều miền của đất nước mong được lấy chồng Đài Loan hay một nước nào đó. Họ không cần biết chồng mình già hay trẻ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, lành lặn hay thương tật.

Họ lấy chồng để đi nước ngoài, nhắm mắt đưa chân với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khoan hãy trách những cô gái đáng thương này nông cạn, lười lao động hay tham giàu sang, mà hãy hỏi tại sao dân ta có lúc lại phải nên nông nổi như vậy?

Cái nghèo dai dẳng đã thủ tiêu đi lòng tự trọng tối thiểu, làm mất đi ý thức giữ gìn phẩm chất và lòng tự trọng. Biết bao cô gái tìm cách đi lấy chồng nước ngoài, rồi nhiều người khác đi xuất khẩu lao động, làm ôsin, làm vú em, thậm chí có nhiều trường hợp làm vợ chung cho một nhóm đàn ông mất nhân tính.

Một vấn đề dễ dàng nhìn thấy là phần lớn các cô gái trên đều rất ít học, thuộc bộ phận dân trí quá thấp. Báo chí thông tin tuyên truyền rất nhiều về mặt trái của lấy chồng Đài Loan, nhưng họ không hề quan tâm đến, không hề biết đến, cái nghèo, sự hạn chế tri thức khiến họ không có khả năng tự bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ sức khỏe vật chất cũng như đời sống tinh thần của mình.

Các báo cáo thành tích về phát triển kinh tế, chăm lo cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em của các địa phương có lẽ chỉ thiên về thành tích nên thiếu sự trung thực. Bởi vì, thực tế cho thấy, phụ nữ của những vùng quê nghèo chưa được trang bị đầy đủ thông tin, kiến thức để biết chọn lựa cho mình một đời sống an toàn, lành mạnh.

Trước những sự việc đau lòng đó, câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận mình còn nghèo nàn và lạc hậu, thấy đó là nỗi nhục không của riâng ai. Các hội nghị thường xuyên bàn về việc phòng chống nạn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài là cần thiết. Nhưng quan trọng nhất, đó là làm sao cho đất nước này đừng nghèo nữa, người dân hưởng được cái thú làm dân trên đất nước mình. Đã giàu mạnh, dân trí và dân khí cao thì sẽ không còn ai đi làm cái phận của kẻ tôi đòi.

Lê Chân Nhân