Cứu vợ bị bắt cóc, người chồng đâm chết người có là phòng vệ chính đáng?

(Dân trí) - “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Nếu hành vi của ông Giao không đủ căn cứ xác định là phòng vệ chính đáng thì có thể bị xử lý về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”,

Trưa ngày 15/11, một nhóm người đi trên ôtô 7 chỗ dừng trước quán cà phê nằm ven quốc lộ 53.

Sau đó nhóm người này khống chế nữ chủ quán là Võ Thị Thúy Hằng (29 tuổi), vợ của Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Hồ), đưa lên ôtô.

Lúc này Giao đang hái dừa phía sau vườn. Nghe tiếng vợ la hét, anh ta lao ra ngoài giải cứu thì bị đối phương dùng hơi cay xịt vào mặt. Giao cầm vật nhọn bằng kim loại chống trả, khiến một người tử vong và hai người khác bị thương.

Gây án xong, Giao đến cảnh sát đầu thú.

Cứu vợ bị bắt cóc, người chồng đâm chết người có là phòng vệ chính đáng? - 1

Hiện trường vụ việc.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Bộ luật hình sự  tại điều 22 quy định về Phòng vệ chính đáng nêu:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Để xác định hành vi của Trần Ngoại Giao là phòng vệ chính đáng hay không cần phải đánh giá hành động đó thỏa mãn ba điều kiện:

Thứ nhất: Có hành vi trái pháp luật của các nạn nhân. Nhóm người này xâm phạm nơi ở bất hợp pháp, có hành động bắt giữ người trái pháp luật, xịt hơi cay để ngăn người khác can thiệp, sau đó đưa vợ của ông giao lên ô tô mang đi. Hành động bắt giữ người là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của người thân thích của người có hành vi tấn công.

Thứ hai: Hành vi trái pháp luật này đang xảy ra, chưa chấm dứt thì luật cho phép người chứng kiến sự việc đó có thể sử dụng các biện pháp khác nhau mà họ thấy cần thiết để ngăn chặn hành vi trái pháp luật. Thời điểm ông Giao thực hiện hành vi tấn công nhóm đối tượng thì hành vi bắt giữ người trái pháp luật vẫn đang diễn tiến, chưa chấm dứt.

Thứ ba là điều kiện thuộc về mức độ tương thích, so sánh về sự nguy hiểm cho xã hội của hành vi bắt giữ người trái pháp luật và hành vi tấn công ngăn cản.

Qua video ghi lại hiện trường, thông tin cung cấp của cơ quan có thẩm quyền có thể mô tả khái quát vụ việc như sau: Một nhóm đối tượng khoảng 3 người lao vào nhà nơi vợ ông Giao đang ngồi, vồ và kéo người phụ nữ này lê dưới đất, tống lên xe. Người phụ nữ la hét, chống cự nhưng không có tác dụng. Một đối tượng khác xịt bình như hơi cay về phía sau ngăn người khác truy đuổi, đóng cổng lại. Sau đó ông Giao từ sau nhà chạy ra ngoài tiếp cận xe oto nơi vợ bị bắt lên, ông sử dụng thanh sắt tấn công ba đối tượng, làm 1 người chết và hai người bị thương.

Như vậy trong tầm hiểu biết thông thường của ông Giao cũng như những người khác với khoảng thời gian rất ngắn hoàn toàn chỉ có thể đánh giá đây là hành vi bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc có khả năng gây thương tích, giết người thủ tiêu. Nên việc ông Giao lựa chọn cách thức ngăn cản bằng thanh sắt tấn công nhóm đối tượng như trên có thể đánh giá là tương thích phù hợp.

Tuy nhiên, nếu trong nhóm người này có em trai của vợ ông Giao, mục đích bắt giữ người trái pháp luật chỉ với mục đích không muốn người phụ nữ này ở cùng ông Giao mà trước đó ông Giao có biết mục đích này, trong quá trình thực hiện hành vi ông có nhìn thấy em trai người phụ nữ hoặc tại vị trí ô tô nơi vợ ông bị bắt giữ có những biểu hiện của nhóm đối tượng đủ yếu tố để ông Giao đánh giá mục đích chỉ là bắt giữ người thì hành vi tấn công khiến một người chết hai người bị thương rõ ràng quá mức cần thiết.

Để đánh giá hành vi của ông Giao có phải phòng vệ chính đáng hay không cần phải trải qua hoạt động điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra để đánh giá đầy đủ các yếu tố chủ quan, khách quan mới đủ căn cứ xác định.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Nếu hành vi của ông Giao không đủ căn cứ xác định là phòng vệ chính đáng thì có thể bị xem xét xử lý về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo điều 126 Bộ luật hình sự

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Hoặc cơ quan chức năng cũng có thể xem xét tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng điều 136 Bộ luật hình sự

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. 3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Do đây là vụ việc rất nghiêm trọng do có người tử vong và trọng thương nên kết luận cuối cùng phải chờ đợi quá trình điều tra của cơ quan công an”, luật sư Lực bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm