Bạc Liêu:
Đại tá công an đề xuất cách "điều trị" nạn loa karaoke di động hành dân
(Dân trí) - Thời gian qua, người dân Bạc Liêu bức xúc trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ loa kẹo kéo, có nơi đến 24h đêm, trở thành nỗi ám ảnh hằng ngày của người dân.
Thời gian qua, nhiều người dân Bạc Liêu phản ứng gay gắt, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo phát ra từ các quán ăn, uống, có nơi đến 23h, 24h đêm. Loa kẹo kéo đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn tuổi, việc học tập của học sinh, là nỗi ám ảnh hằng ngày của người dân.
Ngày 8/12, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây tiếng ồn diễn ra khá phổ biến, tập trung nhiều nhất ở khu đô thị. Gần đây hoạt động này gây phiền hà cho người dân xung quanh khu dân cư, có những biểu hiện vi phạm pháp luật, gây bức xúc ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân.
Đại tá Thật cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm việc hạn chế sử dụng loa kẹo kéo sau 23h đêm.
Theo quy định, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép, vượt quy chuẩn kỹ thuật, gây tiếng động lớn, ồn ào huyên náo... sẽ bị xử lý hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, theo Đại tá Thật, việc kiểm tra các trường hợp này còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo quy định, xử phạt ô nhiễm môi trường, tiếng ồn phải dựa vào mức độ ồn được đo thực tế là rất khó áp dụng. Bởi các phượng tiện thiết bị đảm bảo quy chuẩn đo tiếng ồn là rất ít.
"Trong lực lượng Công an Bạc Liêu chỉ có một máy đo duy nhất cấp cho Phòng Cảnh sát môi trường, còn lại các địa phương chưa được trang bị nên việc tham gia xử lý vi phạm rất khó khăn", Đại tá Thật nhìn nhận.
Bên cạnh đó, việc xử lý dựa vào các chứng cứ, tức là kết quả đo được độ ồn ở hiện trường, nhưng nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì việc gây ra tiếng ồn đã chấm dứt nên không đo được tiếng ồn, như vậy khó xử lý.
Ngoài ra, việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo ở khu dân cư, nơi công cộng, nhưng để xác định thế nào là tiếng động lớn, tiếng ồn huyên náo không phải dễ, và mức xử phạt lại thấp nên không đủ sức răn đe.
Theo quy định, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử lý hành chính trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng.
Nếu gây tiếng động lớn, làm ồn ào huyên náo trong khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, sẽ bị phạt hành chính, cảnh cáo, hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng.
Đại tá Ngô Thành Thật cho hay, trước thực trạng này, Ủy ban tỉnh đã chỉ đạo Công an, sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tiếng ồn; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát xử lý việc vi phạm đối với cá nhân, tổ chức, những người mua bán sử dụng loa gây tiếng ồn nếu đã có vi phạm.
Chỉ đạo các địa phương cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về việc gây tiếng ồn từ loa kẹo kéo là hành vi vi phạm pháp luật và kém văn hóa; cho các hàng quán cam kết không sử dụng loa kẹo kéo gây tiếng ồn sau 22h đêm; bố trí kinh phí cho lực lượng chức năng trang bị thiết bị đo mức độ ồn để xử lý vi phạm.
"Kiến nghị xử lý vi phạm bằng việc tăng mức hình phạt để răn đe và hạn chế vi phạm; đề xuất cho phép người dân sử dụng máy cá nhân ghi âm, ghi hình các hành vi gây tiếng ồn để cung cấp cho lực lượng chức năng làm cơ sở để xử lý", Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Bạc Liêu) cho biết, năm 2019, trong báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu về trả lời ý kiến cử tri, Ủy ban tỉnh có hứa chỉ đạo khắc phục tình trạng tiếng ồn từ loa kẹo kéo, nhưng đến nay tình hình này vẫn chưa giảm. Hoạt động này không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn len lỏi về nông thôn, rất phức tạp.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Ngô Thành Thật cho rằng, việc vi phạm này tái diễn, đây là thực trạng. Công an tỉnh đã có thành lập Tổ 238 (gồm nhiều lực lượng) phối hợp tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường, xác định điểm nào tụ tập gây mất trật tự công cộng, gây tiếng ồn thì lập biên bản xử lý, hoặc nhắc nhở, động viên để làm sao lập lại an inh trật tự trên địa bàn được tốt nhất.