Vĩnh Phúc:
Dân ngang nhiên chiếm đất, xây nhà trái phép
Hàng loạt các hộ dân ở xã Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên đã ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố trên đất lâm nghiệp mà không có sự nhắc nhở nào từ phía chính quyền địa phương.
Chỉ đến khi có tố cáo, UBND xã Ngọc Thanh mới “ngã ngửa” ra, nhưng vẫn ngó lơ, mặc cho người dân vượt luật.
Thách thức pháp luật
Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Văn Thành, một người dân ở đây cho biết: Suốt thời gian qua, hàng loạt các hộ dân ở đây ngang nhiên xây dựng nhà trái phép mà chẳng có ai xử lý. Điển hình như hộ bà Lưu Thị Mai, con gái ông Lưu Văn Tư, là bí thư chi bộ thôn Ngọc Quang; hộ Lâm Văn Thành còn táo tợn hơn, xây cả căn nhà hai tầng kiên cố, hay hộ Trần Văn Tình, Nguyễn Văn Hải cùng trú ở thôn Đồng Đầm ngang nhiên chiếm đất, đóng cọc để chăn nuôi với diện tích lên đến cả ngàn m2 mà không có ai nhắc nhở, cấm đoán.
Qua điều tra, chúng tôi được biết: hầu hết cá khu vực bị lấn chiếm tại đây đều là đất nằm trong dự án của Công ty Sân gôn Ngôi sao Đại Lải. Các khu đất này đều đã được UBND Tỉnh ra quyết định giao đất để đầu tư vào sân gôn, hòng biến cả một vùng sỏi đá khôn cằn toàn trồng bạch đàn, keo, thông chuyển sang kinh doanh du lịch, dịch vụ, mang lại doanh thu cho địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, tiến hành triển khai dự án, doanh nghiệp chưa kịp rào lại các khu đất đã được cắm cho mình thì một số hộ dân “tranh tối, tranh sáng” đã xà xẻo, chiếm đất. Khi được hỏi về giấy tờ cũng như giấy phép xây dựng các căn nhà kiên cố này, các hộ dân đều không chứng minh được tính hợp pháp. Bất bình trước việc đất được giao mà bị các hộ dân ngang nhiên chiếm đoạt trái phép, phía Công ty sân gôn Đại Lải đã liên tục làm công văn gửi tới UBND xã Ngọc Thanh, UBND thị xã Phúc Yên đề nghị can thiệp. Tuy nhiên có một thực tế là các căn nhà và các khu đất vẫn ngang nhiên tồn tại.
Anh Nguyễn Văn K, một bảo vệ của Công ty sân gôn Đại Lải cho biết: khi phía công ty phát hiện có việc xâm hại đã nhắc nhở các hộ không nên làm vậy, nhưng vì là dân sự với nhau nên các bảo vệ ở đây đã bị chửi bới té tát, dọa đánh, bởi vậy các anh chỉ dám báo cáo lại lãnh đạo công ty để xin hướng giải quyết. Tuy nhiên, trong thời gian đợi các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc xuống xử lý thì nhà đã xây xong, đất đã quây đẹp rồi. Bởi thế mới có chuyện “thả gà ra đuổi” tại đây...
Chính quyền thiếu cương quyết?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: năm 2003, trước lời gọi mời đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hàng loạt các doanh nghiệp đã ồ ạt đổ vào Vĩnh Phúc là dự án với hy vọng là một môi trường được đánh giá cao. Công ty Sân gôn Đại Lải cũng vậy, đầu tư vào đây với mục đích kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho địa phương. Sau khi được sự chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc với giấy chứng nhận đầu tư cho phép thu hồi gần 300 ha đất lâm nghiệp làm dự án sân gôn. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án sân gôn mới thu hồi được khoảng 170 ha, vẫn còn khoảng 120 ha đất chưa được GPMB. Trong đó có khoảng 60 ha là của Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Bộ, còn lại là của người dân thuộc hai thôn là Ngọc Quang và Đồng Dè với khoảng 80 hộ dân sinh sống. Lý do các hộ dân này chây ì không chịu chuyển đi là do họ “chê” đơn giá đền bù quá thấp, chưa thỏa mãn. Bởi vậy các hộ kiên quyết không chịu di dời. Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết: để phục vụ cho dự án, phía UBND thị xã Phúc Yên đã cho triển khai một dự án tái định cư để nhằm di dân ra đây, tuy nhiên một số hộ dân “cứng đầu” không chịu di chuyển. Bởi vậy mới có chuyện bi hài ở đây, cả khu đất rộng mênh mông, phục vụ cho tái định cư, nay thành bãi chăn thả trâu bò.