Cuộc họp phụ huynh học sinh cuối năm

Cuối năm học, theo thông lệ, tôi lại nhận được giấy mời đi họp phụ huynh học sinh. Chương trình “nghị sự” vẫn từa tựa như những cuộc họp đầu năm hay giữa năm.

 
Cuộc họp phụ huynh học sinh cuối năm - 1

(Ảnh minh họa)
 
Đầu tiên là cuộc họp chung, thầy giáo hiệu trưởng thông báo thành tích và kết quả học tập, rèn luyện chung của trường, của khối để các bậc phụ huynh có được cái nhìn bao quát. Sau đó, trở về cuộc họp lớp, được nghe báo cáo cụ thể về tình hình của lớp, của con cháu mình học do cô giáo chủ nhiệm trình bày.

Phần họp này thì thiết thực nhất đối với tất cả phụ huynh, nên ai cũng chăm chú lắng nghe. Ai có con em ngoan ngoãn, học giỏi thì “mở mày mở mặt”, hớn ha hớn hở. Ai không may con em học kém, lại chây lười, nghịch ngợm (mà thói đời thường đã học kém, lại hay chây lười, nghịch ngợm lắm!), biết thân biết phận, cứ “ngậm tăm” mà nghe chủ nhiệm kể tội con em mình. Lắm khi ngượng quá, muốn đừng ai nhận ra đó là…, nhưng không được, bởi trên mặt bàn trước mặt, cô giáo đã cho ghi rất rõ tên và họ của đứa con hư rồi! Mà giả sử có lấy tờ báo khéo léo che cái tên con em mình đi, nhưng nếu gặp phải vị chủ nhiệm “quá quan tâm”, đảo mắt nhìn khắp lớp học rồi nhẹ nhàng hỏi: phụ huynh em Ngỗ Văn… có đến họp không ạ?”, thì phụ huynh ấy chỉ còn nước “chui xuống lỗ nẻ”!  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tiếp đến, là phần họp “nội bộ” giữa phụ huynh với nhau, do một vị chi hội trưởng chủ trì. Tế nhị lắm. Phần nội bộ này không bao giờ có mặt cô (thầy) nào cả. Không phải vì cô (thầy) bận, mà vì cái sự tế nhị nó phải thế! Công việc duy nhất vị chi hội trưởng báo cáo là vấn đề thu, chi quỹ. Thu thế nào, thu bao nhiêu, thu những lúc nào, thì hầu hết mọi người đều đã quên. Cuộc sống thời buổi này, có bao nhiêu việc phải nhớ, mấy ai đi nhớ cái chuyện đóng góp lặt vặt đó. Bởi thế, cái báo cáo “thu” này, thường được thông qua rất nhanh chóng. Chả một ai thắc mắc. Cái bận tâm bây giờ là có cần nộp thêm nữa không và nếu phải nộp thì bao nhiêu?

Nhưng vị chi hội trưởng cẩn thận lắm, không vắn tắt, đại khái được đâu. Vắn tắt, đại khái, rồi sau này, có ai đó “thắc mắc”, thì phiền phức cho “ban đại diện” lắm! Đã làm cái gì liên quan đến tiền, thì một đồng cũng phải cẩn thận. Thế cho nên, vị chi hội trưởng phải dành nhiều thời gian giải thích những khoản đã chi, rồi những khoản còn tiếp tục phải chi, để “xin ý kiến” hội nghị. Chỉ khi tuyệt đại đa số phụ huynh dự họp đồng ý, chi hội mới dám thu (nói lý thuyết thế thôi, chứ đời tôi bao nhiêu lần đi họp cho con cho cháu, chả một lần nào nghe thấy một ai đó đứng lên phát biểu dù chỉ là bày tỏ thắc mắc, chứ đừng nói đến… phản đối!). Thu rồi, mới dám thay mặt tất cả các phụ huynh đây, tiến hành… chi! Cũng toàn chi vào mục đích phục vụ việc học của con em mình cả thôi. Nào là mua tặng phẩm thưởng cho các em có thành tích học tập xuất sắc hoặc có thành tích đột xuất. Nào là quà cám ơn các thầy cô có công dạy dỗ trong suốt năm học qua… Khoản nào cũng đáng chi cả, chả có khoản nào không.

Để kết thúc nhanh còn về lo việc nhà, nên “nghị quyết” được thông qua ngay lập tức. Đương nhiên, vì phụ huynh ta, ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc học tập rèn luyện của con em mình cả. Tuy có thể trong thâm tâm, lắm vị cũng … buốt ruột lắm, mỗi khi mở “hầu bao” rút tiền ra đóng góp hết khoản này đến khoản khác, chẳng biết khoản nào đúng quy định hay không.  Mới lại, nói thật, có gan to đến mấy, cũng chả phụ huynh nào dám lên tiếng thắc mắc hoặc phản đối, bất cứ một khoản thu, chi nào. Dại gì, sinh mạng học tập con em mình, chứ đâu phải chuyện đùa!

Trong lúc chờ ở chỗ gửi xe, bà bạn tôi nói nhỏ, chỉ đủ mình tôi nghe: “Các khoản chi khác tôi chả nói, nhưng cái khoản đi cám ơn các thầy cô, theo tôi… sao cần nhiều thế. Nó cứ như chuyện mua pháo mượn người khác đốt ấy!”.

Yên lặng một lát, rồi bà tiếp: “Không chỉ cuối năm, mà đầu năm. rồi trong năm, những dịp có ngày lễ ngày tết, phụ huynh nào mà không lo… tết thầy cô. Ấy vậy mà còn phải đóng góp ở lớp ở trường?”, tôi động viên bà: “Các cụ xưa dạy rồi, muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy (cô)! Với lại, ngân sách cho giáo dục còn hạn hẹp lắm, mỗi người dân chúng ta cũng phải tự ý thức nên đóng góp xây dựng, giúp sự nghiệp giáo dục nước ta mau chóng tiến kịp các nước trong khu vực cũng như trên thế giới chứ!”.

Cái sự học ngày nay nó là thế! Nhưng vẫn canh cánh trong lòng, liệu có thật cái sự học nó cứ phải thế không, xin thưa các vị?

Trần Huy Thuận
Nam Định

LTS Dân trí - Đúng như bài viết trên đây, mọi người đã từng làm ông bà, cha mẹ đều hiểu rất rõ cảnh tượng và nội dung các cuộc họp phụ huynh cuối năm hay đầu năm học. Cái được mọi người quan tâm nhất là kết quả học tập của con cháu mình, rồi đến chuyện phải đóng góp cụ thể bao nhiêu. Còn đóng góp làm gì thì ai cũng biết, hầu như đã trở thành thông lệ…

Nhưng sao vẫn có tiếng xì xào hoặc ấm ức trong lòng mà không dám nói ra, e rằng con cháu của mình bị ghi vào “sổ đen” của lớp, khó mà ngóc đầu ngóc cổ còn nói chi là vươn lên trong học tập…

Câu chuyện lạm thu những khoản không có trong quy định của ngành giáo dục vẫn còn diễn ra ở nơi này nơi nọ. Chuyện quà cáp thăm hỏi thầy cô lúc không may ốm đau hay vào dịp lễ tết có lẽ cũng là chuyện nên làm và chính đáng. Nhưng chuyện quà cáp sao cho hợp lý, thể hiện tình nghĩa là chính chứ không nên coi là một khoản thu nhập bổ xung cho thầy cô, làm mất đi ý nghĩa của tấm lòng “tôn sư trọng đạo” theo đạo lý truyền thống của dân tộc ta.