Đã đến lúc cần xây dựng văn hóa kinh doanh

Vào dịp gần Tết nguyên đán, hàng giả, hàng kém chất lượng được dịp tung hoành, khiến cho người tiêu dùng bối rối và các doanh nghiệp làm ăn chân chính lao đao. Câu nói “Khách hàng là Thượng đế” nhiều khi trở thành một sự mỉa mai.

Khái niệm quảng cáo, tiếp thị nhiều khi được xem là đồng nghĩa với dối trá, lừa đảo…

 

Vào sân chơi WTO, doanh nghiệp Việt Nam phải học cách làm ăn đàng hoàng để tồn tại. Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng văn hoá kinh doanh với cốt lõi là triết lí kinh doanh khoa học.

 

Người Việt Nam ta vốn xuất thân từ sản xuất nhỏ, làm ăn manh mún, ít giao thương, phải chăng vì thế mà chúng ta thiếu tầm nhìn xa trong cách làm ăn, kinh doanh, chưa coi trọng việc xây dựng văn hóa kinh doanh mà cốt lõi là triết lý kinh doanh khoa học. Thương nghiệp Việt Nam, sở dĩ còn phát triển chưa xứng tầm cũng là từ lực cản này.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Với quan niệm “trọng nông ức thương” còn rơi rớt lại, thương nghiệp Việt Nam phát triển chậm và có tính tự phát, manh mún, khác hẳn một số nước có truyền thống buôn bán như Trung Quốc, Nhật Bản…

 

Ở Việt Nam chưa có những doanh nhân tầm cỡ, những doanh nghiệp chiếm thị phần đáng kể trên thị trường thế giới. Mặt khác, hiện tượng không trung thực, buôn gian bán lận …vẫn đang phổ biến, gây mất niềm tin của khách hàng và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp vì lợi ích nhỏ nhoi trước mắt mà có những hành vi thiếu trung thực trong sản xuất, kinh doanh, tiếp thị…Bài học “tham bát bỏ mâm”, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” đánh mất cái quí giá nhất là uy tín của thương hiệu, niềm tin của khách hàng đã có từ bao đời, thế mà vẫn có biết bao kẻ tham lam “mặt dày” cố tình không hiểu. Tất cả chỉ vì chúng ta chưa xây dựng được văn hoá doanh nhân mà cốt lõi là một triết lí kinh doanh khoa học, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thấm nhuần tinh thần hiện đại. Có thể có nhiều ý tưởng khác nhau, song cái cơ bản của triết lí đó là tính trung thực, biết tôn trọng khách hàng, trọng danh dự, cầu thị và sáng tạo không ngừng.

 

Chúng tôi được biết, ở Hà Nội đã có Trung tâm văn hóa doanh nhân do nhà văn Lê Lựu làm giám đốc. Mô hình này cần được phát triển và nhân rộng ra trên phạm vi cả nước để chúng ta từng bước xây dựng được một đội ngũ doanh nhân hùng hậu, tài năng và đặc biệt là có đạo đức nghề nghiệp - cái gốc bền vững để có những sự nghiệp vĩ đại. 

 

Trần Quang Đại

(quangdaiht@gmail.com)

 

LTS Dân trí - Hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không rõ xuất xứ đúng là nhan nhản trên thị trường, nhất là vào dịp giáp Tết này. Các cơ quan chức ra sức khám xét, xử lý mà hình như vẫn không xuể, dẹp được vụ này thì vụ khác lại phát sinh tựa như “nấm mọc mùa xuân”!

 

Vậy cái gốc của tình trạng đó là do đâu, có đúng như tác giả bài viết trên đây phân tích là do chúng ta chưa coi trọng việc xây dựng văn hóa kinh doanh mà cốt lõi là xác đinh rõ triết lý kinh doanh hay không? Xin mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề rất đáng quan tâm, không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn là quyền lợi thiết thân đối với đông đảo người tiêu dùng.