Cùng hành động để thay đổi những ứng xử kém văn hóa
(Dân trí) - Những lời răn dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”… luôn là những bài học thiết thực của ông cha ta về văn hóa ứng xử. Vậy mà nay còn mấy ai ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Giao tiếp xã hội
Sống trong môi trường xã hội nào, con người cũng có những mối quan hệ. Mà để duy trì được các mối quan hệ đó sao cho hài hòa, tốt đẹp, chúng ta không ai có thể cứ xử xự như thế “riêng mình một cõi”, sống chẳng cần ai…
Liệu hành động văn hóa này có thể đổ lỗi cho du nhập lối sống phương Tây. (Ảnh: congannghean.vn)
Do vậy việc học cách ăn ở, cư xử sao cho đúng mực, sao cho chứng tỏ mình là người có văn hóa, nhất là trong xã hội văn minh hiện nay, càng thực sự là những bài học trường đời cần thiết cho tất cả mọi người.
Tất nhiên, đã là xã hội, thì như bạn Nam: namnguyen668@gmail.com đã nhận xét, không phải tất cả những người có học thức cao đều là những người biết ứng xử có văn hóa.
“Ví như bác sĩ, không phải ai cũng thực hiện và làm được theo phương châm “Lương y như từ mẫu”. Người bệnh đi chữa bệnh đã mất tiền và lo âu, vậy mà có những vị y sĩ chẳng những không thương xót, không tận tụy vì bệnh nhân, mà còn mắng mỏ họ. Nhất là những người ở quê lên, không có tiền, ít tiếp xúc với thế giới hiện đại, lại càng làm họ “ngứa mắt”.
Thiết nghĩ, chúng ta được ăn, được học, hãy cư xử sao cho những người không có điều kiện được học, người thiệt thòi họ không cười cho là có học mà không bằng họ”.
Còn độc giả Dương Tuấn Quỳnh: duongtuanquynh@gmail.com có cái nhìn xa hơn qua phân tích về tính tự giác: “Sự thiếu văn hóa đó không hẳn là do thụ động hay do xã hội phát triển quá nhanh hay do du nhập văn hóa phương Tây. Điều đơn giản có thể nhận ra, đó là do chính bản thân, chủ thể của từng cá nhân chưa có tính tự giác.
Các cụ ta có câu "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Vậy cứ 1 người tự giác biết xử sự đúng, biết chú trọng hơn về vấn đề văn hóa thì sẽ có hiệu quả cao hơn là để văn hóa Việt hàng nghìn năm bị đi vào quên lãng một cách đáng tiếc, thay vào đó là 1 nền văn hóa mới xa xỉ.
Tôi xin đưa ra 1 câu nói mà tôi nghĩ là cần cho việc khôi phục lại nét đẹp văn hóa trong mỗi con người chúng ta: "Không gì là không thể. Không thể là không có gì" - Hy vọng mọi người sẽ sớm nhận thức lại được giá trị của chính bản thân mình”.
SmileAngel: smileangel_2912@yahoo.com cho rằng: “Theo tôi, bây giờ phải giáo dục ý thức người lớn chứ không phải ý thức của trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ như trang giấy trắng, chúng có biết gì đâu, chúng chỉ làm theo những hành động của người lớn thôi. Nếu người lớn chuẩn mực thì tất trẻ con sẽ ngoan ngoãn theo. Thật tiếc khi hiện nay ở trường cô giáo dạy vứt rác vào thùng rác. nhưng khi đi chơi với bố mẹ thì : "Cứ vứt đi con, không sợ đâu" ( ý ở đây là vứt ra đường )”.
Cacomngon: cacomngon@gmail.com nêu rõ vấn đề ở chỗ cần quyết tâm thay đổi thói quen xấu: “Do ý thức của từng người, trở thành ý thức của cả cộng đồng... Bản thân tôi luôn cảm thấy bình thường trước những thói quen của mình, nhưng nhận ra thói quen đó không tốt khi "nhìn thấy" thói quen đó lặp lại ở người khác, và từ đó tôi không bao giờ lặp lại thói quen đó của mình. Nhưng thật tệ tôi không truyền lại cảm giác đó cho người xung quanh mình, vì hình như "mình khác người"... Làm sao để mỗi người nhận thức được việc mình làm là rất tệ, thì mới mong thay đổi được thói quen của họ, và thay đổi được ý thức của họ...".
Có phải bản chất: ngocanhqua@gmail.com nhấn mạnh tới tính ích kỷ của mỗi cá nhân: “Phải nói thật rằng đa số chúng ta là thiếu ý thức. Và những người có ý thức thiểu số đôi khi thấy mình bị lạc lõng giữa xã hội này. Trong hầu hết các mặt của đời sống từ văn hóa giao thông, giao tiếp, môi trường, trường học, công sở, cơ quan hành chính... đâu đâu cũng tràn lan những cách ứng xử rất thiếu văn hóa của đại bộ phận những người được coi, hay tự coi mình là "có học" . Phải chăng những ứng xử đó cùng xuất phát từ tính ích kỷ của mỗi cá nhân và nó đang dần biến những con người văn minh trở về thời kỳ… nguyên thủy?”
Nhìn lại chính mình
Nhiều bạn khi lên tiếng về các ứng xử thiếu văn hóa của giới trẻ ngày nay, thì lại đổ vấy cho sự phát triển cũng như ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài. Nhưng ai cũng có thể gạt qua điều này và khẳng định rằng: người nước ngoài không hề có cách cư xử như vậy, và họ có ý thức hơn ta rất nhiều. Một số độc giả đã có nhiều dịp công tác tại một số quốc gia trên thế giới cũng như đang làm việc tại nước ngoài chia sẻ:
Vứt rác bừa bãi cũng là một trong những thói quen xấu mà chúng ta cần "xóa sổ" nếu muốn sống trong môi trường không ô nhiễm. (ảnh: internet)
Lê Đức Thịnh noibuon_korea2019@yahoo.com.vn viết: "Tôi là một độc giả hay theo dõi và nghe tin tức từ nhiều bài báo phản hồi về cách sống và ý thức của người Việt Nam chúng ta. Các cụ ngày xưa từng nói “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thật sự càng ngẫm tôi càng thấy câu nói này sao đúng đến vậy. Sao chúng ta không lựa lời mà nói kính trên nhường dưới nhẹ nhàng với nhau, thì chắc mọi chuyện đều sẽ tốt hơn.
Tôi đang sống và làm việc ở Hàn Quốc, tôi thấy con người ở nơi đây thật là tốt bụng và họ nói với nhau rất tôn kính. Họ chấp hành luật pháp thật là nghiêm chỉnh và có lối sống cao. Những lúc như vậy tôi lại nghĩ về quê hương với rất nhiều trăn trở”.
Phùng Trần:ư ngocha2910@yahoo.com kể một kinh nghiệm bản thân: “Tôi có dịp đi một số nước và có một bài học tôi nhớ mãi không quên. Khi tôi đến làm việc tại một cơ quan công quyền về thủ tục cá nhân, người tiếp hướng dẫn tôi một cách tỉ mỉ và ân cần. Khi xong công việc, tôi cảm ơn và hỏi sao các anh tận tình và thân thiện thế. Người tiếp dân mỉm cười nói đơn giản: "Tôi nhận tiền lương từ thuế của dân mà". Thật là thấm thía. Còn ở Việt Nam thì nhiều cán bộ công chức ăn lương từ thuế của dân đóng góp, nhưng quay lại "hành dân"....
Có những trường hợp cụ thể đáng buồn của sự thể hiện “bằng vai phải lứa” mà một bộ phận giới trẻ ngày nay chúng ta vẫn tỏ ra trong cách cư xử, coi như đó là chuyện bình thường.
Bác Hữu Minh mphung52@yahoo.com chia sẻ: “Hôm trước tôi dẫn hai đứa cháu nội đi học và nhà trẻ, trường gần nhà. Đứa lớn 4 tuổi tôi dắt, đứa nhỏ tôi cho ngồi xe đẩy. Ba ông cháu đi trên con đường nhỏ, có một vũng nước trước mặt và một chiếc xe ô tô 5 chỗ đi ngược chiều. Tôi đã cố gắng đưa hai cháu qua vũng nước ấy, trong lúc chiếc xe ôtô này cứ bấm còi inh ỏi.
Qua được vũng nước rồi, trong lúc chiếc ô tô chuẩn bị lách ông cháu tôi để lao về phía trước, tôitranh thủ nói với vào xe với người lái ô tô rằng: sao anh ta bấm còi làm gì cho trẻ con giật mình, vả lại đôi bên đã thấy nhau rồi cơ mà. Lập tức anh lái xe thò đầu ra quát: "Mày là con lợn à? Còi ô tô dùng để làm gì? Còn không tránh ra cho tao đi, chết hết cả nút bây giờ" (?!) Xin nói thêm, anh chàng lái xe này trạc hơn 30 tuổi. Tôi thì đã 60”.
Keo chanh phuongsen.kc@gmail.com triết lý: “Suy cho cùng đó là ở hai từ "ý thức". Phải công nhận một sự thực đáng buồn là ý thức của chúng ta ngày càng xuống cấp. Sống trong môi trường như thế nào thì người ta sẽ cư xử như vậy. Những người ý thức thì hẳn sẽ thấy phản cảm, nhưng để thay đổi thực trạng rất khó. Con người ai cũng đều có ý thức, bây giờ chỉ là phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Mong là mỗi cá nhân tự giác ngộ chứ không thể nào ép buộc họ được.Mong rằng trong tương lai Việt Nam sẽ không còn những tồn tại thế”.
Lê Kiều Thị Giang toi20xinh@gmail.com cũng bày tỏ: “Thực sự tôi là dân 9X, nhưng cũng rất bất bình vì sự thiếu văn hóa của 1 số bạn cùng lứa tuổi mình.
Hôm trước tôi ngồi ở ghế đá trong sân trường với vài người bạn cùng lớp, thì thấy mấy cô bạn đi ngang qua, tay mỗi người cầm 1 lon coca, vừa đi vừa cười nói rất to. Họ ngồi xuống ghế đá trước mặt tôi và bắt đầu tán chuyện.
Một lúc sau tôi giật nảy mình vì nghe những tiếng động lạ trong sân trường đang yên tĩnh. Hai cô gái trong số họ ném vỏ lon xuống sân trường. Sau đó họ lại cười nói rất vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Rồi tiếp tục những người còn lại cũng làm như thế và họ lại cười rất khoái trá với nhau. Thật sự tôi và tụi bạn rất ngạc nhiên và bất bình khi trông thấy cảnh đó.
Vừa lúc có 1 cô giáo cũng lớn tuổi đi qua, cô dừng lại nhắc nhở họ. Một bạn nữ mặt phụng phịu ra nhặt vỏ lon lại, còn mấy người kia thi cau có. Đợi cô đi 1 đoạn, mấy người họ lại vứt vỏ lon ra như chẳng có chuyện gì cả, rồi lại cười với nhau…
Ra về trong tâm trạng rất khó chịu, tôi nghĩ trông họ cũng sáng sủa, là sinh viên đại học rồi mà tại sao văn hóa của họ lại kém như vậy?”.
Duonglang9 thuonglang9@gmail.com tâm sự: “Tôi cũng đã từng làm việc trong ngành Du lịch hơn 10 năm, qua phục vụ rất nhiều loại khách từ khách Tây già nhiều tiền đến khách châu Á (có VN), thì thú thật phục vụ 1 bàn ăn 50 người khách Tây nhàn và khoẻ hơn phục vụ 1 bàn 4 người khách ta.
Chưa kể đến những lần là khách mời sau đó là tham dự tiệc buffet thì đúng là tức mà không nói được. Tiệc buffet thực chất là một seminar nối dài, là điều kiện để các khách hàng có dịp tiếp xúc sâu hơn... Nhưng mấy ai biết được điều đó! Cho nên món ăn của buffet thường là món khô, nhẹ, gọn để có thể cầm trên tay và đi tiếp xúc với nhau. Vì thế ăn buffet thường không no.
Tuy nhiên, tôi đã gặp rất nhiều lần những cảnh tượng thật đáng xấu hổ. Món ăn thì múc vô dĩa ê hề, ăn không hết thì bỏ đó, phớt lờ sự khó chịu của nhân viên phục vụ. Hoặc tụm lại ngay 1 món nào đó ngon và chỉ ăn món đó, người khác muốn ăn cũng không thể nào lấy được vì bị che bít mất.
Có lần, nhân viên trong khách sạn tôi làm đang phục vụ cho 1 khách người Nhật ăn sáng, món ăn là trứng chiên với bánh mỳ. Trong khi ăn, những mẩu bánh bị bể rơi xuống bàn, ông ấy vẫn bình thản nhặt lên ăn. Anh nhân viên phục vụ cười mỉm và ông ấy đã bắt gặp, bình tĩnh ông gọi nhân viên ấy đến và nói bằng tiếng Việt tuy chưa đúng nhưng rất rõ ràng rằng: Tại sao lại cười vì những mẩu bánh mỳ đó, tôi đã trả tiền và tôi có quyền sử dụng hết, đó là tiết kiệm đó bạn!...
Bao giờ hết tệ xả rác bừa bãi để cho môi trường sống sạch hơn? tiết kiệm trong ăn uống, ăn đúng, đủ chứ không phải thừa mứa và đổ đi? Tại sao người Nhật, Hàn và các nước phương Tây họ giàu? Họ giàu vì biết cách xài đúng nơi, đúng chỗ, tiết kiệm những gì cần tiết kiệm. Tại sao với nhiều người VN, ăn uống là cứ phải chừa lại trong tô? vì chừa lại mới là người lịch lãm, sang trọng ư?”
Hành trang cho tương lai
Bên cạnh sự lo ngại của nhiều người về cách ứng xử thiếu văn hóa sẽ làm lu mờ những giá trị tốt đẹp của truyền thống và con người Việt Nam, cũng có những độc giả vẫn lạc quan rằng: chắc chắn cái đẹp sẽ “thắng thế”.
Ngo Thanh 881157@gmail.com nêu rõ: “Là một người quan tâm, tôi thấy rất tâm đắc với ý kiến của mọi người. Những ý kiến tham gia quý báu. Tôi luôn tin rằng trong hầu hết người Việt đều tồn tại ý thức tốt đẹp, hay mong muốn những điều tốt đẹp. Nhưng tôi thấy điểm yếu nhất của chúng ta là tư tưởng đám đông, không dám làm theo ý mình, sợ ta là thiểu số. Tôi mong rằng các anh chị trên đây sẽ tiếp tục phát huy làm gương cho mọi người, đặc biệt là giáo dục con trẻ. Xin cảm ơn!”
Hoặc như Tran thanh tran.van_thanh@yahoo.com viết: “Cá nhân tôi nghĩ “Tiên học lễ hậu học văn” là câu nói cổ nhân truyền lại. Nếu như trẻ em không được giáo dục từ nhỏ về văn hóa ứng xử, người lớn không để ý đến hành vi của mình thì vấn đề này mãi mãi chẳng thể thay đổi được. Mỗi một cá nhân hãy thôi phán xét người khác mà hãy tự mình biến mình thành một người có văn hóa trong ứng xử. Chỉ cần làm được điều đó thì không cần phải lấy ví dụ ở mãi bên Nhật hay ở một nơi nào đó”.
Và độc giả có nickname Vo danh: thanhtungvip@yahoo.com lạc quan tổng kết:
“Khi nhận xét một vấn đề nào đó,chúng ta cần phải đánh giá một cách khách quan.Mà khách quan là gì?là không chủ quan đó… Việt Nam là một nước đang phát triển phải không ạ?sao bác lại đi so sánh với các bác Tây đang sống ở những nước phát triển được.
Mâu thuẫn là tiền đề của sự phát triển, mà ta đang phát triển thì đương nhiên là phải có mâu thuẫn rồi. Đang xảy ra mâu thuẫn giữa những người xả rác và những người quét rác.Chúng ta hãy đế cho nó phát triển một cách giống như các bác Tây đã phát triển, xã hội và tự nhiên đều có quy luật đào thải, những cái gì là xấu,là vô văn hóa sẽ bị loại thôi. Tất cả hãy cứ yên tâm, cứ bình tĩnh, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy thôi!”.
Vâng, chúng tôi cũng mong như vậy. Có điều chúng ta cũng không thể cứ ngồi im mà chờ đợi. Thay vì thế, hãy cùng nhau hành động ngay từ hôm nay, phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn…
Nguyệt Thu