Đà Nẵng: Sống khổ sở vì dự án trên giấy
(Dân trí) - Suốt gần 6 năm nay, hàng trăm hộ dân ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh nhà xuống cấp, hư hỏng mà không được sửa chữa, xây dựng vì dự án “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn” chậm triển khai.
Năm 2008, dự án “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt và ra quyết định thu hồi 139 ha đất thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) với 1.500 hộ trong niềm hân hoan của người dân nơi đây. Bởi khi dự án “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn” hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, mở rộng làng đã mỹ nghệ Non Nước. Thế nhưng, gần 6 năm trôi qua, người dân vẫn đang sống trong tình trạng khổ sở đủ bề vì “đi không được, ở cũng không xong” do dự án vẫn án binh bất động.
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của chị Huỳnh Thị Bảy (tổ 40, phường Hòa Hải) là nơi sinh sống của 6 thành viên trong gia đình. Chị Bảy cho biết, ngôi nhà xây dựng đã lâu nên nay đã xuống cấp. Mùa hè trời nóng nắng chịu không được, mùa mưa ngập vào tận nhà. Đợt bão năm vừa rồi, cả nhà phải kéo nhau lên chùa lánh nạn chứ không dám ở nhà. Thế nhưng cứ thấy chúng tôi đổ đất cát để sửa chữa là đội quy tắc tới không cho, bảo đất nằm trong dự án nên không được cơi nới. Nếu chúng tôi tự ý xây dựng thì sau này không được đền bù”.
“Giờ chúng tôi chỉ mong muốn nếu đi thì cho người dân chúng tôi đi nhanh lên còn không đi thì cho chúng tôi được xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa đàng hoàng”, chị Bảy nói.
Trong căn nhà cấp 4 vỏn vẹn 20 m2 đã xuống cấp nặng, nhưng có tới 6 người sinh sống, anh Nguyễn Văn Tuyến (tổ 85, phường Hòa Hải) bức xúc: “Khi có thông tin giải tỏa bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án công viên, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành để người ta đo đạc, áp giá nhà cửa, đất đai. Thế nhưng, 6 năm trôi qua mà không thấy động tĩnh gì. Mùa mưa thì ngập úng, nước dột quanh nhà mà không dám sửa chữa, đập đi xây lại, ở như vậy thì cực khổ quá.”
Ông Nguyễn Văn Kháng, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 1 cho biết: “Mấy năm qua, đời sống của người dân nằm trong vùng giải tỏa gặp vô vàn khó khăn. Trong khu vực chỉ có 8 hộ nhà cấp 3, còn lại là nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1992 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa hay xây dựng mới. Nếu xây dựng thì sau này không được đền bù trong khi nhà họ đã được áp giá từ năm 2010 đến nay vẫn nằm chờ.
Còn theo ông Nguyễn Đình Đức, tổ trưởng tổ dân phố 40 (phường Hòa Hải), tổ có 37 hộ thì có 20 hộ nhà cửa bị xuống cấp nhưng không được sữa chữa. Vừa qua, UBND thành phố đã có quyết định cho các hộ trong vùng dự án chậm triển khai được xây nhà với diện tích không quá 50m2 nhưng ở đây nhiều hộ không có số đỏ mà chỉ có giấy tờ viết tay nên không thể xây nhà. Với lại, nhiều người lo xây rồi sau này không được đền bù. Ở đây, mỗi lần có bão là cả tổ phải chờ lên chùa lánh nạn. Mỗi lần họp là người dân kêu dữ lắm. Có một số hộ đợt bão vừa rồi nhà bị đổ sập không ở được nữa đành phải về nhà bố mẹ ở luôn.
“Một số hộ đã nhận 80% tiền đền bù rồi nên họ rất muốn được nhận đất để làm nhà chứ để lâu họ tiêu hết tiền đến khi giải tỏa có tiền đây mà làm nhà”, ông Đức nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch UBND Phường Hòa Hải cho biết: Dự án “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn” có quyết định phê duyệt năm 2008. Tuy nhiên trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn do điều kiện nguồn kinh phí của thành phố khó khăn. Vì thế thành phố lo tập trung vào một số công trình trọng điểm trong đó vẫn có “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn.
Tuy nhiên, “Công viên văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn” có đặc thù là phân kỳ đầu tư chứ không dàn trải được. Hiện nay, đường Huyền Trân Công Chúa đã giải tỏa được 80% hộ dân và từ nay đến cuối năm sẽ xong. UBND thành phố cũng chỉ đạo từ nay đến cuối năm phải làm xong được Huyền Trân Công Chúa. Đường thứ 2 là đường Sư Vạn Hạnh cũng đã giải tỏa được 60% hộ dân. Và từ nay đến cuối năm cũng phải làm xong được Sư Vạn Hành để phục vụ cho lễ hội Quán thế âm. Các khu vực khác phải chờ phân kỳ đầu tư.
Vừa qua, UBND thành phố đã có văn bản cho phép những nhà có nguy cơ xuống cấp được xây nhà 50m2. Khi có văn bản, phường có thông báo cho người dân được biết. Tuy nhiên, những hộ được xây nhà là những hộ có giấy tờ hợp pháp, đảm bảo tính hợp pháp. Đối với những hộ không có giấy tờ hợp pháp, căn cứ những trường hợp cụ thể, phường sẽ báo cáo lên quận để xem xét, giải quyết. Nhưng mong muốn của người dân hiện nay vẫn là sớm được giải tỏa đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Khánh Hồng